Tập đoàn kinh tế: Quản thế nào cho được?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Hiện tại mới chỉ có các Nghị định 139/2007/NĐ-CP, Nghị định 141/2007/NĐ-CP đề cập đến một số vấn đề điều chỉnh hoạt động của các tập đoàn kinh tế. Một Nghị định về hình thành, tổ chức, hoạt động và giám sát đối với tập đoàn kinh tế (TĐKT) nhà nước đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI) cùng với các Bộ, ngành liên quan xây dựng. ông Trần Tiến Cường, Trưởng Ban Nghiên cứu cải cách và Phát triển doanh nghiệp, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương cho biết, dự thảo Nghị định sẽ tạo điều kiện cho các tập đoàn kinh tế có khung pháp lý rõ ràng, minh bạch hơn, có cơ sở pháp lý hoạt động tốt hơn đồng thời các cơ quan nhà nước cũng làm rõ được chức trách của mình trong quản lý, giám sát với các tập đoàn kinh tế không bị lẫn lộn về các chức năng về quản lý nhà nước nữa.

Đảm bảo cho các tập đoàn kinh tế thực hiện tốt nhiệm vụ chính, dự thảo đưa ra quy định: Thủ tướng Chính phủ, người được Thủ tướng uỷ quyền và người được cử làm thành viên, uỷ viên hội đồng quản trị của công ty mẹ Tập đoàn sẽ là đại diện chủ sở hữu. Còn về dài hạn, cần thành lập tổ chức chuyên trách trực thuộc Chính phủ thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp quy mô lớn, tổng công ty và tập đoàn kinh tế. Kinh nghiệm từ Trung Quốc cho thấy, từ năm 2003, họ đã thành lập ủy ban quản lý và giám sát tài sản thuộc Quốc vụ viện để quản lý và giám sát cả về tài sản, cán bộ và hoạt động của các tập đoàn kinh tế quan trọng trực thuộc trung ương. Đáng chú ý là các bộ cũng được phân công nhiệm vụ giám sát các tập đoàn kinh tế như: Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì giám sát công ty mẹ thành lập doanh nghiệp mới, góp vốn vào doanh nghiệp khác thuộc lĩnh vực có nguy cơ rủi ro; Bộ Nội vụ theo dõi, đánh giá năng lực cán bộ lãnh đạo doanh nghiệp; Bộ Tài chính giám sát, đánh giá hoạt động tài chính, kết quả kinh doanhh của công ty mẹ, việc vay và đầu tư vốn trong lĩnh vực kinh doanh chính cũng như ngành nghề có liên quan…

Tuy nhiên, những quy định này đã gặp phải sự phản ứng. Chủ tịch hội đồng quản trị của Tập đoàn Dầu khí, ông Đinh La Thăng nhận xét: dự thảo Nghị định có tư tưởng siết chặt các Tập đoàn kinh tế, quay lại luật Doanh nghiệp nhà nước trước đây… Và ngay hiện giờ thì cũng đã có những lời phàn nàn rằng cùng một lĩnh vực, có quá nhiều cơ quan quản lý nhà nước cùng tham gia quản lý doanh nghiệp (ví dụ như lĩnh vực quản lý tài chính, ngoài việc chịu sự quản lý của Bộ Tài chính, có Tập đoàn còn chịu sự quản lý, giám sát của Bộ chuyên ngành). Như thế, sẽ dẫn đến tình trạng chồng chéo trong việc quản lý về chức năng giữa các bộ – ngành với doanh nghiệp, doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động, đặc biệt trong trường hợp không có sự nhất quán giữa các bộ, ngành. Bởi thế ông Nguyễn Bá Nghĩa Phó Ban Tổ chức cán bộ thuộc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông nói: “Quan trọng nhất là phải xác định và phân biệt một cách rõ ràng hơn nữa vai trò của quản lý nhà nước và quản lý của chủ sở hữu”. Tuy nhiên, việc quản lý nguồn vốn Nhà nước tại các Tập đoàn như thế nào thực sự là vấn đề lớn. Liệu rằng những người được cử làm đại diện chủ sở hữu vốn tại các tập đoàn có thể thay mặt Nhà nước, luôn đưa ra những quyết định đúng đắn về việc kinh doanh, đầu tư, góp vốn tại doanh nghiệp? Ngay cả việc đầu tư, góp vốn trong nội bộ tập đoàn cũng có những vân đề cần phải xem xét. Hiện nay, trong một số tập đoàn có việc Công ty mẹ – tập đoàn góp vốn với các công ty con, các công ty con hoặc công ty liên kết góp vốn với nhau để hình thành doanh nghiệp mới. Các doanh nghiệp mới này không xác định được là công ty con hay công ty cháu từ đó cơ cấu và nguồn vốn của tập đoàn trở nên phức tạp, khó kiểm soát. Kinh nghiệm của Hàn Quốc là tập đoàn chỉ nên có cơ cấu cổ phần phân cấp theo bậc từ công ty mẹ đầu tư vào công ty con, công ty con đầu tư vào công ty cháu… Mô hình như vậy theo ông Phạm Tuấn Anh, Văn phòng Chính phủ sẽ làm cho cơ cấu sở hữu trong tập đoàn không quá phức tạp, tăng cường tính minh bạch đồng thời dễ dàng hơn trong việc giám sát.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Đinh Văn ân cho biết, việc hình thành và quản trị tập đoàn kinh tế nhà nước cũng như đổi mới khung pháp lý và cơ chế quản lý đối với loại hình này là một vấn đề phức tạp. Do vậy, Bộ Kế hoạch Đầu tư sẽ tiếp tục lấy ý kiến từ các Bộ ngành, tập đoàn kinh tế và một số tổng công ty để hoàn thiện Dự thảo nghị định và sẽ trình lên Chính phủ vào tháng 9 tới.

Nguồn: Báo Đời sống và pháp luật  điện tử