Tham nhũng “vặt” vẫn khá phổ biến 
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.
Tình hình nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc để vụ lợi tham nhũng “vặt” ở một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức vẫn còn diễn ra ở một số bộ, ngành, địa phương. Đây là một trong những nội dung mà Chính phủ nêu ra trong Báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020 trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Mười.

Dù không có trong quy định pháp luật nhưng tham nhũng “vặt” gần đây được nhắc đến nhiều để nói về những hành vi nhũng nhiễu doanh nghiệp, người dân của những cán bộ công chức, viên chức trong quá trình thực hiện nhiệm vụ nhằm trục lợi. Những hành vi tham nhũng “vặt” diễn ra rất đa dạng, trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội và để lại hậu quả không hề nhỏ.

Còn nhớ, trả lời chất vất của đại biểu Quốc hội về tham nhũng “vặt” tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khi ấy, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, tuy tham nhũng “vặt” nhưng tác hại của nó không “vặt” nên người ta ví những con đê cao, to, hùng vĩ có thể vỡ bất cứ lúc nào vì tổ mối rất nhỏ. Đồng thời, ông cũng chỉ rõ tác hại của tham nhũng “vặt” là làm băng hoại đạo đức của công chức, viên chức trong quá trình thực thi công vụ; làm xói mòn niềm tin, đồng thời làm tăng chi phí không chính thức của người dân và doanh nghiệp.

Có thể nói không khó để phát hiện tham nhũng “vặt”. Thực tế chúng ta phát hiện rất nhiều, nhưng phát hiện đến đâu, xử lý đến đó dường như chưa hẳn là một giải pháp căn cơ để ngăn chặn vấn nạn này. Đó là lý do vì sao tham nhũng “vặt” vẫn bị điểm tên trong các báo cáo thẩm tra hàng năm của Ủy ban Tư pháp.

Cụ thể, trong báo cáo của Ủy ban Tư pháp thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019 đã chỉ rõ, dù chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức tuy được nâng lên nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, vẫn còn hiện tượng cán bộ, công chức nhũng nhiễu, tiêu cực, đòi hối lộ khi giải quyết công việc liên quan đến tổ chức, người dân. Báo cáo dẫn chứng, theo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, vẫn còn 54,8% doanh nghiệp phải chi trả chi phí không chính thức; 58% doanh nghiệp cho biết vẫn còn hiện tượng cán bộ, công chức nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp.

Còn trong báo cáo thẩm tra về công tác phòng, chống tham nhũng trong năm 2020 gửi tới Quốc hội tại kỳ họp lần này, Ủy ban Tư pháp cũng chỉ rõ, cán bộ, công chức, viên chức lợi dụng vị trí công tác, lợi dụng sơ hở về cơ chế, chính sách, pháp luật để nhũng nhiễu, gây phiền hà nhằm vụ lợi khi giải quyết công việc liên quan đến người dân, doanh nghiệp vẫn xảy ra khá phổ biến.  

Theo khảo sát của Tổ chức Hướng tới minh bạch về trải nghiệm của người dân đối với tham nhũng trong khu vực công trong 7 lĩnh vực như: trường học công; bệnh viện công; dịch vụ điện, nước… kết quả cho thấy 66% được hỏi có liên hệ/tiếp xúc với ít nhất 1 lĩnh vực dịch vụ và cứ 5 người thì có 1 người (chiếm khoảng 18%) cho rằng phải đưa hối lộ ít nhất 1 lần.

Trong khi đó, theo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2019, kết quả khảo sát mức độ hài lòng của doanh nghiệp về thủ tục hành chính thuế năm 2019 cho thấy khoảng 9% doanh nghiệp thừa nhận đã từng phải chi trả chi phí không chính thức trong một số lĩnh vực cụ thể. Năm 2018, khoảng 7% doanh nghiệp cho biết đã chi trả trên 10% doanh thu cho các loại chi phí không chính thức. Còn theo Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2019 (SIPAS 2019), tại 46/63 tỉnh có công chức gợi ý người dân, tổ chức nộp thêm tiền ngoài phí/lệ phí.

Rõ ràng, tham nhũng “vặt” đã tồn tại nhiều năm, nhưng cho đến thời điểm này vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Điều này cho thấy, công tác kiểm soát nội bộ, cán bộ công chức, viên chức chúng ta chưa làm triệt để, nếu không muốn nói có nơi còn buông lỏng. Chỉ phát hiện và xử lý cán bộ, công chức, viên chức nhũng nhiễu khi mọi việc đã rồi bởi báo chí, dư luận phản ánh, việc tự phát hiện vi phạm trong nội bộ vẫn là một thực tế khá khiêm tốn.

Khi hành vi nhũng nhiễu bị phát hiện đương nhiên phải xử lý nghiêm minh. Nhưng điều quan trọng là phải có biện pháp phòng ngừa. Để ngăn chặn được tham nhũng “vặt” thì hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo đảm thống nhất, rõ ràng là rất cần thiết. Cùng với đó, đẩy mạnh ứng dụng dịch vụ công trực tuyến trong thực thi công vụ.

Đặc biệt, cần nâng cao trách nhiệm cho người dân và doanh nghiệp trong việc nói “không” với tham nhũng “vặt”, kiên quyết đấu tranh thay vì thỏa hiệp với nó. Muốn làm được điều này cần có cơ chế giám sát của người dân và cơ quan truyền thông. Đã đến lúc chúng ta không thể thờ ơ với vấn nạn này, bởi tham nhũng “vặt” nhưng hậu quả để lại không hề “vặt”.