Sửa đổi Luật Quản lý thuế: Cơ chế mới chống chuyển giá
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế

Nghị quyết của Chính phủ đã yêu cầu tạo thuận lợi cho DN nhỏ và vừa được kê khai thuế GTGT 03 tháng/lần, còn các DN lớn kê khai 01 tháng/lần. Theo quy định của Luật Quản lý thuế hiện hành, chỉ quy định kê khai theo tháng, khai theo năm hoặc theo từng lần phát sinh nghĩa vụ thuế, chưa có quy định khai theo quý. Do đó, chưa có cơ sở để quy định cho các DN vừa và nhỏ được kê khai thuế theo quý. Vì vậy, Dự thảo Luật bổ sung quy định việc khai thuế theo quý tại các điều khoản liên quan về hồ sơ khai thuế, thời gian khai thuế, thời gian gia hạn nộp hồ sơ khai. Việc sửa đổi cho phép người nộp thuế quy mô vừa và nhỏ được khai thuế theo quý vừa có ý nghĩa thiết thực là làm giảm chi phí hành chính của người nộp thuế, hỗ trợ người nộp thuế được dãn luồng tiền nộp thuế, vừa đáp ứng yêu cầu thông lệ quốc tế, vừa nâng cao tính hấp dẫn của môi trường kinh doanh.

Dự thảo cũng rút ngắn thời hạn giải quyết đối với trường hợp “hoàn thuế trước, kiểm tra sau” từ 15 ngày làm việc xuống còn 6 ngày làm việc; giảm thời hạn giải quyết đối với trường hợp “kiểm tra trước, hoàn thuế sau”, từ 60 ngày xuống 40 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ. Rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục gia hạn nộp hồ sơ khai thuế từ 05 ngày làm việc ngày xuống 03 ngày làm việc. Dự thảo cũng bỏ “chứng từ nộp thuế” trong hồ sơ hoàn thuế. Điều chỉnh cơ chế giải quyết hồ sơ hoàn thuế theo nguyên tắc quản lý rủi ro, tạo thuận lợi hoàn thuế nhanh theo kê khai của DNvà thu hẹp diện phân loại hồ sơ “kiểm tra trước, hoàn thuế sau” để tăng tính tự giác và trách nhiệm của DN…

Bổ sung cơ chế APA trong chống chuyển giá

VN ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới. Ngoài những tác động tích cực, hội nhập cũng xuất hiện những thách thức, ảnh hưởng tiêu cực cho công tác quản lý thuế như dàn xếp né tránh thuế, chuyển giá… đòi hỏi công tác quản lý thuế phải được tiếp tục hoàn thiện để phù hợp hơn với các chuẩn mực, thông lệ và cam kết quốc tế, góp phần tăng cường quản lý, giám sát công tác quản lý thuế. Với chính sách mở cửa, thu hút đầu tư, các DN đầu tư nước ngoài đã trở thành một phần tích cực trong các thành phần kinh tế đóng góp cho sự tăng trưởng kinh tế của VN. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia khi phân tích ở góc độ nghiệp vụ về thuế cho thấy có tình trạng lỗ giả, lãi thật do lợi dụng vấn đề chuyển giá (mua bán nội bộ trong tập đoàn không theo nguyên tắc giá thị trường). Thời gian qua, ngành thuế đã triển khai quyết liệt việc kiểm tra, thanh tra chống chuyển giá nhưng hiệu quả chưa cao vì chuyển giá từ giao dịch quốc tế khá phức tạp, thiếu thông tin để chứng minh vấn đề gian lận giá mua – bán, khó xác minh bên mua, bên bán thực tế tại nước ngoài.

Dự án Luật dự kiến sửa đổi, bổ sung liên quan đến 3 nhóm vấn đề gồm: đơn giản hóa thủ tục hành chính; Cải cách – hiện đại hóa và hội nhập, phù hợp thông lệ quốc tế; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả của quản lý thuế.

Để kiểm soát vấn đề này theo nguyên tắc giá thị trường, tạo điều kiện cho DN vừa tuân thủ pháp luật ở nước nhận đầu tư và ở nước xuất khẩu vốn, các nước thành viên OECD và các nước trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia… đã có quy định về cơ chế thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá theo nguyên tắc giá thị trường giữa cơ quan thuế và các Cty đa quốc gia, bao gồm cả sự tham gia của cơ quan thuế các nước có liên quan vì vấn đề chống chuyển giá và cơ chế thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá (APA) cũng là nội dung chính được điều chỉnh tại các Hiệp định tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa trốn lậu thuế. Theo cơ chế này, DN đa quốc gia phải chủ động đề xuất biện pháp tính giá hoặc mức giá khi thực hiện mua- bán giữa các thành viên trong tập đoàn trước khi khai nộp thuế, cơ quan thuế VN (có thể phối hợp với cơ quan thuế nước ngoài có ký kết Hiệp định tránh đánh thuế hai lần với VN) sẽ giám sát, kiểm soạt để chống gian lận chuyển giá.

Việc bổ sung cơ chế APA tạo sự chủ động cho DN trong lập kế hoạch kinh doanh và thực hiện nghĩa vụ thuế, đồng thời tạo thuận lợi cho công tác hành thu, khai thác hiệu quả bảo vệ nguồn thu trên cơ sở DN đa quốc gia được hưởng ưu đãi đầu tư, được tiếp cận và khai thác thị trường tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ thì phải có nghĩa vụ đóng góp tài chính với xã hội.

Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định về cơ chế phân loại mã số, xác định trị giá, xác định xuất xứ hàng hóa trước khi làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu. Đồng thời mở rộng phạm vi thu thập, khai thác thông tin về người nộp thuế từ nguồn nước ngoài theo các hiệp định, điều ước đã ký.

Hoàng Oanh
Nguồn: Báo Điện tử Diễn đàn doanh nghiệp