Để phát triển thành một đất nước công nghiệp hóa vào năm 2020, không thể im lặng mãi trước vấn đề quyền tài sản của nông dân đối với ruộng đất. Ngược lại, muốn bảo vệ nông dân, Nhà nước phải bảo vệ quyền tài sản của họ, giúp họ tự do hưởng dụng quyền ấy phù hợp với quy hoạch quốc gia và địa phương. Tại sao giới đầu tư có hầu hết các quyền sở hữu trên đất đã được giao (được tùy nghi khai thác, hưởng dụng, chuyển bán, thế chấp); trong khi nông dân chỉ có quyền trồng cấy và thu lượm hoa lợi, thậm chí bị hạn định rõ là cây trồng hàng năm hay lưu niên?
Có nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, muốn dân không mất ruộng, phải xem lại chế độ sở hữu áp dụng đối với ruộng đất của nông dân. Muốn dân không chán ruộng, phải xem lại các chính sách tác động tới nông sản nhằm giúp nông dân được lợi. Khi nông dân còn hưởng lợi thấp nhất trong chuỗi giá trị so với người buôn bán giống, phân bón hay xuất khẩu gạo có nghĩa là chính sách còn bất cập. Muốn dân không chán quê, phải xem lại ai được lợi từ chi dùng tài chính công. Khi mức đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn chỉ chiếm chưa đầy 20% ngân sách, dễ hiểu tại sao thành phố ngập tràn dân nhập cư, và nông thôn ngày càng heo hút, tiêu điều.
Đối với đất canh tác đã được chia, được giao, được người dân tự khẩn hoang, Nhà nước phải cho một thời hạn để họ tự đăng ký và tuyên bố quyền sở hữu bất khả xâm phạm của họ. Quyền tài sản ấy không bị giới hạn về thời gian, người dân tùy nghi canh tác, nhượng đổi phù hợp với quy hoạch của chính quyền, tùy nghi bán lại cho giới đầu tư theo giá thỏa thuận hoặc góp vốn kinh doanh như cổ phần trong các công ty. Nói cách khác, phải thay đổi cách nhìn về sở hữu toàn dân, tăng quyền tài sản tư đối với ruộng đất cho các gia đình nông dân, tôn trọng và nêu rõ thái độ của Nhà nước sẽ bảo vệ sở hữu của họ khi cần thiết.
Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online