Tăng thuế chỉ giải quyết phần ngọn
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

2/3 lượng rượu tiêu thụ không rõ nguồn gốc

Tác hại của việc lạm dụng đồ uống có cồn đã được xã hội công nhận và đến những tháng cao điểm cũng luôn được nhắc nhở trên các phương tiện truyền thông. Nhưng căn nguyên của tình trạng này chắc chắn không phải do giá bán sản phẩm này còn thấp, vì Việt Nam đang nằm trong 20 quốc gia áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu cao nhất thế giới. Trong khi đó, với người nghiện và người uống thành thói quen khó bỏ, thì giá cao hay thấp không phải là vấn đề. Nói cách khác, giải pháp tăng thuế đánh vào rượu, bia để đẩy giá bán lên sẽ khó giảm số người uống, số lần uống và lượng uống chất có cồn.  

Nếu nhìn vào số liệu thống kê về sản lượng rượu, bia sản được sản xuất hằng năm sẽ thấy một con số không nhỏ. Tại thời điểm năm 2012, theo số liệu của cơ quan thống kê, năng lực sản xuất của cả nước về rượu khoảng 430 triệu lít, về bia khoảng 3,2 tỷ lít. Nhưng trong đó, chỉ có 130 triệu lít rượu công nghiệp, còn lại là rượu nấu thủ công (khoảng 300 triệu lít) tại các làng nghề và hộ gia đình, không được bảo đảm về chất lượng, về vệ sinh an toàn thực phẩm. Đối với bia, dù sản lượng bia công nghiệp chiếm áp đảo, lên đến 2,7 tỷ lít, nhưng vẫn còn đó gần 1 tỷ lít bia sản xuất thủ công, “trôi nổi” về chất lượng. Con số này hiện đã lớn hơn do kinh tế hồi phục và thói quen sử dụng chất có cồn trong xã hội. Nhưng phải rành mạch là 2/3 tổng lượng rượu đang lưu hành trên thị trường được sản xuất thủ công, khó kiểm soát về chất lượng. Tương tự, với bia cũng chiếm gần 1/3 tổng sản lượng là bia thủ công.

Các loại bia, rượu phi thương mại, không đăng ký, kém chất lượng hiện chiếm đến 2/3 tổng lượng rượu bia trên thị trường, rất khó quản lý, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ngộ độc, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Đây cũng là lý do chính gây ra những vụ việc say xỉn gây tai nạn giao thông thời gian qua. Do đó, ĐBQH Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho rằng, việc tăng thuế đối với các sản phẩm bia, rượu chỉ giải quyết được phần ngọn. Cái gốc là phải tạo dựng văn hóa uống lành mạnh.

Xây dựng văn hóa uống có trách nhiệm

Khó có thể phủ nhận việc lạm dụng chất có cồn ở nước ta, khi mà trong năm 2012, nước ta đã tiêu thụ 3 tỷ lít bia, gấp 3,5 lần so với năm 2004 (theo Tổ chức nghiên cứu thị trường Eurowatch). Lượng bia sử dụng trung bình/người/năm là 32 lít, xếp thứ nhất khu vực ASEAN và thứ ba châu Á (sau Trung Quốc và Nhật Bản). Nếu chỉ tính trung bình 22.000 đồng/lít bia lấy theo giá bia Hà Nội, thì người Việt đã tiêu 3 tỷ USD/năm. Trong khi thu nhập bình quân của người ở nước ta chỉ đứng 8/11 nước trong khu vực Đông Nam Á, thì Việt Nam lại đang nắm giữ vị trí quán quân về kỷ lục tiêu thụ bia, vượt xa so với hai nước đứng ở vị trí tiếp theo là Thái Lan và Philippines.

Rượu, bia nếu được sử dụng hợp lý sẽ có tác dụng tốt với sức khỏe, nhưng sử dụng chất có cồn như một vật chứng để thi đấu lại là câu chuyện khác. Và vui cũng uống, buồn cũng uống, uống bất cứ lúc nào trong ngày, ngồi từ sáng cho đến khuya là cách uống rất nguy hiểm. Điều đáng lo ngại là nhiều người đã biết sợ khi bị ảnh hưởng sức khỏe, cũng như có hành động không đúng do uống nhiều mất khả năng kiểm soát bản thân. Tuy nhiên, nỗi sợ này chỉ tồn tại trong vài ba ngày, sau đó đâu lại vào đấy. Tình trạng sử dụng chất có cồn thiếu trách nhiệm đã trở thành vấn đề lớn trong xã hội.

Cơ quan chức năng cũng chưa kiểm soát tốt việc sản xuất bia, rượu thủ công, thậm chí là thất thu một lượng thuế lớn từ khu vực này. Vì vậy, nếu tăng thuế suất với các sản phẩm bia, rượu sẽ chỉ tạo gánh nặng cho nhà sản xuất công nghiệp, còn ngược lại giúp tăng cơ hội cho sản phẩm thủ công khó kiểm soát chất lượng. Trong khi đó, việc mở quán bán đồ uống có cồn quá dễ dàng và họ cũng không chịu bất cứ trách nhiệm gì khi khách hàng uống say, dù là một bên tham gia vào tình trạng uống thiếu trách nhiệm của khách.

Tăng thuế nhằm hạn chế sử dụng bia, rượu chỉ giải quyết được phần ngọn. Quan trọng là tạo được văn hóa sử dụng chất có cồn bằng việc các văn bản quy phạm pháp luật quy định rõ trách nhiệm của cơ sở bán lẻ, tăng mức xử phạt, phạt nghiêm minh để có sức răn đe…

 Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có bốn mức độ nguy cơ trong sử dụng rượu bia, bao gồm: sử dụng rượu bia an toàn, nguy cơ thấp; sử dụng rượu bia ở mức có hại; sử dụng rượu bia ở mức nguy hiểm và phụ thuộc/nghiện rượu bia. Để giảm thiểu hậu quả của sử dụng rượu bia đối với sức khỏe ở mức thấp nhất, nam giới chỉ nên dung nạp không quá 2 đơn vị rượu/ngày và nữ không quá 1 đơn vị rượu/ngày, trong đó 1 đơn vị rượu tương đương với 1 chai bia 330ml hoặc 1 chén rượu mạnh 40 độ (30ml) hoặc 1 ly rượu vang 150ml…

Hải Thanh
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân