Sửa Hiến pháp: 3 hướng đề xuất sở hữu đất đai
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Tổng kết còn chung chung

Thứ trưởng Hoàng Thế Liên, người phát ngôn của Ban chỉ đạo tổng kết thi hành Hiến pháp 1992 cho biết, lường trước việc tổ chức tổng kết theo đơn vị hành chính sẽ không đem lại nhiều nội dung về đất đai, Ban chỉ đạo đã yêu cầu Bộ Tài nguyên – Môi trường tổng kết chuyên đề về đất đai.

Theo ông Liên, chế định sở hữu toàn dân đối với đất đai được quy định từ Hiến pháp 1980 đến nay đã được đón nhận chung, trên thực tế đã xây dựng một loạt luật và các văn bản khác để triển khai thực hiện. Trong quá trình thực hiện chế định này, “mặt được cũng nhiều nhưng vẫn còn một số bất cập nổi lên”.

Tuy nhiên, Thứ trưởng cho rằng vẫn chưa rõ hạn chế là do nguyên nhân ở Hiến pháp hay ở hệ thống các văn bản pháp luật thực thi. “Kết quả tổng kết cho đến lúc này còn chung chung, chưa chỉ rõ tính đúng đắn của Hiến pháp tới đâu, điều gì là do hạn chế của quá trình ban hành luật, pháp lệnh và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa đáp ứng được tinh thần và yêu cầu của Hiến pháp”, ông Liên nói.

Theo ông, phần lớn tổng kết Hiến pháp của 63 tỉnh, thành và 30 bộ, ngành đề nghị giữ nguyên chế định đất đai thuộc sở hữu toàn dân trong Hiến pháp, nhấn mạnh cần chú trọng hơn quá trình thể chế hoá chế định này vào các luật và nghị định.

Loại ý kiến thứ hai cho rằng “sở hữu toàn dân” là một khái niệm trừu tượng, chưa cụ thể về chủ sở hữu, đề nghị nói rõ “sở hữu đất đai thuộc Nhà nước”. Trên thực tế, một số luật thể chế hoá chế định này đã có bước phát triển, ví dụ Bộ luật Dân sự và luật Đất đai đã nêu “đất đai thuộc sở hữu toàn dân nhưng Nhà nước là người đại diện”.

Cũng có đề xuất thứ ba đặt vấn đề đa dạng hoá sở hữu đất đai.

Theo ông Liên, “đưa ra đề xuất thì dễ dàng, nhưng tìm đủ cơ sở lý luận, thực tiễn để lập luận một cách thuyết phục thì tất cả các kiến nghị trên đều chưa làm được”.

Ông cho biết Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban chỉ đạo, yêu cầu đất đai là một trong những vấn đề cần tiếp tục đi sâu trong giai đoạn 2 của tổng kết Hiến pháp, có khảo sát thực tiễn, tổ chức hội thảo để lập luận sâu sắc và chính xác hơn.

Quyền công dân: Nay đã có điều kiện để làm luật

Thứ trưởng Hoàng Thế Liên nhận định, Hiến pháp 92 đã quy định đầy đủ và tiến bộ về quyền con người và quyền công dân, nhưng trong điều kiện hội nhập hiện nay, vấn đề này cần được đề cao và bảo đảm thực hiện một cách mạnh mẽ.

“Các tổng kết từ bộ, ngành, địa phương đều kiến nghị Hiến pháp quy định quyền con người và quyền công dân rõ hơn với cơ chế đảm bảo thực thi cao hơn, đặc biệt nhấn mạnh trách nhiệm của nhà nước trong việc tôn trọng và bảo đảm thực hiện các quyền này”, ông Liên cho biết.

Cho đến nay, Việt Nam đã tham gia hầu hết các công ước quốc tế về quyền con người, nhưng ông Liên đồng ý rằng hệ thống pháp luật hiện đang đối xử với quyền con người chưa ngang tầm với vị thế là một chế định quan trọng trong Hiến pháp. Do đó, Hiến pháp tới đây phải nhấn mạnh trách nhiệm của nhà nước trong việc thể chế hoá các quyền đã được ghi trong Hiến pháp nhưng chưa được thực hiện trong thực tế do chưa có luật.

“Chưa có luật không phải do Nhà nước không muốn dân thực hiện, mà do trong bề bộn các yêu cầu của một nền kinh tế đang chuyển đổi, cần có một thứ tự ưu tiên, sức Nhà nước không thể một lúc làm tất cả”, ông Liên phân tích. “Trong giai đoạn đầu, ta ưu tiên làm luật cho phát triển kinh tế, nay ta xác định đổi mới đồng bộ kinh tế và chính trị, thì mới có điều kiện để xây dựng các luật đảm bảo quyền công dân”.

Thứ trưởng Tư pháp cho biết luật Biểu tình và luật Hội đã có trong chương trình làm luật của QH khoá XIII.

Kiểm soát chặt chẽ quyền lực

Những nội dung quan trọng khác Chính phủ được giao tổng kết gồm phân công quyền lực nhà nước; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ; và tổ chức chính quyền địa phương.

Về quyền lực nhà nước, Thứ trưởng Tư pháp Hoàng Thế Liên nhấn mạnh nguyên tắc “thống nhất quyền lực nhưng có sự phân công phối hợp và kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Theo ông Liên, thực tiễn triển khai nguyên tắc này còn vướng mắc ở chỗ chưa thực sự phân công rõ ràng, rành mạch giữa các quyền, dẫn đến phối hợp chưa nhịp nhàng giữa các cơ quan.

Ông cho biết nhiều ý kiến đề nghị Hiến pháp cần nói rõ cơ quan lập pháp là Quốc hội, hành pháp là Chính phủ, tư pháp là Toà án, “nhưng luôn nhất quán nguyên tắc quyền lực là thống nhất, việc phân công là trên cơ sở xuất phát từ vị trí của Quốc hội, cơ quan đại diện cao nhất cho quyền lực của nhân dân”.

Như vậy, đối với vị thế của Chính phủ cũng có hai hướng sửa đổi: Một, vẫn khẳng định Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội – nhiệm vụ của Chính phủ sẽ không có thay đổi lớn. Hai, xác định Chính phủ là cơ quan thực thi quyền hành pháp – thế chủ động của Chính phủ sẽ khác đi.

Ông Liên cho biết nội hàm “hành pháp” bao gồm khởi xướng, hoạch định và điều hành chính sách quốc gia, tổ chức thực thi Hiến pháp và pháp luật, quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực đời sống xã hội, bảo đảm trật tự công, điều hành thống nhất hệ thống hành chính, huy động và đảm bảo sử dụng hiệu quả các nguồn lực để xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước. “Song song với đó là một cơ chế kiểm soát chặt chẽ hơn để tránh tình trạng lạm quyền”, ông Liên nhấn mạnh.

Về chính quyền địa phương, tổng kết cũng sơ bộ cho thấy việc tổ chức chính quyền giống nhau ở ba cấp (tỉnh, huyện, xã và thành phố, quận, phường) đang làm trách nhiệm của mỗi cấp trong từng nhiệm vụ chưa phân biệt rõ và còn trùng lặp. Tổ chức chính quyền ở đô thị và nông thôn cũng đang giống nhau, trong khi đặc điểm quản lý ở hai khu vực này khác nhau.

Các ý kiến đều đề nghị có cách tổ chức khác nhau ở các cấp chính quyền và giữa đô thị với nông thôn.

Chính vì thế, ông Liên nhấn mạnh, cần sớm tổng kết toàn diện việc thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường. Thứ trưởng Tư pháp cho biết Chính phủ dự kiến đề nghị chính thức hoá việc này, nâng lên thành mô hình tổ chức chính quyền một cấp hoàn chỉnh ở đô thị (thành phố) và hai cấp hoàn chỉnh ở nông thôn (tỉnh và xã), triển khai toàn quốc và ghi nhận trong Hiến pháp.

Chung Hoàng