Tạo hành lang pháp lý riêng về M&A
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Theo thống kê của Cục Quản lý cạnh tranh, quy mô thị trường M&A năm 2011 tăng mạnh với khoảng hơn 70 thương vụ mua bán, sáp nhập có quy mô lớn và giá trị các thương vụ ước đạt gần 4 tỷ USD. Nếu trừ đi giao dịch giữa các doanh nghiệp nước ngoài, tổng giá trị ngoại tệ khoảng trên 2 tỷ USD đã vào Việt Nam thông qua kênh M&A, góp phần hỗ trợ cho cán cân thanh toán tiền tệ của nước ta.

M&A mang lại những lợi ích đáng kể cho các doanh nghiệp như giúp tận dụng nguồn vốn, đầu tư chất xám, tối đa hóa lợi thế vốn và cải thiện những yếu kém về năng lực cạnh tranh. Hoạt động này không trực tiếp làm thay đổi GDP của quốc gia mà tác động gián tiếp đến nền kinh tế và là một kênh hiệu quả để thu hút nguồn vốn nước ngoài. Thực tế cho thấy, vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) vào Việt Nam sau khi âm liên tiếp trong hai năm 2008-2009 đã tăng trở lại trong năm 2010, 2011 và góp phần quan trọng vào sức tăng trưởng của thị trường.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, năm qua hoạt động M&A diễn ra trong mọi lĩnh vực mà dẫn đầu là ngành dịch vụ tài chính với số lượng và giá trị giao dịch lớn. Với sự ra đời của hàng loạt các ngân hàng ở Việt Nam, việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng nhằm bảo đảm khả năng cạnh tranh tốt trong môi trường kinh tế đầy biến động được Ngân hàng nhà nước đặt ra. Trong đó, sáp nhập, hợp nhất các tổ chức tín dụng được xem là giai đoạn rất quan trọng của quá trình tái cơ cấu. Sự hợp nhất của 3 ngân hàng Ficombank, TinNghiaBank và SCB là bước đi đầu tiên trong quá trình này. Thị trường M&A trong lĩnh vực tiêu dùng cũng rất phát triển với giá trị khoảng hơn 1 tỷ USD và dự kiến tăng mạnh trong năm 2012. Đối với lĩnh vực bất động sản, nhiều hoạt động M&A cũng sẽ gia tăng mạnh mẽ trong năm 2012-2013 như hệ quả tất yếu của vấn đề tái cấu trúc thị trường.

Tuy nhiên, đây là hoạt động tương đối phức tạp, ẩn chứa nhiều rủi ro, thách thức cả về tài chính, thương mại, pháp lý lẫn thị trường. M&A thất bại có thể phá vỡ quy trình sản xuất, giảm niềm tin của khách hàng, phá hủy danh tiếng của doanh nghiệp, là nguyên nhân khiến người lao động ra đi cũng như giảm động lực làm việc của những người ở lại. Chính sự thiếu hiểu biết về mua bán, sáp nhập; về thẩm định giá trị và hồ sơ pháp lý đã khiến các doanh nghiệp lúng túng khi muốn tham gia vào thị trường. Nhiều vấn đề đã phát sinh trong và sau quá trình sáp nhập do sự am hiểu thấp của các nhà đầu tư nước ngoài về phong tục, văn hóa, thị trường cũng như pháp luật Việt Nam. Do vậy, việc trang bị kiến thức cho doanh nghiệp khi tham gia vào thị trường mua bán, sáp nhập cũng như tạo dựng hành lang pháp lý được xem là yếu tố quan trọng góp phần làm nên thành công cho các thương vụ.

Mặc dù hoạt động M&A được quy định tại rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật bao gồm Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Cạnh tranh và Luật Chứng khoán nhưng đại diện Công ty Luật Khai Phong, Ls. Phạm Chí Công lại cho rằng: “Chính những quy định nằm rải rác tại nhiều văn bản và còn chưa cụ thể dẫn đến sự xung đột về cách hiểu, cách giải thích của cơ quan quản lý nhà nước. Việc chưa có một hành lang pháp lý riêng điều chỉnh cũng gây nên không ít khó khăn cho doanh nghiệp và tổ chức tư vấn tài chính khi muốn tham gia vào hoạt động này”.

Có thể thấy, đối với từng văn bản luật, hoạt động này lại được xem xét ở những góc độ khác nhau. M&A được xem như một hành vi tập trung kinh tế do pháp luật cạnh tranh điều chỉnh, như một trong những hình thức tổ chức lại doanh nghiệp theo pháp luật về doanh nghiệp và là hình thức đầu tư trực tiếp được điều chỉnh bởi pháp luật đầu tư. Nhiều chuyên gia cho rằng nếu mỗi cơ quan nhìn nhận M&A ở những góc độ riêng thì rất khó xây dựng được cơ chế, chính sách thống nhất nhằm tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động này.

“Văn bản pháp luật chưa có quy định rõ ràng về M&A nhưng trong 10 năm qua, hàng loạt công ty có vốn đầu tư nước ngoài vẫn tiến hành M&A tại Việt Nam” – theo đại diện của Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội. Trong khi, hiện nay trên thế giới hàng loạt các hoạt động sáp nhập bị cấm đã bắt đầu xuất hiện và có xu hướng gia tăng, tất yếu sẽ ảnh hưởng xấu tới Việt Nam. Bởi vậy, cùng với việc tăng cường giám sát chặt chẽ hành vi này, xây dựng chế tài xử phạt nghiêm minh cũng là việc làm hết sức cấp thiết.

Cục Quản lý Cạnh tranh dự báo rằng, M&A trong những năm 2012 sẽ mở rộng từ 30 – 40%. Do vậy, việc xây dựng khung pháp lý riêng về M&A đã trở thành đòi hỏi khách quan của quá trình phát triển kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam trong giai đoạn sắp tới.

Thu Trang
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân