Tăng lực cho báo chí
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Để tránh bị cơ quan quản lý về báo chí “tuýt còi”, trong nhiều trường hợp, cơ quan báo in đành chịu phạt, chấp nhận in tăng số trang quảng cáo. Ở góc độ khác, ngay cả cơ quan báo chí có lượng quảng cáo lớn cũng đành phải từ chối hợp đồng quảng cáo, vì theo quy định, số trang quảng cáo không được vượt quá số trang nội dung, cho dù phần in thêm này không tính vào giá báo và cũng là thông tin hữu ích cho độc giả.

Đối với báo nói, báo hình (không quá 5% thời lượng phát sóng) cũng bộc lộ một số bất cập. Hiện cả nước có 67 đài phát thanh – truyền hình, thu hút 80% doanh thu quảng cáo trên phương tiện thông tin đại chúng, nhưng hầu hết số tiền này rơi vào một vài đài truyền hình có độ phủ sóng cao. Lý do là các đài truyền hình lớn có thể phát sóng 20-24 giờ/ngày và như vậy, họ có thời lượng phát quảng cáo tối đa cao nên không vi phạm quy định.

Trên thực tế, trong quá trình chuyển dần từ cơ chế bao cấp sang tự chủ về tài chính, nguồn thu của cơ quan báo chí chủ yếu trông chờ vào quảng cáo để duy trì hoạt động. Số liệu thống kê cho thấy, trong số 745 cơ quan báo in hiện nay, chỉ khoảng 30 cơ quan báo chí và 3 trong số 34 cơ quan báo điện tử sống được nhờ quảng cáo. Còn đại đa số các cơ quan báo chí nằm trong tình trạng “giật gấu vá vai” để tồn tại.

Việc Dự thảo Luật Quảng cáo sắp trình Quốc hội dự kiến nâng tỷ lệ quảng cáo/tổng số trang in đối với báo in lên 15%, tạp chí lên 20%; nâng tỷ lệ quảng cáo/thời lượng phát sóng lên 10% đối với phát thanh, truyền hình, đồng thời quy định chặt chẽ hơn số lần phát, tần suất phát quảng cáo được dư luận, nhất là được các cơ quan báo chí cho là phù hợp với thực tế. Quy định mới này, nếu được thông qua một mặt sẽ góp phần giảm bớt tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường báo chí hiện nay. Mặt khác cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan báo chí thực thi pháp luật về quảng cáo và có thêm nguồn thu để tự trang trải về tài chính trong quá trình hoạt động. vấn đề quan trọng là phải tăng cường quản lý nội dung quảng cáo để vừa đảm bảo quyền lợi của nhà quảng cáo, vừa không ảnh hưởng tới lợi ích quốc gia và không gây thiệt hại cho người tiêu dùng, cho xã hội. Những tờ báo đăng quá nhiều quảng cáo với nội dung kém thiết thực, sai sự thật sẽ bị độc giả loại bỏ. Vì vậy, cùng với việc nới rộng diện tích và thời lượng quảng cáo trên báo in, báo hình và báo nói, người đứng đầu các cơ quan báo chí cần nâng cao trách nhiệm của mình trong việc xử lý thông tin quảng cáo.

Trong khi đồng tình với việc nới rộng diện tích, thời lượng quảng cáo, một số ý kiến cho rằng, Dự thảo nên loại bỏ việc xin giấy phép mỗi khi cơ quan báo chí in thêm phụ trang, chuyên trang, chuyên đề quảng cáo và nên bỏ việc khống chế số trang, phụ trang quảng cáo, bởi các cơ quan báo chí phải tự biết cách để lôi kéo độc giả bằng nội dung, hình thức để có thể hấp dẫn các nhà quảng cáo. Đây cũng là cách để hỗ trợ các cơ quan báo chí nâng cao chất lượng phục vụ công chúng, đồng thời có tiềm lực để báo chí vươn lên mạnh mẽ, đáp ứng nhiệm vụ chính trị – xã hội mà Đảng và Nhà nước giao phó.

Nguồn: Báo Đầu tư điện tử