Tăng thuế sẽ mang lại lợi ích kép, giảm tiêu dùng thuốc lá và tăng thu ngân sách
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Thực tế cho thấy sử dụng thuốc lá lậu ở Việt Nam chủ yếu liên quan đến gu tiêu dùng. Kết quả của cuộc điều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành mà Việt Nam tham gia năm 2010 cho thấy, thuốc lá nhập lậu chủ yếu tập trung vào một số nhãn hiệu không được sản xuất trong nước (ví dụ Jet, Hero và Esse chiếm tới gần 90% thị phần thuốc lá lậu). Thuốc lá lậu chủ yếu tiêu thụ ở các đô thị lớn, ít gặp ở các vùng nông thôn. Một cuộc điều tra về tiêu dùng thuốc lá ở 12 tỉnh năm 2012 cho thấy, trên 70% số người sử dụng thuốc lá lậu cho rằng họ dùng thuốc lá lậu là do hương vị và chỉ có 17% trả lời là do giá.

Một bằng chứng khác cho thấy hành vi sử dụng thuốc lá lậu ở Việt Nam ít có khả năng liên quan đến giá là giá trung bình của các nhãn thuốc lá nhập lậu cao hơn giá trung bình của thuốc lá sản xuất trong nước. Với những nhãn hiệu có cả sản phẩm nhập lậu và sản xuất trong nước thì giá của những sản phẩm nhập lậu cũng cao hơn. Nghiên cứu giá thuốc lá của Vụ chính sách thuế, Bộ Tài chính năm 2013 cho thấy, giá trung bình một bao thuốc lá Malboro đỏ hợp pháp là 22.700đ trong khi thuốc lá lậu cùng loại là 25.000đ/bao.

Nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới phải sống chung với buôn lậu nhưng điều đó không ảnh hưởng tới tác động tích cực của việc tăng thuế. Ngược lại, việc giảm thuế không phải là giải pháp giúp giảm tình trạng buôn lậu mà chỉ làm gia tăng tỷ lệ sử dụng thuốc lá và giảm thu ngân sách. Vấn đề buôn lậu còn có nhiều nguyên nhân như tính hiệu quả của công tác chống buôn lậu, tình trạng tham nhũng… Theo một báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới khi so sánh mức thuế tiêu thụ đặc biệt và thị phần thuốc lá lậu ở 76 quốc gia cho thấy các nước có mức thuế cao thì tỷ lệ thuốc lá lậu thấp và ngược lại, các quốc gia có mức thuế thấp lại có thị phần thuốc lá lậu cao. Tại Việt Nam, trong suốt giai đoạn 2008 – 2013 dù thuế thuốc lá không hề tăng thì theo báo cáo của các cơ quan chức năng, buôn lậu vẫn gia tăng.

Vậy tăng thuế liệu có thể sẽ dẫn đến giảm tiêu dùng và những hệ lụy với ngành sản xuất thuốc lá như công ăn việc làm và thu ngân sách không? Trước hết, thuốc lá là sản phẩm gây nghiện, những người đã nghiện rất khó bỏ. Tác động chủ yếu của các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) bao gồm chính sách thuế là giảm mức gia tăng số người hút mới và giúp số người chưa nghiện có thể bỏ chứ ít có tác động tới người đã nghiện. Do dân số tăng, dù có làm PCTHTL tốt thì vẫn luôn có một số lượng nhất định người tiêu dùng mới gia nhập thị trường. Thái lan là nước đã rất thành công trong việc thực thi các chính sách PCTHTL mạnh trong đó có chính sách thuế. Thuế thuốc lá ở Thái Lan đã tăng 10 lần trong vòng 20 năm, cùng với các biện pháp khác đã giúp giảm tỷ lệ hút thuốc ở nam giới từ 59% năm 1991 xuống 41,7% năm 2011, thu ngân sách tăng 400% trong khi doanh số bán ra vẫn ổn định ở mức 2 tỷ bao (tuy tỷ lệ hút giảm nhưng dân số gia tăng nên số người hút ít thay đổi). Điều này có nghĩa là sản xuất thuốc lá điếu vẫn ổn định.

Hiện Việt Nam có 15 triệu người hút thuốc, nếu nâng mức thuế xuất cùng với các biện pháp mạnh khác thành công và đạt được mức giảm tỷ lệ hút thuốc ở nam trưởng thành từ mức 47,4% hiện nay xuống 39,0% vào năm 2020 như mục tiêu của Chiến lược quốc gia đặt ra thì với đà gia tăng dân số hiện nay, ước tính số người hút thuốc chỉ giảm được từ 15 triệu, năm 2010 xuống 14,6 triệu, năm 2020. Kinh nghiệm cho thấy, sau hai lần tăng thuế thuốc lá vào các năm 2006 và 2008, tiêu dùng thuốc lá chỉ giảm nhẹ trong hai năm tăng thuế rồi lại tăng trở lại.

Mặt khác, khi tiêu dùng cho thuốc lá giảm người dân sẽ sử dụng tiền dành được do không phải mua thuốc lá để mua các sản phẩm và dịch vụ khác và bằng cách đó kích cầu và tạo ra công ăn việc làm ở các ngành kinh tế khác. Các nghiên cứu về tác động của tăng thuế lên việc làm và sản lượng của nền kinh tế ở các nước và Việt Nam cho thấy, khi tăng thuế ở mức có tác dụng giảm cầu, việc làm và sản lượng trong toàn ngành kinh tế tăng chứ không giảm. Tỷ lệ lao động trong ngành sản xuất thuốc lá điếu và trồng nguyên liệu cũng như kinh doanh thuốc lá chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong thị trường lao động. Theo một nghiên cứu của Đại học Thương mại và Đại học Kinh tế Quốc dân thì tỷ lệ này chỉ vào khoảng 0,31-0,35%. Giả sử quả thật là nhu cầu về thuốc lá giảm thì chính phủ có thể sử dụng một phần nguồn thu thuế gia tăng do tăng thuế để giúp bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng và tái đào tạo nghề cho công nhân sản xuất thuốc lá. Tuy nhiên, như đã phân tích ở trên kịch bản này khó có khả năng xảy ra trong giai đoạn từ nay tới 2020.

Người trồng thuốc lá phần lớn là trồng xen vụ, tỷ lệ chuyên canh cây thuốc lá thấp, trong khi đó, lá thuốc lá trong nước chưa đủ đáp ứng nhu cầu sản xuất và hiện vẫn phải nhập khẩu một lượng lớn nguyên liệu lá thuốc lá. Theo báo cáo của Hiệp hội thuốc lá, hàng năm ngành công nghiệp này vẫn nhập khẩu 25.000 – 40.000 tấn nguyên liệu. Điều đó cho thấy việc giảm tiêu dùng thuốc lá, ít khả năng tác động tới người trồng thuốc lá.

Có ý kiến cho rằng khi tăng thuế, sẽ tạo thêm gánh nặng cho những người nghèo hút thuốc. Thực tế, các bằng chứng cho thấy người nghèo nhạy cảm với giá hơn người có thu nhập cao. Khi thuế tăng, giá thuốc lá tăng sẽ tạo động lực cho nhiều người trong nhóm này bỏ thuốc. Những người tiếp tục hút cũng sẽ cố gắng hút ít đi. Có thể nói, tăng thuế sẽ mang lại lợi ích kép: giảm tiêu dùng thuốc lá và tăng thu ngân sách. Chưa có bằng chứng cho thấy tăng thuế sẽ làm gia tăng buôn lậu cũng như có ảnh hưởng xấu. Công tác phòng chống buôn lậu cần được tăng cường nhưng giảm thuế hay không tăng thuế không phải là giải pháp để giảm tình trạng buôn lậu. Người nghèo sẽ hưởng lợi từ việc tăng thuế nhiều hơn.

Lan Hương
Nguồn: Báo Người Đại biểu nhân dân