Tăng trưởng năm 2009: 3 kịch bản kinh tế
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Báo cáo Kinh tế Việt Nam của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương là báo cáo hàng năm về bức tranh toàn cảnh nền kinh tế Việt Nam. Năm nay, CIEM đã xây dựng 3 kịch bản tăng trưởng trong từ mức bi quan đến lạc quan.

Với kịch bản cơ bản, trong điều kiện các nền kinh tế là thị trường xuất khẩu Việt Nam tăng trưởng 0,5%, tỷ giá giữa tiền đồng và đôla tiến thêm 5% và cung tiền tệ tăng 25%, GDP có thể tăng trưởng 4,69%, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở mức 9,4%.

Nếu các thị trường xuất khẩu của Việt Nam đạt mức tăng trưởng GDP cao hơn, khoảng 1%, thì theo kịch bản lạc quan, kinh tế có thể tăng trưởng 5,56% và CPI chỉ ở mức 8,9%. Giả định về biến động tỷ giá hối đoái và cung tiền tệ trong trường hợp này được giữ nguyên như với kịch bản cơ bản.

Trong trường hợp xấu nhất, khi các nền kinh tế là thị trường xuất khẩu của Việt Nam không tăng trưởng, và tín dụng được thắt chặt hơn, thì tốc độ tăng GDP chỉ ở mức 3,39%, nhỉnh hơn chút ít so với quý I vừa qua. Tỷ lệ lạm phát khi này là 8,2%.

Theo đánh giá của CIEM, kinh tế năm 2009 sẽ tiếp tục đối mặt với lạm phát cao và thâm hụt ngân sách tương đối lớn, một phần do tác động của các gói kích cầu. Ngay cả với kịch bản kinh tế lạc quan, tăng trưởng GDP dừng lại ở 5,56%, trong khi thâm hụt ngân sách lên tới 9,4%.

Trả lời câu hỏi: trong 3 kịch bản đó, CIEM nghiêng về kịch bản nào, Tiến sỹ Đinh Văn Ân cho biết, cá nhân ông nghiêng về kịch bản lạc quan bởi tuy khủng hoảng kinh tế tác động mạnh đến các nước trên thế giới, nhưng Việt Nam là nước có đặc thù riêng: nền kinh tế đang chuyển đổi, đầu tư vẫn rộng mở, cầu có khả năng thanh toán cao hơn những con số thống kê được công bố (thực tế tiêu dùng của người dân trong những ngày nghỉ lễ vừa qua đã chứng minh điều đó). Bên cạnh đó, các giải pháp chống suy giảm kinh tế được Chính phủ thực hiện quyết liệt đã phát huy tác dụng. Tuy nhiên, ông Ân cũng nhấn mạnh, nền kinh tế việt Nam trong năm 2009 có diễn ra theo kịch bản lạc quan hay không còn phụ thuộc lớn vào sự điều hành của Chính phủ, việc thực thi các chính sách của các Bộ ngành, đặc biệt là sự năng động của các doanh nghiệp.

Tiến sỹ Phạm Lan Hương- Phó trưởng Ban Nghiên Cứu Chính sách Hội nhập Kinh tế Quốc tế, Viện NCQLKTTƯ cho rằng: Mục tiêu tăng trưởng GDP cần được Quốc hội và Chính phủ xem xét lại một cách thận trọng để điều chỉnh khi thực thi kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 2009 cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

Theo mục tiêu kinh tế – xã hội được Quốc hội phê chuẩn tháng 11/2008, Việt Nam dự kiến tăng trưởng 6,5% trong năm nay. Tốc độ tăng GDP trong năm 2008 là 6,2%. Trong phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 4 vừa qua, Chính phủ đã đề xuất điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng kinh tế xuống 5,5%. Tại Diễn đàn đầu tư Việt Nam toàn cầu cùng tháng, Thủ tướng cũng nhận định, CPI năm nay tăng 6% và GDP tăng khoảng 5%.

CIEM là cơ quan nghiên cứu trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chuyên nghiên cứu về quản lý kinh tế vĩ mô, phục vụ việc điều hành kinh tế của Chính phủ. Theo TS. Đinh Văn Ân, Viện trưởng CIEM, các kịch bản kinh tế của Viện được xây dựng độc lập với dự báo của các tổ chức nghiên cứu khác và dựa trên mô hình kỹ thuật do GTZ (Đức) hỗ trợ.

Kim Liên
Nguồn: Báo điện tử Công thương