Sửa đổi căn bản quy định về vốn của công ty cổ phần
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Thứ nhất, quy định cụ thể, rõ ràng và thống nhất các khái niệm về vốn của công ty cổ phần bao gồm: cổ phần được quyền chào bán và cổ phần đã bán bằng vốn điều lệ. Khái niệm vốn điều lệ cũng được sửa thành: vốn điều lệ công ty cổ phần là tổng giá trị theo mệnh giá các cổ phần đã bán; tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp, vốn điều lệ là tổng giá trị theo mệnh giá các cổ phần đã được các cổ đông đăng ký mua và được ghi trong Điều lệ công ty (Điều 115).

Song Dự thảo giữ nguyên quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2005, theo đó  khi thành lập công ty cổ phần, các cổ đông sáng lập phải cùng nhau nắm giữ ít nhất 20% tổng số cổ phần phổ thông được quyền chào bán. Trong vòng ba năm, không được chuyển nhượng số cổ phần này cho người không phải là cổ đông sáng lập trừ trường hợp được Đại hội đồng cổ đông chấp thuận. Phần còn lại sẽ được chào bán và phải bán hết trong vòng ba năm kế tiếp. Với quy định này, rõ ràng Luật Doanh nghiệp chỉ ràng buộc trách nhiệm vật chất của các cổ đông sáng lập ở mức tối thiểu là 20% tổng số cổ phần phổ thông chứ chưa chắc là tổng số vốn điều lệ của công ty vì luật không hạn chế số lượng cổ phần ưu đãi và cũng không ràng buộc nghĩa vụ gì của cổ đông sáng lập đối với lượng cổ phần ưu đãi mà công ty phát hành. Vì vậy, vô hình trung đã tạo cho các cổ đông sáng lập một phạm vi khá rộng (lên đến 80% tổng số cổ phần phổ thông và số lượng không hạn chế các cổ phần ưu đãi) để họ có thể kêu gọi vốn đầu tư từ các nguồn khác nhau. Đây có thể coi là ưu điểm của loại hình công ty cổ phần song lợi bất cập hại, chính quy định này cũng tạo môi trường khá thuận lợi để công ty cổ phần ma ra đời, để các chủ đầu tư, các tay lừa đảo chiếm dụng vốn, cưỡng đoạt tài sản. Hơn nữa, Dự thảo Luật chưa có những quy định giải quyết trường hợp không bán được hết số cổ phần, cũng như không có ràng buộc về mặt trách nhiệm nào đối với các cổ đông sáng lập để tránh việc họ khai vốn quá lớn mà không huy động được. Như vậy, trong thời gian ba năm, khả năng vốn điều lệ ảo của công ty gây nhầm lẫn và tạo niềm tin giả cho các đối tác, khách hàng là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Thứ hai, Dự thảo Luật quy định áp dụng thống nhất thời hạn phải thanh toán đủ phần vốn góp khi thành lập công ty tối đa không quá 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, trừ trường hợp Điều lệ công ty hoặc hợp đồng đăng ký mua cổ phần quy định một thời hạn khác ngắn hơn. Đồng thời, xác định rõ trách nhiệm của Hội đồng quản trị trong giám sát, đôn đốc và yêu cầu cổ đông phải thanh toán đủ và đúng hạn số cổ phần đã đăng ký mua khi thành lập doanh nghiệp (khoản 1, Điều 116). Tuy nhiên, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XIII vừa qua, đại biểu Mai Hữu Tín (Bình Dương) cho rằng, thời hạn 90 ngày có thể giúp kiểm soát được việc góp vốn điều lệ để kiểm soát hoạt động của doanh nghiệp. Nhưng với những dự án lớn với vốn đầu tư hàng tỷ đô la và kéo dài trong nhiều năm, việc yêu cầu các chủ đầu tư phải nộp vốn trong vòng 90 ngày sẽ dẫn đến việc vốn sẽ nằm không ở ngân hàng trong thời gian rất dài và giải pháp tại Điều 126 Dự thảo đưa ra sẽ không giúp sử dụng vốn hợp lý, hiệu quả.

Cuối cùng, Dự thảo Luật đã bổ sung quy định về chào bán cổ phần riêng lẻ đối với công ty cổ phần không phải là công ty đại chúng theo hướng đơn giản hóa so với quy định hiện hành tại Điều 127. Thoạt qua tưởng thay đổi nhưng không dễ. Bởi đa phần đối tượng thụ hưởng là công ty chứng khoán tuy nhiên nếu chiếu theo quy định tại Luật Chứng khoán (sửa đổi) năm 2010, công ty đại chúng là công ty cổ phần đáp ứng được một trong 3 điều kiện sau: đã thực hiện chào bán cổ phiếu ra công chúng; có cổ phiếu được niêm yết tại sở giao dịch chứng khoán hoặc có vốn điều lệ trên 100 tỷ đồng và có trên 100 nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu thì quy định này chỉ dành cho công ty đại chứng khoán thuộc hàng doanh nghiệp có quy mô tầm trung trở lên, trong khi đặc thù nền kinh tế nước ta có tới 97% doanh nghiệp là vừa và nhỏ thì chắc chắn số lượng các công ty chưa phải là đại chúng sẽ nhiều hơn rất nhiều so với số công ty đã là đại chúng. Và thực tế trên thị trường, theo số liệu do Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) Phan Đức Hiếu cung cấp, trên thị trường chứng khoán đang có đến hơn 70.000 công ty chưa niêm yết so với con số 1.700 công ty đã niêm yết.

Vì vậy, về phía Trung tâm hỗ trợ nghiệp vụ đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Giám đốc Đỗ Tiến Thịnh nhận định, sửa đổi quy định tại Điều 127 của Dự thảo đã là một bước tiến nhưng vẫn có thể tiến xa hơn nữa nếu tận dụng cơ hội sửa đổi lần này để dỡ bỏ hoàn toàn quy định về chào bán cổ phần riêng lẻ của công ty cổ phần không phải công ty cổ phần đại chúng. Vì theo ông Thịnh, nếu tiếp tục triển khai chào bán cổ phần riêng lẻ như hiện nay được quy định chi tiết tại Nghị định 58 sẽ tiếp tục gây khó khăn (thậm chí chẳng giải quyết được vấn đề gì) đối với các công ty cổ phần trong việc tăng vốn thông qua thủ tục chào bán cổ phần riêng lẻ mà các công ty này phải gửi phương án chào bán về cho Sở Kế hoạch và Đầu tư giải quyết.

Là thành viên trong Tổ soạn thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Phó cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Bùi Anh Tuấn khẳng định, những vấn đề nêu trên sẽ tiếp tục được hoàn thiện và chỉnh lý trong thời gian sớm nhất để kịp trình Quốc hội thông qua vào Kỳ họp tới. 

Phan Anh
Nguồn: Báo Người Đại biểu nhân dân