Sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992: Tính chuyên nghiệp của cơ quan hành pháp
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Tăng cường tính chuyên nghiệp của cơ quan hành pháp

Theo Điều 109 của Hiến pháp năm 1992, Chính phủ là cơ quan chấp hành của QH, cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Tuy nhiên, TS Tô Văn Hòa (Trường Đại học Luật Hà Nội) cho rằng, vị trí chính xác của Chính phủ trong cơ chế thực hiện quyền lực Nhà nước ở nước ta chỉ nên là “cơ quan chấp hành của QH”. Tương ứng với vị trí trên, Chính phủ thực hiện chức năng hành pháp và chức năng hành pháp cần được phân biệt với chức năng hành chính nhà nước do hệ thống cơ quan hành chính nhà nước thực hiện. Cụ thể, Chính phủ không có chức năng hành chính, không nằm trong hệ thống các cơ quan hành chính mà nằm trên hệ thống này, lãnh đạo hệ thống này. Để bảo đảm các chủ trương, chính sách và luật do QH ban hành được thực hiện một cách hiệu quả và nhất quán trong cả nước thì hoạt động hành chính nhà nước không thể tách rời khỏi sự lãnh đạo của Chính phủ mà trực tiếp là các thành viên Chính phủ.

Đại diện nhóm tác giả nghiên cứu sửa đổi, bổ sung về chế định Chính phủ, TS Phạm Hồng Quang cho rằng để bảo đảm nguyên tắc quyền lực tối cao thuộc về nhân dân, QH, Chính phủ và Tòa án vẫn là các cơ quan lập pháp, hành pháp và xét xử cao nhất, các cơ quan này hoạt động độc lập nhưng vẫn có sự phân công, phối hợp dựa trên nguyên tắc Đảng lãnh đạo. Tuy nhiên, ông Quang kiến nghị, trong lần sửa đổi này, Hiến pháp nên quy định vị trí của Chính phủ theo hướng Chính phủ là cơ quan thực thi quyền hành pháp và đứng đầu hệ thống cơ quan hành chính của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Bên cạnh đó, nhằm bảo đảm sự kiểm soát lẫn nhau ở mức độ tương đối để tránh sự lạm quyền của Chính phủ hay bất kể cơ quan nào, cần bổ sung một số quy định như mở rộng thẩm quyền của nguyên thủ quốc gia trong lĩnh vực hành pháp hay thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ; các chức vụ trong Chính phủ không thể đồng thời là ĐBQH hoặc các ĐBQH không thể kiêm nhiệm các chức vụ quản lý; bổ sung những quy định nhằm đảm bảo vai trò giám sát của QH với hoạt động hành pháp của Chính phủ đi vào thực chất; xây dựng cơ chế kiểm tra và phán quyết đối với các hành vi của Chính phủ thông qua vai trò xét xử của tòa án…

Từ vị trí chức năng và mối quan hệ giữa Chính phủ và hệ thống cơ quan hành chính nhà nước cho thấy, vai trò của Chính phủ với tư cách là một tập thể với các thành viên Chính phủ không phải lúc nào cũng giống nhau. Các thành viên của Chính phủ, đặc biệt là các bộ trưởng phụ trách các bộ, thường có hai tư cách (vừa là thành viên của cơ quan hành pháp vừa là người đứng đầu bộ máy hành chính của lĩnh vực mình phụ trách). Chính vì vậy, để quyền hành pháp được thực thi một cách có hiệu quả, nhất thiết phải có sự phân biệt rành mạch về quyền hạn của các chủ thể phù hợp với vai trò tương ứng. Cụ thể, cần có sự phân biệt quyền hạn của Chính phủ với tư cách cơ quan thực hiện chức năng hành pháp; quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ với với tư cách vừa là người đứng đầu cơ quan hành pháp, vừa thực hiện một số công việc hành chính nhà nước (nếu có); quyền hạn của các bộ trưởng vừa là thành viên cơ quan hành pháp, vừa đứng đầu bộ máy hành chính của bộ mình phụ trách. Chỉ khi nào phân biệt được như vậy thì mới có thể tăng cường tính chuyên nghiệp trong hoạt động hành pháp, xác định được trách nhiệm trong việc thực hiện chức năng hành pháp và hành chính một cách chính xác, qua đó bảo đảm được hiệu quả hoạt động của Chính phủ và các thành viên Chính phủ.

Xác định rõ quy mô, vai trò của chính quyền địa phương

Đã có những tranh luận sôi nổi trong quá trình nghiên cứu cải cách tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương thời gian qua liên quan đến  việc thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường; đặc biệt là về cơ sở lý luận để duy trì hay không cơ chế đại diện dân cử ở cấp địa phương hoặc duy trì ở cấp chính quyền nào. Đại diện Bộ Tư pháp đề nghị, cần cân nhắc việc xóa bỏ hay không ghi nhận vai trò của hội đồng dân cử ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, nhất là trong bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền và dân chủ hóa cũng như chủ trương thực hiện chính sách phân quyền cho chính quyền địa phương ngày càng mạnh mẽ hơn.

Thực tế, mặc dù là một nội dung ưu tiên, song các nội dung của tổ chức hợp lý chính quyền địa phương cho đến nay vẫn chưa được thực hiện một cách đồng bộ, chưa phù hợp với yêu cầu đổi mới.  Luật Tổ chức HĐND và UBND tuy đã được sửa đổi, song chưa làm rõ nét sự khác biệt về thẩm quyền giữa các cấp chính quyền địa phương; giữa HĐND và UBND cùng cấp và nội dung quản lý nhà nước trên các địa bàn lãnh thổ (nông thôn, đô thị, hải đảo, miền núi). Đại diện Văn phòng Chính phủ, TS Hoàng Thị Ngân chia sẻ, sửa đổi Hiến pháp lần này là dịp nghiên cứu xác định 2 cấp chính quyền địa phương hoàn chỉnh, nơi tổ chức cả HĐND và UBND là những cơ quan có chung chức năng tổ chức thi hành pháp luật (hành pháp). Những công việc của địa phương do HĐND quyết định sẽ được thực hiện theo quy định của Hiến pháp và luật. Bên cạnh đó, các biện pháp thực hiện dân chủ trực tiếp phải được quy định một cách thiết thực để bảo đảm quyền của người dân trong việc quyết định các vấn đề của địa phương, cộng đồng. Để làm được điều này, thay mô hình áp dụng chung như hiện nay bằng căn cứ theo quy mô, điều kiện KT-XH và yêu cầu quản lý nhà nước để xác định mô hình tổ chức chính quyền địa phương, tránh hình thành đồng loạt một khối chính quyền hoàn chỉnh gồm cơ quan quyền lực nhà nước và hành chính ở tất cả các đơn vị hành chính có sự khác biệt về quy mô, vai trò. Chẳng hạn, HĐND là cơ quan đại diện của cộng đồng nhân dân, hoạt động trong khuôn khổ luật của Trung ương và không tạo thành một hệ thống dọc; UBND được tổ chức trong cơ cấu hành pháp, nhất thiết phải tổ chức, hoạt động theo nguyên tắc thống nhất, thông suốt, tuân thủ thứ bậc và sự chỉ đạo mang tính mệnh lệnh – phục tùng.

Phùng Thanh Hương
Nguồn: Báo điện tử Báo đại biểu nhân dân