Tận dụng hiệp định thương mại tự do để mở rộng thị trường
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Hiện nay, Việt Nam đang triển khai đàm phán Hiệp định TMTD xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định TMTD với Liên minh châu Âu, Hàn Quốc… nhằm tạo ra những đột phá mới trong việc mở rộng thị trường xuất khẩu và tham gia đầy đủ vào quá trình hội nhập kinh tế và thương mại toàn cầu.

Cơ hội mới

Việc tham gia các khu vực TMTD đã tạo cho Việt Nam những cơ hội thuận lợi để phát triển kinh tế và tăng trưởng xuất khẩu. Với các ưu đãi về cắt giảm thuế quan và về rào cản phi thuế quan, thị trường xuất khẩu của Việt Nam sẽ được mở rộng.

Sau khi Hiệp định TMTD Việt Nam – Nhật Bản có hiệu lực, hơn 95% mặt hàng các mặt hàng Nhật Bản nhập khẩu được giảm thuế dần tới 0% tại thị trường này. Thuế quan của hàng công nghiệp giảm từ 7% năm 2008 xuống còn 4% năm 2009 và 0% vào năm 2010. Con số này ở hàng nông sản là 8,1%-5,4%-4,97%, thuỷ sản là 5,4%-4,97%-1,31%. Với Hàn Quốc trên 90% hàng xuất khẩu của Việt Nam đã được hưởng ưu đãi về thuế thông qua Hiệp định TMTD ASEAN – Hàn Quốc. Nhìn tổng thể khi Việt Nam đã tham gia khu vực TMTD, phần lớn hàng xuất khẩu đã và sẽ được hưởng thuế xuất nhập khẩu ưu đãi, thậm chí tới 0%. Đúng là cơ hội không thể tốt hơn cho xuất khẩu của Việt Nam

Các FTA còn giúp ổn định nguồn và hạ giá đầu vào hàng nhập khẩu. Do nhập khẩu của Việt Nam thường xuyên chiếm khoảng 80% GDP nên việc ổn định và hạ giá nguyên nhiên vật liệu nhập khẩu có ý nghĩa quan trọng đến việc ổn định, duy trì tăng trưởng sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam ngay trên thị trường trong nước với hàng nhập khẩu từ các nước và ở thị trường ngoài nước với hàng cùng chủng loại của các đối tác khác. 

Các thoả thuận tự do hoá thương mại còn tác động tới việc thu hút đầu tư trực tiếp và đầu tư nước ngoài. Các nhà đầu tư từ khắp các châu lục, khi xem xét đầu tư vào Việt Nam đều coi khu vực TMTD mà Việt Nam đã tham gia là lợi thế lớn để mở rộng thị trường đầu ra cho sản phẩm.
  
Nhờ tận dụng được những thuận lợi đó, đã thúc đẩy tăng thị phần hàng Việt Nam với các đối tác trong ASEAN và các đối tác ASEAN + nói trên, mức tăng của kim ngạch xuất khẩu vào của Việt Nam vào các thị trường này thường tăng cao hơn mức tăng của xuất khẩu chung. Tựu chung, góp phần vào thành công của xuất khẩu của Việt Nam năm 2011 tăng tới 34,2% so với năm 2010. 10 tháng đầu năm 2012 dù gặp nhiều khó khăn hơn, xuất khẩu của cả nước tăng 18,4% so với cùng kỳ 2011.

Đan xen khó khăn

Bên cạnh đó, Việt Nam đang phải đối phó với những thách thức do phải mở cửa cho hàng nhập khẩu và dịch vụ của nước ngoài, hàng Việt Nam bị cạnh tranh ngay tại thị trường trong nước với hàng nhập khẩu và dịch vụ nước ngoài tràn vào. Trong điều kiện sức cạnh tranh của hàng hoá, dịch vụ Việt Nam còn bấp cập, thì khó tránh khỏi sự thất thế. Việc có mặt hàng phải thu hẹp sản xuất – kinh doanh, có dịch vụ đành hạn chế hoạt động, sớm muộn sẽ xảy ra.

Đúng ra là có thể khai thác được nhiều cơ hội, song do còn nhiều DN Việt Nam chưa hiểu biết nhiều về FTA. Một số DN mặc dù có hiểu biết về quy tắc xuất xứ nhưng việc áp dụng vào thực tế còn lúng túng hoặc chưa cập nhật đầy đủ về cam kết cắt giảm thuế quan hàng năm của các đối tác trong các FTA với Việt Nam. Tựu chung, bước vào sàn đấu này DN chưa đủ “võ thuật” để khai thác thuận lợi từ FTA và tránh đỡ những khó khăn cũng từ FTA.

Nhưng “cân – đong” hai mặt cho thấy những thuận lợi và cơ hội là lớn hơn nhiều so với những khó khăn, thách thức.

Giải pháp

Vì vậy, vấn đề đặt ra cho việc tận dụng các cơ hội và vượt qua thách thức trong môi trường FTA, phải bằng mọi cách tạo cho kinh tế Việt Nam có thế và lực mới, cho DN có gương mặt mới đĩnh đạc bước vào cuộc chơi này. Muốn vậy cần:

1 .Đổi mới cấu trúc nền kinh tế đi đôi với đổi mới mô hình tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, xử lý các vấn đề lạm phát, thâm hụt thương mại, củng cố khả năng quản lý, sự năng động của hệ thống tài chính – tiền tệ.

2. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, đi đôi với việc cải cách hành chính, nâng cao tính hiệu quả của hệ thống chính sách, bộ máy và cơ chế quản lý. Tiếp tục hoàn thiện các yếu tố kinh tế thị trường, các loại hình thị trường theo định chế chung của khu vực FTA,

3. Coi trọng việc phổ biến đầy đủ, thông tin cập nhật cho cộng đồng DN hiểu được quyền lợi và nghĩa vụ với khu vực FTA. Từ đó từng DN chủ động đầu tư, đổi mới công nghệ, năng lực quản trị kinh doanh, tài chính, nhân lực, phương án đối phó với hàng rào kỹ thuật./.

Nguyễn Duy Nghĩa
Nguồn: Báo điện tử Báo Đối ngoại Vietnam – Economic News