Tăng dự trữ bắt buộc ngoại tệ lần thứ hai
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Theo đó, tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi dưới 12 tháng bằng ngoại tệ áp dụng cho tất cả các ngân hàng trừ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) là 7% trên tổng số dư tiền gửi; đối với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Quỹ tín dụng nhân dân trung ương, ngân hàng hợp tác thì tỷ lệ này là 6%.

Tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi từ 12 tháng trở lên bằng ngoại tệ áp dụng cho tất cả các ngân hàng trừ Agribank là 5% trên tổng số dư; còn đối với Agribank, Quỹ tín dụng nhân dân trung ương, ngân hàng hợp tác thì tỷ lệ này là 4%.

Đây là lần tăng dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ thứ hai kể từ đầu năm sau lần tăng thêm 2 điểm phần trăm vào một tháng trước đây.

Phó tổng giám đốc phụ trách ngoại hối của một ngân hàng cổ phần nhận định việc tăng dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ và buộc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước kết hối từ 1-7 là một bước đi tiếp theo nhằm làm ổn định thị trường ngoại hối, tăng sự hấp dẫn của tiền đồng, và giảm tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế. “Căn cứ trên điều kiện kinh tế vĩ mô hiện nay, những bước đi này là hoàn toàn hợp lý”, ông nói.

Trước đó, vào giữa tháng 4, NHNN đã ban hành Thông tư quy định mức trần lãi suất tiền gửi bằng ngoại tệ là 3%, giảm gần một nửa so với mức cao nhất trên thị trường lúc đó. Động thái này cùng biện pháp tăng dự trữ bắt buộc ngoại tệ và cấm hoạt động cho vay vàng của ngân hàng từ 1-5 đã khiến thị trường ngoại tệ ổn định trở lại từ hơn 1 tháng nay, tỷ giá trên thị trường tự do xuống thấp hơn cả giá ngân hàng.

Các chính sách trên cũng làm cho một bộ phận giữ ngoại tệ, đặc biệt là các doanh nghiệp, đã bán đô la Mỹ và chuyển sang nắm giữ tiền đồng. Đánh giá về việc liệu các tập đoàn kinh tế nhà nước có tìm cách để lách quy định kết hối không, vị này cho rằng không cần thiết phải làm như thế vì các tập đoàn sẽ phải chịu thiệt thòi trong bối cảnh hiện nay.

“Một doanh nghiệp có 10 triệu đô la Mỹ nếu để trên tài khoản hưởng lãi suất cao nhất là 1%/năm, bán đi lấy tiền đồng gửi ngân hàng sẽ được lãi suất thấp nhất là 14%. Nếu giữ ngoại tệ doanh nghiệp sẽ phải mất hơn 2 tỉ đồng/tháng, vị này nói và cho biết các doanh nghiệp đều tính được bài toán này đặc biệt là năm nay tỷ giá được dự báo là sẽ không biến động mạnh. Vì vậy, nếu NHNN cam kết cung ứng đủ ngoại tệ thì các doanh nghiệp sẽ bán”, vị này nói.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online