Tăng trưởng GDP năm 2013 ước vào khoảng 5,3%
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Đánh giá về tốc độ tăng GDP 4,89% của quý 1, tăng không đáng kể so với cùng kỳ năm 2012 (tăng 4,64%) nhưng thấp hơn đáng kể so với cùng kỳ năm 2010 và 2011 (tăng tương ứng là 5,53% và 5,84%), NFSC cho rằng, tốc độ tăng GDP chủ yếu nhờ vào sự phục hồi của những ngành liên quan đến bất động sản (BĐS).

Cụ thể, trong khu vực dịch vụ, tăng trưởng của lĩnh vực BĐS đạt 1,72% thay vì âm 1% của cùng kỳ năm 2012. Tăng trưởng của lĩnh vực xây dựng đạt 4,79% thay vì giảm 3,18% của quý 1 năm 2012.

 “Điều này cho thấy, những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khu vực BĐS theo tinh thần của Nghị quyết 02/NQ-CP đã bắt đầu đã có tác dụng”, Báo cáo về tình hình kinh tế Việt Nam vừa được NFSC phát đi nhận định.

Ngoài lĩnh vực BĐS và những ngành liên quan đến BĐS được đánh giá là đã có chuyển biến theo hướng tích cực, nhiều chỉ số kinh tế vĩ mô khác đạt được trong quý 1 năm 2013 như tốc độ lạm phát (tăng 2,39% – mức thấp nhất trong vòng 4 năm trở lại đây), tỷ giá vẫn tương đối ổn định, xuất siêu 500 triệu USD, xuất – nhập khẩu tăng trưởng cao, chỉ số sản xuất công nhiệp đã có cải thiện… được NFSC đánh giá khá cao. 

Mặc dù vậy, NFSC cũng chỉ dự báo, tốc độ tăng GDP năm nay chỉ ở ở mức 5,3% – đạt tốc độ tăng trưởng thấp nhất trong vòng 15 năm trở lại đây (ngoại trừ năm 2012).

Điều đáng nói là tốc độ tăng GDP 5,3%, theo NFSC phải được đặt trong bối cảnh nền kinh tế vẫn tuân theo quy luật “quý sau tăng trưởng cao hơn quý trước” và trong 9 tháng cuối năm không có biến động lớn ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế.

Tốc độ tăng GDP của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào hoạt động xuất khẩu. Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, giá nhiều mặt hàng trên thị trường thế giới năm 2013 sẽ giảm như giá năng lượng giảm 2,56%; lương thực giảm trên 3,2%; nguyên liệu thô giảm khoảng 2,2%… (đều là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam).

Vì vậy, để bù đắp lại yếu tố bất lợi này, theo NFSC thì cần phải tiếp tục hạ lãi suất huy động xuống 7%/năm mặc dù mới đây, ngày ngày 25.3.2013, Ngân hàng Nhà nước đã hạ lãi suất huy động từ 8% xuống 7,5%/năm.

Lý do để tiếp tục hạ lãi suất, theo tính toán của NFSC, tốc độ lạm phát của quý 1 thường bằng khoảng 40% tốc độ lạm phát cả năm. Với tốc độ lạm phát 2,39% trong quý 1 thì lạm phát năm nay chỉ vào khoảng 6% tức là vẫn thấp hơn lãi suất tiền gửi ngân hàng.

Chỉ khi giảm tiếp được lãi suất huy động mới có cơ sở vững chắc để giảm lãi suất cho vay xuống còn 10-11%/năm, tạo điều kiện đẩy vốn ra nền kinh tế (quý 1 năm nay, tín dụng chỉ tăng 0,03%), hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn mở rộng hoạt động sản xuất – kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Nguồn: Tạp chí Tài chính điện tử