Tăng thuế XK phôi thép: Doanh nghiệp… chịu thêm lỗ?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

– Thưa ông, việc tăng thuế xuất khẩu mặt hàng sắt thép lên 10% tác động tới hoạt động kinh doanh của Cty CP thép Cửu Long – Vinashin nói riêng và các doanh nghiệp nói chung như thế nào ?

Chúng ta đều biết, việc tăng thuế là để ngăn chặn hiện tượng xuất khẩu phôi thép, đề phòng nguy cơ thiếu nguyên liệu sản xuất thép trong thời gian tới. Tức là đảm bảo thị trường thép, bao gồm cả giá thép lẫn phôi để sản xuất… không bị biến động. Như vậy, các doanh nghiệp – trong đó có Cty CP thép Cửu Long – Vinashin – tôn trọng mục đích ban hành quyết định này của Nhà nước. Hiện nay các hợp đồng xuất khẩu chỉ riêng phôi thép do Cty CP thép Cửu Long – Vinashin ký với các đối tác nước ngoài đã có tổng trọng lượng 50.000 tấn. Có một số hợp đồng đã thực hiện, một số chuẩn bị thực hiện. Như vậy, quyết định tăng thuế xuất khẩu mặt hàng này của Bộ Tài chính đã ảnh hưởng lớn tới phương án và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Thực ra, phần lớn các doanh nghiệp xuất khẩu phôi thép trong tình thế … “bất đắc dĩ”, buộc phải xuất. Vì nhu cầu, tiêu thụ thép tại thị trường nội địa đã giảm mạnh do nhu cầu xây dựng giảm. Nhưng doanh nghiệp lại bị thúc bách bởi nợ ngân hàng và các khoản chi phí khác… Với đặc thù giá trị cao, yêu cầu vốn kinh doanh rất lớn của ngành thép, tôi nghĩ không có doanh nghiệp nào có đủ tiềm lực tài chính tự thân chịu nổi việc “ủ” phôi chờ nhu cầu thị trường nội địa tăng trở lại. Bởi thế, xuất khẩu, tái xuất là giải pháp tốt nhất mà doanh nghiệp có thể áp dụng để hạn chế lỗ hoặc tìm kiếm lợi nhuận. Mặt khác, khi nhập khẩu phôi, chúng tôi cũng như các doanh nghiệp khác đã nộp thuế một lần, nay xuất khẩu phôi lại nộp thêm lần nữa với mức lớn hơn hẳn. Thực tế là với lần nộp thuế này, doanh nghiệp không còn lãi. Nếu không nói là lỗ thêm lần nữa.

– Thưa ông, trong thời điểm hiện tại, việc có những giải pháp – dù là tạm thời và có thể ảnh hưởng tới quyền lợi một số doanh nghiệp – nhưng để ổn định thị trường thì  vẫn là cần thiết ?

Nguyễn Tuấn Dương – Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Cty CP thép Cửu Long – Vinashin

 Riêng với Cty CP thép Cửu Long – Vinashin, trước khi có quyết định tăng thuế xuất khẩu phôi chúng tôi đã có hợp đồng cung ứng thép cho các thành viên của Vinashin và một số doanh nghiệp khác. Hiện tại chúng tôi vẫn đảm bảo cung ứng đủ cho nhu cầu các loại thép hình, thép tấm, thép kỹ thuật của các bạn hàng. Tuy nhiên, bên cạnh việc đủ cung ứng cho nhu cầu thì năng lực sản xuất và phương án kinh doanh của chúng tôi vẫn có định hướng là xuất khẩu phôi và các sản phẩm thép. Mảng xuất khẩu này trước đây trước đây Nhà nước chưa áp dụng thuế do Việt Nam chỉ có nhập khẩu. Nhưng nay lại bị áp dụng thuế và rõ ràng đó không là biện pháp khuyến khích doanh nghiệp tìm cách nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Và cũng chưa chắc đã hạn chế được xuất khẩu phôi.

Hiện thị trường thép Việt Nam chưa chủ động và phụ thuộc vào phôi thép nhập khẩu từ nước ngoài, nguồn nhập khẩu phôi thép chủ yếu từ Trung Quốc. Nước này cũng đã tăng thuế xuất khẩu phôi thép, nhưng là để đẩy mạnh xuất khẩu thép thành phẩm. Việc tăng thuế áp dụng tại Trung Quốc đạt được mục đích nâng cao giá trị gia tăng từ sản phẩm thép, nghĩa là khuyến khích sản xuất, thương mại. Ngược lại, Việt Nam tăng thuế là để giảm xuất khẩu phôi thép, bình ổn sản xuất và kinh doanh thép trong thời gian ngắn trước mắt. Như vậy, tăng thuế là nhằm giảm các hoạt động thương mại của doanh nghiệp, từ đó bình ổn thị trường. Việc giảm hoạt động thương mại này đã giảm trực tiếp khả năng thu lợi nhuận của doanh nghiệp, trong đó có Cty CP thép Cửu Long – Vinashin. Nhưng doanh nghiệp lại (buộc) phải tìm cách bù lại lợi nhuận đã mất do thị trường khủng hoảng và ảnh hưởng bởi chính sách. Có nghĩa chưa hẳn việc ngăn xuất khẩu phôi sẽ ổn định được thị trường thép theo cả hai tiêu chí: đủ nguồn phôi và giá thép không tăng.

– Thời gian qua, thị trường thép Việt Nam thường xuyên biến động vì giá thép, ông đánh giá thế nào về thực tế này ?

Ở đây có vẫn đề về tâm lý. Dư luận thường cho rằng giá thép tăng do đầu cơ và doanh nghiệp muốn tận thu lợi nhuận bằng mọi giá. Hiệp hội Thép thì công bố có trên 100.000 tấn phôi thép đã được xuất khẩu từ đầu năm đến nay. Giá phôi thép xuất khẩu từ Việt Nam rẻ hơn nhiều so với một số nguồn nhập khẩu khác. Quy kết đưa đến là doanh nghiệp đang thu lợi trên nguy cơ thiếu phôi, đẩy nguy cơ giá thép tăng trong thời gian tới. Thế nên biện pháp ngăn xuất khẩu phôi mới được xem là… hợp lý.

Thực tế, giá bán thép thường là bình quân của giá phôi nhập khẩu cũ và giá phôi nhập khẩu mới. Vì doanh nghiệp không thể bán với giá phôi tại hợp đồng ngoại cộng với chi phí sản xuất… Làm thế nghĩa là doanh nghiệp đã tự triệt tiêu khả năng tái tạo, dự phòng vòng vốn cho sản xuất và lần nhập khẩu sau. Đặc biệt trong tình hình giá phôi thép nhập khẩu chỉ có tăng như hiện tại. Mặt khác, nếu chúng tôi sản xuất hoặc mua được phôi giá rẻ, trong khi thị trường nước ngoài giá phôi cao hơn thị trường trong nước thì rõ ràng xuất khẩu là phương án kinh doanh hợp lý. Còn việc tận thu lợi nhuận, thu lãi bất chấp mọi giá chỉ xảy ra khi có hiện tượng độc quyền cung cấp hoặc sản xuất. Chứ không thể xảy ra khi thị trường đang cạnh tranh quyết liệt như thị trường thép nội địa. Cũng có nghĩa các biện pháp điều tiết thị trường phải đạt được mục đích tăng lưu thông, chống đầu cơ. Tôi cho rằng không nên áp đặt các nguyên tắc đi ngược lại quy luật bình thường của thị trường.  

– Xin cảm ơn ông!

Nguồn:  Báo Điện tử Diễn đàn doanh nghiệp