Sức cạnh tranh của sản phẩm cao su Việt Nam còn thấp
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Trên thực tế, theo số liệu thống kê chính thức của Tổng cục Thống kê, năm 2011, cả nước đã có 834.200 ha cao su (vượt xa so với cả mục tiêu 800.000 ha đề ra cho năm 2015), với sản lượng mủ cao su vượt mốc 1,2 triệu tấn. Dự báo, năm 2012, diện tích trồng cao su có thể đạt tới 900.000 ha và sản lượng mủ cao su thiên nhiên ước đạt 1,4 triệu tấn.

“Các con số thống kê cho thấy, Việt Nam đang trở thành nước có nguồn nguyên liệu cao su thiên nhiên khá dồi dào. Đây là yếu tố rất quan trọng giúp cho việc phát triển công nghiệp cao su Việt Nam trong tương lai”, bà Trần Thị Thúy Hoa, Chánh Văn phòng VRA nhận xét.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, trong lĩnh vực  sản xuất các sản phẩm cao su đang nảy sinh một số bất cập cần sớm có biện pháp khắc phục.

Thứ nhất, dù Việt Nam đứng thứ 5 trên thế giới về sản lượng cao su thiên nhiên và thứ 4 về lượng cao su thiên nhiên xuất khẩu, song sản phẩm cao su được sản xuất trong nước khá đơn điệu, nhiều nhất vẫn chủ yếu là lốp xe (khoảng 70%), còn lại là các sản phẩm khác như găng tay cao su, nệm, thảm…

Ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hội Cao su nhựa TP.HCM cho biết, ngay ngành công nghiệp sản xuất lốp xe của Việt Nam cũng chỉ mới phát triển từ các năm 1990 của thế kỷ trước và chưa sản xuất được nhiều loại sản phẩm, chi tiết phức tạp từ cao su phục vụ cho công nghiệp ô tô, xe máy. Các doanh nghiệp sản xuất lốp xe trong nước hiện mới đủ khả năng đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng lốp xe gắn máy và các loại xe tải nhỏ, bởi cả nước vẫn phải nhập khẩu đến 50% các loại lốp dành cho xe du lịch, xe tải…

Thứ hai, đang có sự cạnh tranh không bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hoạt động trong lĩnh vực này. Đó là việc doanh nghiệp FDI sản xuất, chế biến cao su trong các khu công nghiệp, khu chế xuất thì được hưởng một số ưu đãi về thuế, trong khi doanh nghiệp trong nước không được hưởng bất kỳ ưu đãi nào. Hệ quả là sức cạnh tranh của sản phẩm lốp xe cũng như các sản phẩm khác từ cao su của Việt Nam kém so với nhiều  nước trên thế giới.

Các chuyên gia cho rằng, giá mủ cao su thiên nhiên  khá ổn định, quanh mức 3.000 USD/tấn như hiện nay (dự báo, trong những năm tới, cũng sẽ chỉ dao động quanh mốc giá này) là phù hợp để phát triển ngành công nghiệp cao su. Hơn thế, nhờ thị trường khai thác mủ cao su thiên nhiên lớn, nên nếu có chính sách hỗ trợ có hiệu quả từ phía Nhà nước, hy vọng, trong tương lai không xa, Việt Nam không chỉ là nhà xuất khẩu mủ cao su thiên nhiên hàng đầu, mà còn trở thành nhà cung cấp các sản phẩm cao su lớn trên thế giới.

Nguồn: Báo Đầu tư điện tử