Suy nghĩ về Luật Quản lý thuế 2006
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

1. Về xây dựng Bộ luật Thuế

Hầu hết các nền tài phán đều trộn lẫn hai lĩnh vực: luật thuế vật chất và luật quản lý thuế1, có nghĩa là không xây dựng đạo luật quản lý thuế tách biệt khỏi các đạo luật về chính sách thuế. Cách thức xây dựng các đạo luật thuế như vậy đã xuất hiện ở Việt Nam dưới các chế độ cũ. Việc ban hành một đạo luật riêng về quản lý thuế ở Việt Nam hiện nay chưa chắc đã nằm trong sự tính toán tổng thể về việc xây dựng hệ thống thuế ngay từ ban đầu. Việc chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa, tập trung quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa diễn ra từng bước, vừa đi vừa dò tìm đã dẫn đến việc ban hành dần dà từng sắc thuế. Việc quản lý thuế “lẽo đẽo” theo sau đó, từ “anh phòng thuế” cho tới mơ ước quản lý thuế hiện đại như ngày nay. Do vậy Luật Quản lý thuế 2006 có “biến động” lần này và nhiều lần sau nữa không phải là chuyện lạ, nếu như không có sự nhìn nhận vấn đề quản lý thuế trong tổng thể việc xây dựng hệ thống thuế nói riêng và nền tài chính công nói chung. Thế nhưng trong Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011- 2020 đã được phê duyệt bởi Quyết định số 732/QĐ-TTg ngày 17/05/2011 của Thủ tướng Chính phủ, đã dường như khẳng định sự tồn tại của đạo luật quản lý thuế riêng rẽ, và dường như xem chuyện đó không có gì phải bàn, cho nên đã ghi rằng: “Sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, trong đó nghiên cứu, sửa đổi quy định về thời gian khai thuế, nộp thuế để giảm tần suất kê khai, nộp thuế, chi phí của người nộp thuế, mở rộng diện doanh nghiệp đăng ký thuế, kê khai thuế, nộp thuế điện tử, qua mạng internet; thay đổi phương pháp tính thuế, mức thuế theo hướng đơn giản, tạo thuận lợi cho người nộp thuế kinh doanh dưới “ngưỡng tính thuế giá trị gia tăng” và hộ gia đình, cá nhân thuộc diện nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, các khoản phí, lệ phí; chuẩn hóa quy trình quản lý thuế trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin đảm bảo thống nhất, có tính liên kết cao; nghiên cứu bổ sung nhiệm vụ điều tra về thuế cho cơ quan thuế; xây dựng và áp dụng chế độ kế toán thuế đảm bảo ghi chép đầy đủ, kịp thời nghĩa vụ thuế của người nộp thuế”.

Chính sách thuế ảnh hưởng tới chi phí quản lý thuế và tổ chức quản lý thuế. Nhưng mặt khác, khả năng quản lý thuế thường được xem là yếu tố quan trọng trong việc thiết kế hệ thống thuế. Mối liên hệ này thường được diễn giải ngắn gọn trong một tuyên bố nổi tiếng “quản lý thuế là chính sách thuế”2. Có luật gia Việt Nam cũng nhận định rằng, ranh giới giữa luật quản lý thuế và luật về chính sách thuế không quá rạch ròi trong việc thể hiện, bởi điều này còn phụ thuộc vào kỹ thuật, trình độ lập pháp và sự lựa chọn của nhà làm luật; và rằng, Luật Quản lý thuế 2006 còn có nội dung “lấn sân” phạm vi điều chỉnh của luật về chính sách thuế3. Đoạn văn trích từ Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011- 2020 nêu trên cũng cho thấy điều đó.

Việc hợp nhất đạo luật về quản lý thuế và các đạo luật về chính sách thuế là cần thiết để tạo ra một bộ luật thuế có tính thống nhất, đồng bộ và hiệu quả cao. Vấn đề quản lý thuế có tác động rất lớn tới hiệu lực của các chính sách thuế. Mỗi chính sách thuế mang đến một số đặc thù trong quản lý thuế. Do đó, việc gắn bó giữa chính sách thuế và quản lý thuế là rất cần thiết cho việc bảo đảm hiệu quả của chính sách thuế. Có lẽ nhân dịp sửa đổi Luật Quản lý thuế lần này, nên nghiên cứu xây dựng Bộ luật Thuế để có thể bao quát được các chính sách thuế chủ yếu cùng với vấn đề quản lý thuế chung và các đặc thù quản lý của từng chính sách thuế. Cách thức lập pháp này là giải pháp thích hợp nhất cho việc bảo đảm nguyên tắc luật định của thuế, tránh tình trạng ban hành nhiều văn bản dưới luật, và bảo đảm sự tiếp cận của người dân được dễ dàng. Bên cạnh Bộ luật Thuế, vẫn có thể có một số đạo luật riêng về một số sắc thuế. Như vậy vừa bảo đảm sự chắc chắn, ổn định của thuế, vừa bảo đảm tính linh động của thuế.

Dù có xây dựng Bộ luật Thuế hay không thì khi xây dựng pháp luật về quản lý thuế cũng cần phải xác định phạm vi hay nội dung của quản lý thuế. Việc xác định này là rất quan trọng không chỉ bảo đảm cho việc giúp các cơ quan và công chức nhà nước thực thi có hiệu quả nhiệm vụ của mình, mà còn bảo đảm các quyền lợi của người dân. Luật Quản lý thuế 2006 “qui định về việc quản lý các loại thuế, các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước” (Điều 1), và xác định nội dung quản lý thuế bao gồm: (1) đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, ấn định thuế; (2) thủ tục hoàn thuế, miễn thuế, giảm thuế; (3) xóa nợ thuế, tiền phạt; (4) quản lý thông tin về người nộp thuế; (5) kiểm tra thuế, thanh tra thuế; (6) xử lý vi phạm pháp luật về thuế; (7) giải quyết khiếu nại, tố cáo về thuế (Điều 3). Việc xác định nội dung quản lý thuế như vậy chưa hoàn toàn thích hợp, mặc dù thuật ngữ “quản lý thuế” được đạo luật này sử dụng theo nghĩa rộng, bao quát toàn bộ hoạt động của bộ máy nhà nước để tuyên truyền, vận động và thu thuế (thể hiện tại các Điều từ 10 tới 17). Xét cụ thể, đạo luật này chưa quan tâm đầy đủ tới quyền lợi của người dân trong lĩnh vực thuế, bởi lẽ không có các qui định cụ thể về thủ tục để người dân khiếu nại, tố cáo và khởi kiện các hành vi vi phạm hay lạm quyền của các cơ quan hay công chức có trách nhiệm quản lý thuế. Có lẽ trong lần sửa đổi này, cần xây dựng thêm chế định tòa thuế vụ và tố tụng thuế.

Dù quản lý thuế được đưa ra tại một đạo luật riêng hay gộp vào trong Bộ luật Thuế, thì việc xác định cách cấu trúc của đạo luật quản lý thuế hay phần quản lý thuế tại Bộ luật Thuế vẫn phải được đặt ra. Theo Richard K. Gordon, những nguyên tắc cấu trúc của một đạo luật quản lý thuế bao gồm: (1) cấu trúc theo chức năng (organization according to function); (2) cấu trúc theo trình tự (temporal organization); và (3) cấu trúc theo phân loại pháp lý (organization by legal category)4. Các cách cấu trúc này liên quan tới kỹ thuật lập pháp cần phải được nghiên cứu thật kỹ lưỡng trước khi xây dựng dự thảo. Tuy nhiên đối với hoàn cảnh của Việt Nam hiện nay, không nên đặt vấn đề tiếp nhận riêng một cách thức cấu trúc nào, bởi lẽ: các chức năng, nhiệm vụ của cơ quan và công chức quản lý thuế cần phải được mô tả rõ ràng đầy đủ; người nộp thuế phải nắm chắc các trình tự, thủ tục liên quan tới nộp thuế; và trách nhiệm pháp lý phải được xác định rõ ràng. Theo một nghiên cứu, Luật Quản lý thuế 2006 được xây dựng đan xen giữa nguyên tắc cấu trúc theo chức năng và nguyên tắc cấu trúc theo trình tự, do đó không thích hợp với thực tiễn vận hành bộ máy quản lý thuế theo mô hình “một cửa”5. Tuy nhiên cần hiểu rằng, pháp luật quản lý thuế không chỉ suy tính tới sự thuận tiện của người nộp thuế, mà còn phải suy tính tới sự vận hành đồng bộ, an toàn và hiệu quả của bộ máy quản lý. “Một cửa” gắn liền với sự tiết kiệm thời gian, công sức và tiền của người nộp thuế, song chưa chắc đã bảo đảm sự chính xác, đúng đắn của việc áp thuế.

2. Về các nguyên tắc của quản lý thuế

Các nguyên tắc quản lý thuế theo Luật Quản lý thuế 2006 bao gồm: (1) nộp thuế theo qui định của pháp luật là nghĩa vụ và quyền lợi của mọi tổ chức, cá nhân; (2) cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tham gia quản lý thuế; (3) quản lý thuế phải tuân theo các qui định của pháp luật; (4) bảo đảm công khai, minh bạch, bình đẳng; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người nộp thuế (Điều 4).

Nhà nước không đơn thuần thu thuế để bù đắp chi tiêu công theo quan niệm cổ điển là bảo đảm cho hoạt động của bộ máy nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, cảnh sát, ngoại giao và tư pháp, mà còn bù đắp cho các chi tiêu công theo quan niệm hiện đại là bảo đảm cho sự bình ổn và phát triển chung của cộng đồng (kinh tế – xã hội). Vì vậy, có lẽ nguyên tắc quản lý thuế phải được suy xét từ mục tiêu của tài chính công, trách nhiệm của nhà nước trong nền tài chính công, và tiêu chí để đánh giá hệ thống thuế. Thuế là một khoản thu cho nhà nước trích từ tài sản hợp pháp của công dân mà không có đối khoản trực tiếp. Đánh thuế, xét về mặt kinh tế, là buộc công dân chuyển một phần lợi ích của mình cho nhà nước; xét về mặt pháp lý, là buộc công dân chuyển quyền sở hữu một phần tài sản của mình cho nhà nước. Do đó, nguyên tắc trước hết là chính sách thuế và quản lý thuế phải do luật định bởi chỉ có đại biểu của dân mới có quyền trích thu nhập hợp pháp của công dân. Hiện nay ở Việt Nam, có nhiều văn bản hướng dẫn thi hành các đạo luật về thuế là việc không bình thường, dễ dẫn đến tình trạng cơ quan có trách quản lý thuế làm sai lệch thuế, gây ảnh hưởng hoặc cho Nhà nước hoặc cho công dân. Tiếp theo, luật quản lý thuế phải xác định các nguyên tắc quản lý thuế như sau:

(1) Nhà nước phải bảo đảm công bằng trong việc ấn định và thu thuế;

(2) Mọi thành viên cộng đồng đều có quyền giám sát việc quản lý thuế;

(3) Quản lý thuế phải công khai, minh bạch;

(4) Các cơ quan và công chức quản lý thuế phải được xác định trách nhiệm rõ ràng;

(5) Quản lý thuế phải tiết kiệm và hiệu quả;

(6) Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người nộp thuế.

Các nguyên tắc của quản lý thuế không thể tách rời khỏi nguyên tắc của hệ thống thuế nói chung. Do vậy các nguyên tắc trên cần phải được cân đối khi đưa vào Bộ luật Thuế. Hiện nay, Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế dự kiến bổ sung nguyên tắc quản lý rủi ro trong quản lý thuế và nguyên tắc áp dụng các biện pháp thuận lợi đối với người nộp thuế đáp ứng các tiêu chí xếp hạng ưu tiên theo qui định của Chính phủ. Có thể nói, dự kiến bổ sung hai nguyên tắc này cho thấy sự quyết tâm của Chính phủ trong việc cải cách quản lý thuế. Tuy nhiên, các qui định dự thảo về hai nguyên tắc này lại dành khá nhiều quyền cho Chính phủ, khiến cho người đọc cảm thấy nội dụng thực chất của hai nguyên tắc này là do Chính phủ tự xác định. Như vậy, không thể xem đó là nguyên tắc mà chỉ là các giải pháp kỹ thuật.

3. Về xây dựng tòa thuế vụ và tố tụng thuế

Điều 117 Luật Quản lý thuế 2006 có qui định dẫn chiếu không đầy đủ rằng: “Việc khởi kiện quyết định của cơ quan quản lý thuế, công chức quản lý thuế được thực hiện theo qui định của pháp luật về thủ tục giải quyết các vụ án hành chính”. Năm 2010, Quốc hội đã thông qua Luật Tố tụng hành chính bảo đảm cho công dân có quyền khởi kiện vụ án hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính. Trong khi đó, Điều 117 Luật Quản lý thuế 2006 chỉ đề cập tới việc người nộp thuế khởi kiện quyết định hành chính của cơ quan quản lý thuế, công chức quản lý thuế. Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế hiện nay không sửa đổi Điều 117 nói trên, có nghĩa là Ban soạn thảo chưa nghiên cứu đầy đủ mối liên hệ giữa Luật Quản lý thuế 2006 với các đạo luật khác trong tổng thể hệ thống pháp luật, và không xem việc xét xử các tranh chấp về thuế là một bộ phận của quản lý thuế.

Quan hệ pháp luật thuế là quan hệ pháp luật hành chính6

không phải là vấn đề xa lạ. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng quan hệ hành chính rất rộng và phức tạp. Quan hệ thuế có nhiều đặc thù và có kỹ thuật phức tạp hơn nhiều so với các lĩnh vực hành chính khác. Thuế là một quy trình thống nhất từ khi dự kiến thiết lập một sắc thuế cho tới việc xem xét trách nhiệm về những vi phạm. Do đó, trước hết không thể tách các tố quyền liên quan tới thuế, cơ chế tiếp nhận tố quyền và áp đặt chế tài về thuế ra khỏi qui trình khiếu nại, tố cáo liên quan tới thuế. Vì các lẽ trên nên việc xây dựng chế định tòa thuế vụ và tố tụng thuế trong Bộ luật Thuế là cần thiết. Việc giải quyết các tranh chấp thuế theo luật tố tụng hành chính là chưa thỏa đáng. Thật có lý khi   nhận định: “Nhà nước cho phép người nộp thuế được bảo vệ những quyền lợi chính đáng của mình, trong những trường hợp như: nộp thuế thừa so với yêu cầu của Nhà nước, lâm vào hoàn cảnh không thể tạo ra những lợi ích vật chất tương ứng để nộp thuế, bị cơ quan quản lý Nhà nước áp dụng pháp luật thuế không đúng gây thiệt hại…”7. Việc giải quyết các trường hợp này xem ra gần gũi với luật tư hơn so với luật công, bởi chúng gần gũi với trường hợp tiếp nhận sự thực hiện nghĩa vụ vượt quá phạm vi của quyền yêu cầu, nghĩa vụ không thể thực hiện được, gây thiệt hại do vi phạm… Vì vậy, trên thế giới có ba khuynh hướng giải quyết các tranh chấp như vậy: (1) tại tòa án thường; (2) tại tòa án hành chính; và (3) tại tòa án thuế vụ.

Luật Tố tụng hành chính 2010 của Việt Nam hiện nay không yêu cầu người khởi kiện hành chính phải khiếu nại trước với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để giải quyết vụ việc hành chính rồi mới được khởi kiện hành chính khi không thỏa mãn với quyết định giải quyết khiếu nại (Điều 31 khoản 1 và Điều 103 khoản 1). Các qui định như vậy, xét từ thực tiễn của nền hành chính Việt Nam hiện nay, là các qui định rất phù hợp. Tuy nhiên, sẽ là không thích hợp lắm đối với tranh chấp về thuế. Hầu hết các nền tài phán đều coi xét xử các tranh chấp về thuế là một khâu trong chuỗi quản lý thuế, do đó thường yêu cầu người nộp thuế phải khiếu nại về thuế với cơ quan quản lý thuế có thẩm quyền trước khi khởi kiện ra tòa án. Vì vậy trong tố tụng thuế, không thể thiếu thủ tục khiếu nại và giải quyết khiếu nại về thuế.

Tòa thuế vụ và tố tụng thuế có một số đặc điểm khác với tòa hành chính và tố tụng hành chính thông thường như: thẩm phán có thể là chuyên gia về thuế hoặc người thường; người đại diện cho người nộp thuế có thể là kế toán viên; quyết định của tòa án mang tính chất chỉnh sửa về tài chính; đương sự chỉ có quyền khởi kiện trong phạm vi phần thuế đã khiếu nại với cơ quan quản lý thuế có thẩm quyền; việc rút yêu cầu của đương sự phải được cơ quan quản lý thuế có thẩm quyền chấp thuận trong một số trường hợp; nghĩa vụ chứng minh có thể thuộc về cơ quan quản lý thuế trong một số trường hợp…

4. Về mối liên hệ giữa Bộ luật Thuế với lĩnh vực luật tư

Luật Quản lý thuế 2006 theo mô hình chung của các đạo luật trong lĩnh vực luật công ở Việt Nam hiện nay xác định chủ thể của quan hệ pháp luật là các cá nhân và tổ chức, tuy nhiên có xem xét tới Bộ luật Dân sự 2005 nên qui định thêm hộ gia đình cũng là người nộp thuế. Tổ chức là một từ ngữ có phạm vi rộng, khó xác định, có thể gây tùy tiện cho việc giải thích. Từ tổ chức trong đạo luật này bao gồm cả doanh nghiệp theo nghĩa của Việt Nam hiện nay. Trong khoa học pháp lý, doanh nghiệp là một tổ hợp tài sản được hình thành từ hành vi góp vốn, được sung dụng cho một hoặc một số hành vi thương mại nhất định. Vì vậy Bộ luật Dân sự của Nga năm 1994 qui định: “Điều 132. Doanh nghiệp

1. Doanh nghiệp là đối tượng của các quyền phải được thừa nhận như một tổ hợp tài sản được sử dụng cho việc thực hiện các hoạt động kinh doanh. Doanh nghiệp trong trạng thái toàn vẹn của nó như một tổ hợp tài sản được thừa nhận như bất động sản.

2. Toàn bộ hay một phần của doanh nghiệp có thể là đối tượng của việc mua bán, thế chấp, cho thuê và các giao dịch khác liên quan tới việc thành lập, thay đổi hay chấm dứt các quyền tài sản. Khi doanh nhgiệp được xem như một tổ hợp tài sản bao gồm tất cả các loại tài sản nhằm mục đích thực hiện các hoạt động của nó, bao gồm các thửa đất, toà nhà, công trình, trang thiết bị, dụng cụ, nguyên liệu, sản phẩm, các quyền, trái quyền và các khoản nợ, và cả các quyền đối với dấu hiệu cá thể hoá doanh nghiệp, sản phẩm, công việc và dịch vụ của nó (như thương danh, nhãn hiệu thương phẩm và dịch vụ), cũng như các quyền loại trừ khác, trừ khi được qui định bởi luật hoặc bởi điều ước”.

Tương tự, Bộ luật Thương mại của Ma Cao có qui định tại khoản 1 Điều 2 rằng: “Một doanh nghiệp thương mại (commercial enterprise) là bất kỳ việc tổ chức các yếu tố sản xuất nào nhằm thực hiện các hoạt động kinh tế”, và có định nghĩa tại Điều 1 rằng “Thương nhân (commercial entrepreneurs) là: a) các cá nhân, tập hợp các cá nhân mà, với tên gọi của mình, tự mình hoặc thông qua người thứ ba, thực hiện một doanh nghiệp thương mại (commercial enterprise); b) các công ty thương mại (commercial companies)”.

Như vậy, thương nhân, công ty và doanh nghiệp không đồng nghĩa với nhau. Có thể hiểu thương nhân bao gồm thương nhân thể nhân và thương nhân pháp nhân. Trong đó thương nhân pháp nhân là các công ty thương mại. Còn doanh nghiệp, xét về mặt chủ quan, là hành vi thương mại của thương nhân (góp vốn), xét về mặt khách quan, là đối tượng thuộc sở hữu của thương nhân. Như vậy, thương nhân mới là người nộp thuế. Thế nhưng, xuất phát từ thuật ngữ kinh tế, pháp luật Việt Nam hiện nay trót coi thuật ngữ doanh nghiệp là dùng để chỉ toàn bộ các thực thể kinh doanh, trừ hộ kinh doanh, và những người kinh doanh nhỏ lẻ. Nhân dịp cải cách hệ thống thuế Việt Nam lần này, cần thay đổi lại cách dùng thuật ngữ pháp lý để xem xét lại đạo luật về thuế thu nhập cá nhân và đạo luật thuế thu nhập doanh nghiệp và việc quản lý các loại thuế này, nhất là vấn đề nơi chịu thuế.

Từ đó, cần xem xét tới các khoản thuế đối với thương nhân thực tế và thương nhân được thành lập trên thực tế được qui định phần nào tại Điều 7 Luật Thương mại 2005. Quan niệm về thương nhân thực tế và sự  phân loại này dựa trên yếu tố có hay không đăng ký thành lập công ty. Nếu công ty có đăng ký nhưng sau đó bị hủy hoặc bị giải thể, hoặc đã hết thời hạn hoạt động mà vẫn hoạt động thì được gọi là công ty thực tế. Còn nếu công ty không được đăng ký nhưng các thành viên công ty vẫn ứng xử như những thành viên công ty thực sự, mặc dù không ý thức đầy đủ về điều đó, thì được gọi là công ty thành lập trên thực tế. Về nguyên tắc, các thương nhân này vẫn phải chịu thuế. Giải pháp của Điều 7 Luật Thương mại 2005 cũng có khuynh hướng như vậy. Nếu không có qui định cụ thể về vấn đề này là một thiếu sót của các đạo luật về thuế. Các thành viên của một công ty thực tế hay được thành lập trên thực tế phải chịu trách nhiệm liên đới và vô hạn định đối với các khoản nợ của công ty (kể cả nợ thuế).

Còn một loại thương nhân tương đối phổ biến nhưng ít được chú ý tới – đó là hộ kinh doanh. Rõ ràng, hộ kinh doanh theo pháp luật Việt Nam hiện nay chỉ khác doanh nghiệp về qui mô và phạm vi hoạt động. Hộ kinh doanh có thể được tạo lập bởi một cá nhân, bởi một hộ gia đình, hoặc bởi một nhóm người. Điều đó dẫn đến hệ quả: trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trong trường hợp chấm dứt hộ kinh doanh được giải quyết như thế nào? Nếu hộ kinh doanh được tạo lập bởi một người thì đó là thương nhân đơn lẻ hay thương nhân thể nhân – người phải chịu trách nhiệm bằng tất cả tài sản của mình đối với các khoản nợ (trong đó có nợ thuế). Nếu hộ kinh doanh được tạo lập nên bởi hộ gia đình thì các thành viên của hộ gia đình đó phải chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ theo qui chế hộ gia đình được thiết lập tại Bộ luật Dân sự 2005. Nếu hộ kinh doanh được tạo lập nên bởi một nhóm người, dù họ có liên kết với nhau theo kiểu gì, thì các thành viên của nhóm đó phải chịu trách nhiệm liên đới và vô hạn định đối với các khoản nợ của hộ kinh doanh (kể cả nợ thuế).

Các Điều khoản của Chương VI Luật Quản lý thuế 2006 không đề cập tới các vấn đề nêu trên. Đây là một khiếm khuyết do chưa nghiên cứu kỹ vấn đề quản lý thuế trong mối liên hệ với lĩnh vực luật tư. Hơn nữa, các qui định tại các Điều 54 và Điều 55 của Luật Quản lý thuế 2006 cần phải sửa đổi lại cho phù hợp với kỹ thuật pháp lý của luật tư. Chẳng hạn, không thể gắn trách nhiệm nộp thuế cho chủ sở hữu doanh nghiệp, chủ hộ gia đình khi doanh nghiệp, hộ gia đình chấm dứt hoạt động mà chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế. Việc gắn trách nhiệm trả nợ phải xuất phát từ loại hình tổ chức kinh doanh.

5. Thay lời kết

Bị cắt xén lợi ích kinh tế không gây cảm giác dễ chịu cho người bị cắt xén. Do vậy, cách thức cắt xén sẽ phần nào làm giảm bớt nỗi đau của người bị cắt. Một xã hội văn minh không thể làm ai đau mà không làm cho họ hiểu được sự cần thiết của nỗi đau đó và không bù đắp về mặt tinh thần cho họ (chí ít). Pháp luật về quản lý thuế trước hết phải xuất phát từ tâm lý của người chịu thuế, chứ không phải xuất phát từ khẩu hiệu “nộp thuế theo qui định của pháp luật là nghĩa vụ và quyền lợi của mọi tổ chức, cá nhân” (Điều 4 khoản 1 Luật Quản lý thuế 2006).

[1] Richard K. Gordon, Law of Tax Administration and Procedure, Tax Law Design and Drafting (volume 1; International Monetary Fund: 1996; Victor Thuronyi, ed), p. 5

2 The World Bank, Tax Administration, http://web.worldbank.org, 4/15/2012. Nguyên văn: “Tax Administration is Tax Policy”.

3 Xem Nguyễn Thị Thương Huyền, Luật quản lý thuế và những vấn đề cần bàn thêm, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, Số 135 (11/ 2008)

4 Richard K. Gordon, Law of Tax Administration and Procedure, Tax Law Design and Drafting (volume 1; International Monetary Fund: 1996; Victor Thuronyi, ed), p. 2

5 Nguyễn Thị Thương Huyền, Luật quản lý thuế và những vấn đề cần bàn thêm, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, Số 135 (11/ 2008)

6 Trọng Bảo, Quyền của người nộp thuế, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 13 năm 2008

7 Trọng Bảo, Tlđd

TS. Ngô Huy Cương Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội; Phạm Thị Hương Giang – Công ty Luật Biển Bắc