Sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992: Đặc thù nào cho Hà Nội?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Thực hiện phân cấp còn lúng túng

Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Hồng Khanh cho rằng, xuất phát từ thực tiễn khách quan, vị trí, vai trò quản lý nhà nước là nhân tố trung tâm của quyền lực nhà nước, vì vậy việc phân cấp trong quản lý tức là phân chia thẩm quyền, song thực tế không có tổ chức, cá nhân nào lại muốn phân chia quyền của mình cho bất kỳ một tổ chức, cá nhân nào khác. Đây chính là khó khăn lớn nhất trong quá trình thực hiện phân cấp giữa Trung ương và địa phương. Đó là chưa kể nhận thức về phân cấp của một số cá nhân, tổ chức còn phiến diện, khi được tiếp nhận thẩm quyền theo phân cấp, đã thể hiện tính cục bộ, chỉ quan tâm đến quyền lợi của tổ chức, cá nhân, mà bỏ qua lợi ích chung toàn cục của hệ thống.

Thực tế, vấn đề phân cấp được thể hiện trong Hiến pháp 1992 còn chung chung, đơn giản và thiếu cụ thể. (Điều 26, quy định “phân công trách nhiệm và phân cấp quản lý Nhà nước giữa các ngành, các cấp” và Chương IX quy định về HĐND và UBND). Chính vì thế, việc xây dựng hệ thống pháp luật chưa thực hiện đúng nguyên tắc thống nhất. Có hiện tượng, các bộ ban hành văn bản hướng dẫn với nội dung của luật, nghị định. Ví dụ: Khoản 4 Điều 102 Luật Tổ chức HĐND và UBND quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của UBND cấp huyện trong việc thực hiện kế hoạch phát triển sự nghiệp y tế, quản lý các trung tâm y tế… nhưng tại Thông tư liên tịch 03/2008/TTLT- BYT- BNV hướng dẫn chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Y tế, phòng y tế thuộc UBND cấp tỉnh, huyện thì trung tâm y tế, trạm y tế lại thuộc thẩm quyền quản lý của Sở  Y tế…

Việc thiếu đồng bộ của hệ thống pháp luật còn thể hiện ở việc luật chờ nghị định, nghị định chờ thông tư. Do đó, mặc dù luật đã có hiệu lực song Thông tư hướng dẫn chưa được ban hành nên không thể triển khai được. Cụ thể, Nghị định 92/2009 quy định về chức danh, số lượng, một số chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức cấp xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, tuy nhiên đến nay việc tuyển dụng công chức cấp xã, phường, thị trấn vẫn áp dụng các quy định của NĐ114/2003 vì chưa có thông tư hướng dẫn của Bộ Nội vụ.

Thực tế cho thấy sự thiếu thống nhất, còn ít nhiều lúng túng giữa các cơ quan TƯ và địa phương được phân cấp, chưa vận hành thông suốt; phân cấp nhiệm vụ cho cấp dưới, nhưng chưa bảo đảm được các điều kiện cần thiết để thực hiện, thiếu sự thống nhất, đồng bộ giữa các ngành, các lĩnh vực có liên quan, chưa tạo điều kiện cho địa phương chủ động cân đối các nguồn lực và nhu cầu cụ thể. Trong đó, đáng kể nhất là nhiệm vụ phân cấp cho các quận, huyện về KT-XH lớn nhưng nguồn vốn phân cấp còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu.

Đòn bẩy pháp lý cho thủ đô

Phân cấp quản lý quy hoạch, kế hoạch và phát triển đầu tư; quản lý đất đai, tài nguyên, xây dựng, nhà ở; ngân sách, tài sản nhà nước, quản lý doanh nghiệp, quản lý thuế; hoạt động sự nghiệp, dịch vụ công; tổ chức bộ máy và cán bộ công chức là những lĩnh vực quan trọng trong tổ chức, hoạt động bộ máy nhà nước được phân cấp cho địa phương, trong đó có Hà Nội. Đây cũng là những hoạt động có tính chất rường cột của nền kinh tế, cũng như tổ chức chính quyền nhà nước. Trong từng lĩnh vực cụ thể, Hà Nội có những quyết sách và thu được các kết quả nhất định; Hà Nội đã phân cấp mạnh cho UBND quận, huyện, thị xã, phường… tự chịu trách nhiệm về quản lý đô thị, hạ tầng kỹ thuật, cho phép thành lập thanh tra chuyên ngành xây dựng; thực hiện phân cấp cho một số quận, huyện thực hiện cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở tại đô thị cho hộ gia đình, cá nhân, làm cơ sở để phân cấp cho UBND cấp huyện theo Luật Đất đai 2003…

Tuy nhiên, bên cạnh tính chất của một đô thị, Thủ đô Hà Nội còn mang tính chất đại diện quốc gia. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh Hà Nội đang chuyển động mạnh mẽ trước yêu cầu phát triển cơ chế thị trường định hướng XHCN, đẩy mạnh CNH – HĐH theo hướng hiện đại vào năm 2020 thì khung pháp lý cho Hà Nội hiện rất bất cập. Sự bất cập này, phần nào được giải quyết tại dự thảo Luật Thủ đô, tuy nhiên vẫn còn nhiều ý kiến chưa nhận được sự đồng thuận cao từ nhiều phía.

Thực tế, Hà Nội với tư cách là Thủ đô đang phải đối mặt với nhiều vấn đề lớn nảy sinh, nhất là trong điều kiện Thủ đô được mở rộng gấp 3 lần diện tích và có sự chênh lệch lớn về điều kiện KT-XH giữa các vùng trung tâm đô thị, nội, ngoại thành. Bên cạnh đó, tình trạng tăng dân cư tự phát, ô nhiễm môi trường, ngập lụt, giao thông ách tắc, vi phạm pháp luật trong nhiều lĩnh vực quản lý đô thị… không những chưa giảm mà còn có chiều hướng diễn biến ngày càng phức tạp. Hơn lúc nào hết Hà Nội cần những đòn bẩy pháp lý phù hợp, làm động lực để khai thác tiềm năng, phát huy thế mạnh, xứng tầm với vị trí, vai trò đã được xác định.

Sửa Hiến pháp thế nào?

Từ thực tiễn áp dụng pháp luật cũng như nhu cầu phát triển Thủ đô, HĐND và UBND thành phố Hà Nội đề xuất một số cơ chế chính sách đặc thù ở các lĩnh vực như: quy hoạch, phát triển cơ sở hạ tầng (QH quyết định đầu tư từ nguồn ngân sách Trung ương cho các công trình hạ tầng quan trọng của Thủ đô…); tài chính và phát huy vốn (được sử dụng toàn bộ khoản thu ngân sách TƯ vượt kế hoạch…); quản lý dân cư (quy định các điều kiện cư trú nội thành…). Để những đề xuất này được luật hóa, UBND và HĐND thành phố  đã đưa ra 2 phương án cụ thể trong sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992. Phương án 1: sửa Điều 118 Thủ đô – đơn vị hành chính. Phương án 2: giữ nguyên quy định hiện hành; đồng thời sửa Điều 144, Chương XI Hiến pháp 1992 “Thủ đô nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Hà Nội. Thủ đô là đơn vị hành chính đặc biệt, được tổ chức và hoạt động theo quy định của Hiến pháp, Luật Thủ đô và các luật khác có liên quan”.

Hà Nội là đô thị đại diện quốc gia, cần có một đòn bẩy pháp lý để phát huy thế mạnh; song cũng rất cần phải đưa ra những yêu cầu cao hơn, nghiêm ngặt hơn đối với Thủ đô so với mặt bằng chung của cả nước. Tức là song song với việc quy định đặc thù của Thủ đô và trao thêm thẩm quyền cho chính quyền Thủ đô, cần quy định cơ chế giám sát chặt chẽ việc thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù, việc sử dụng thẩm quyền đó từ phía các cơ quan Trung ương, cũng như từ phía người dân Thủ đô vàâ nhân dân cả nước. Tất cả những vấn đề này cần được xem xét, cân nhắc kỹ trong lần sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992.

Phùng Thanh Hương
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân