Tạo bước đột phá trong chính sách dân tộc 
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.
Nhiệm kỳ Khóa XIV, trên cơ sở tham mưu của Hội đồng Dân tộc, lần đầu tiên trong lịch sử, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết phê duyệt Đề án tổng thể và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Đây là thành công của Quốc hội, cũng là thành công của Hội đồng Dân tộc với những đóng góp hết sức trí tuệ, trách nhiệm và tích cực trong quá trình tham mưu cho Quốc hội để ban hành được hai Nghị quyết được coi là bước đột phá trong chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước ta.
<img alt=" Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến phát biểu tại Phiên họp toàn thể lần thứ 12" src="” width=”850px” />
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến phát biểu tại Phiên họp toàn thể lần thứ 12

Đoàn kết và luôn đổi mới 

Nhiệm kỳ Khóa XIV của Hội đồng Dân tộc được các thành viên đánh giá là đã phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo có nhiều đổi mới trong hoạt động. Đây là nhiệm kỳ Hội đồng Dân tộc tiếp tục kế thừa truyền thống và kinh nghiệm của các khóa trước, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao với tinh thần trách nhiệm cao, thể hiện ở chất lượng tham gia thẩm tra dự án luật được nâng lên, bảo đảm tiến độ thực hiện. Nội dung thẩm tra bám sát các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, quy định của Hiến pháp và xuất phát từ thực tiễn vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Hoạt động giám sát, khảo sát được tăng cường, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những vấn đề bức xúc, cấp thiết của cuộc sống được cử tri, đồng bào quan tâm. Các thành viên của Hội đồng Dân tộc rất tích cực tham gia thảo luận, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, hoạt động đối ngoại được tiếp tục quan tâm.

Chỉ trong gần 5 năm của nhiệm kỳ này, Hội đồng Dân tộc đã tham gia thẩm tra 60 dự án luật, pháp lệnh; tham gia ý kiến cho 14 văn bản ban hành quy định thực hiện chính sách dân tộc của Chính phủ; tiến hành 6 chuyên đề giám sát, 4 chuyên đề khảo sát, 2 phiên giải trình, 19 báo cáo cùng các nhiệm vụ khác. Đặc biệt, trên cơ sở tham mưu của Hội đồng Dân tộc, lần đầu tiên trong lịch sử Quốc hội đã ban hành 2 Nghị quyết phê duyệt Đề án tổng thể và Nghị quyết phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến khẳng định, hai Nghị quyết này là minh chứng rõ nét cho thành công của Hội đồng Dân tộc Khóa XIV.

Hai Nghị quyết được thông qua với tỷ lệ tán thành cao, không chỉ thể hiện niềm tin, sự kỳ vọng của các đại biểu Quốc hội mà còn cho thấy quyết tâm rất cao của Quốc hội trong việc triển khai thực hiện Đề án và Chương trình nhằm đem lại những kết quả toàn diện đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành chia sẻ, đã “có rất nhiều ý kiến đóng góp trí tuệ của các thành viên Hội đồng Dân tộc cho việc thông qua hai Nghị quyết quan trọng này. Và chúng ta có quyền tự hào, lưu giữ những thành quả, kỷ niệm về một nhiệm kỳ Quốc hội nói chung, nhiệm kỳ Hội đồng Dân tộc nói riêng đầy tích cực, sôi nổi. Mỗi thành viên Hội đồng Dân tộc đều cố gắng nâng cao nhận thức, kinh nghiệm, năng lực của bản thân, có bước trưởng thành, phát triển, nhiều đồng chí được giao trọng trách, nhiệm vụ cao hơn”.

	Phiên họp toàn thể lần thứ 12 của Hội đồng DÂn tộc
Phiên họp toàn thể lần thứ 12 của Hội đồng Dân tộc

Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang Vương Ngọc Hà khẳng định, hai Nghị quyết này chắc chắn sẽ tác động mạnh mẽ nhất, đồng bộ nhất và bao phủ hầu hết các khía cạnh phát triển kinh tế – xã hội của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Hai Nghị quyết mang tính nhân văn sâu sắc, là cơ hội lớn cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi phát triển, là ước mơ của hàng vạn hộ gia đình nghèo sinh sống ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi đang khó khăn về nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt… Khi hai Nghị quyết được Chính phủ triển khai thực hiện, họ có cơ hội giải quyết được những khó khăn tưởng chừng không có lối mở trước đây. 

Bước tiến mới trong xây dựng pháp luật

Cũng trong nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV, với đề xuất, kiến nghị có căn cứ pháp lý, xuất phát từ thực tiễn hoạt động của Hội đồng Dân tộc và sự ủng hộ của Quốc hội, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật được thông qua tại Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội Khóa XIV đã bổ sung khoản 1 Điều 68a quy định “Hội đồng Dân tộc có trách nhiệm tham gia thẩm tra dự án, dự thảo do Ủy ban của Quốc hội chủ trì thẩm tra để bảo đảm chính sách dân tộc khi dự án, dự thảo đó có quy định liên quan đến dân tộc thiểu số, vùng dân tộc thiểu số, miền núi”; tạo cơ sở pháp lý để nâng cao trách nhiệm, chất lượng, hiệu quả hoạt động thẩm tra việc bảo đảm chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước trong các dự án luật trình Quốc hội.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Giàng A Chu nêu rõ, “quy định này đánh dấu bước tiến mới của Hội đồng Dân tộc trong công tác xây dựng pháp luật, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật nước ta; đồng thời, cũng đặt ra yêu cầu cao hơn, đòi hỏi Hội đồng Dân tộc phải nâng cao năng lực, tập trung, phối hợp chặt chẽ với các Ủy ban của Quốc hội và cơ quan hữu quan để thực hiện có hiệu lực, hiệu quả quy định của pháp luật”.

Tới đây, theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến, các Báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc về dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết có liên quan đến vấn đề dân tộc cũng phải bám sát quan điểm của Hiến pháp năm 2013 đó là, “các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ nhau cùng phát triển; Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển đất nước”.

Muốn thực hiện được quy định tại Điều 68a, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và thực hiện tốt hơn nữa vai trò, nhiệm vụ của Hội đồng Dân tộc trong nhiệm kỳ tới, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk Y Khút Niê mong muốn, Hội đồng Dân tộc cần có nhiều đại biểu có kinh nghiệm hoạt động từ cơ sở, tăng số lượng đại biểu chuyên trách của Hội đồng Dân tộc, những người thực sự am hiểu tâm tư, nguyện vọng của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để có những góp ý, đề xuất đúng và trúng nhất.

Đúc rút kinh nghiệm hoạt động của nhiệm kỳ Khóa XIV, các thành viên của Hội đồng Dân tộc cũng thống nhất cho rằng, bài học kinh nghiệm quan trọng nhất là phải xây dựng được tập thể đoàn kết, trong sạch, vững mạnh, gồm những đại diện tiêu biểu ưu tú của các dân tộc, trong đó phát huy tối đa vai trò tiên phong, gương mẫu, quy tụ thành viên của Thường trực Hội đồng Dân tộc. Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành tin tưởng, Hội đồng Dân tộc Khóa XV sẽ tiếp tục là tập thể đoàn kết, thống nhất, trí tuệ, bản lĩnh, đổi mới, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, đóng góp nhiều hơn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Hội đồng Dân tộc đã đề xuất và tiến hành 6 cuộc giám sát chuyên đề gồm: kết quả thực hiện phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển; phân định xã, huyện, tỉnh là miền núi, vùng cao; việc thực hiện chính sách, pháp luật về giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư và hộ gia đình vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2006 – 2016; Tình hình thực hiện chính sách, pháp luật hỗ trợ phát triển giáo dục vùng DTTS và MN giai đoạn 2010 – 2017; việc thực hiện Nghị quyết số 112/2015/QH13 ngày 27.11.2015 của Quốc hội về tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác sử dụng; việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ Khóa XIV và một số Nghị quyết trong nhiệm kỳ Khóa XIII; việc thực hiện chính sách, pháp luật về khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2011 – 2020. Trong đó, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là giám sát đầu tiên của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội đối với những lĩnh vực này.

Nhìn chung, hoạt động giám sát, khảo sát của Hội đồng Dân tộc Khóa XIV đã đạt được những kết quả quan trọng. Nội dung bám sát những vấn đề thực tiễn của đời sống kinh tế – xã hội và thực thi chính sách, pháp luật vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Qua giám sát, khảo sát, Hội đồng Dân tộc đã có 112 kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền (Quốc hội: 29; Chính phủ và các bộ, ngành: 54; địa phương: 29); một số kiến nghị của Hội đồng Dân tộc đã được Quốc hội đưa vào nghị quyết, được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành nghiên cứu, tiếp thu.

Báo cáo tổng kết hoạt động của Hội đồng Dân tộc Khóa XIV