Tham vấn ý kiến nhân dân – Trí tuệ, dân chủ và thực tiễn
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Lào Cai là một trong những tỉnh, thành phố được chọn để triển khai thực hiện thí điểm Dự án Nâng cao năng lực của các cơ quan dân cử ở Việt Nam (giai đoạn III). Qua 3 năm triển khai thí điểm (2008-2011), Thường trực HĐND tỉnh Lào Cai đã lựa chọn các nội dung tham vấn nhân dân đối với việc ban hành và thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh. Các cơ quan dân cử và đại biểu đã nhận thức được ý nghĩa, lợi ích do tham vấn và liên hệ cử tri mang lại cho các bên trong quá trình ban hành và thực hiện chính sách. Đặc biệt, Lào Cai là tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi nên việc tiến hành tham vấn công chúng và liên hệ cử tri có những nét đặc thù riêng.

Có thể nói, việc tham vấn tại Lào Cai trong những năm qua đã đạt kết quả tương đối tốt, được các cấp các ngành và nhân dân đánh giá cao, đồng tình ủng hộ. Về kinh tế, Lào Cai đã tham vấn ý kiến nhân dân trong quá trình thực hiện điều chỉnh, quy hoạch phát triển hệ thống điện lực, cụ thể đã điều chỉnh lại trên 20 công trình thủy điện không khởi công, bảo đảm việc sản xuất nước sinh hoạt và đời sống của nhân dân không bị ảnh hưởng… Về xã hội, những chính sách xã hội hóa về giáo dục, văn hóa, y tế… được tỉnh xây dựng đã được nhân dân đồng tình thực hiện tốt. Bên cạnh đó, nhằm thu hút cán bộ, nghệ nhân, nghệ sỹ có năng lực, trình độ cao lên công tác ở Lào Cai, tỉnh đã xây dựng những chính sách ưu đãi, cụ thể như điều chỉnh cho tăng hệ số lương ngoài lương Nhà nước quy định, để cán bộ yên tâm công tác ở các ngành, nhất là đối với cán bộ tin học, giáo viên… Đây là hoạt động có hiệu quả, thiết thực đã tăng cường được mối quan hệ giữa HĐND Lào Cai với cử tri trong tỉnh. Công tác tham vấn đã thu thập được nhiều thông tin khách quan, trung thực từ người dân và các cấp chính quyền địa phương; đã phản ánh những khó khăn, bất cập và mức độ hài lòng trong quá trình thực hiện các chủ trương, chính sách của tỉnh; giúp HĐND tỉnh có căn cứ để xem xét tính phù hợp, tính thực tiễn khi ban hành các nghị quyết mới và tổ chức giám sát việc thực hiện các nghị quyết đã ban hành. Thực tế cho thấy, tham vấn không phải là phép màu nhưng là cầu nối thân thiện, làm cho mối liên hệ giữa đại biểu và cử tri ngày càng thiết thực và hiệu quả, tạo sự chuyển biến tích cực về mặt nhận thức trong cơ quan và đại biểu dân cử. Điều đó đã thể hiện  sinh động việc phát huy dân chủ, trí tuệ trong nhân dân; đồng thời mang lại tính thực tiễn sâu sắc cho mỗi quyết định của HĐND.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình triển khai thực hiện tham vấn ý kiến nhân dân và liên hệ cử tri tại Lào Cai cũng gặp rất nhiều khó khăn. Tại Hội nghị trao đổi kinh nghiệm về tham vấn và liên hệ cử tri ở các tỉnh miền núi và dân tộc ít người được VPQH tổ chức vừa qua, Uỷ viên Thường trực HĐND tỉnh Lào Cai Hà Xuân Kiến chia sẻ: do đặc thù của tỉnh, hệ thống giao thông chưa hoàn thiện, phạm vi tổ chức tham vấn rộng nên việc đi lại gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các thôn, bản thuộc các xã vùng sâu, vùng xa. Đối tượng tham vấn phần chính là đồng bào dân tộc thiểu số vì vậy khả năng nhận định, đánh giá các ảnh hưởng của chủ trương, chính sách mà tỉnh đã ban hành đối với đời sống thường nhật của đồng bào còn hạn chế, đặc biệt là những lĩnh vực mang tính kỹ thuật cao như quy hoạch điện lực, giá các loại đất… Tham vấn nhân dân là hoạt động mới, các hình thức tham vấn lần đầu được thực hiện tại địa phương phần nào cũng ảnh hưởng đến kết quả tham vấn. Một khó khăn nữa ảnh hưởng tới chất lượng của công tác tham vấn là tâm lý người dân vùng đồng bào dân tộc ngại phát biểu trước đám đông, ngại trả lời phỏng vấn; đời sống của nhân dân đa số còn nghèo, các phương tiện nghe, nhìn còn hạn chế, việc tiếp cận thông tin gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, các cán bộ thực hiện tham vấn được trưng tập từ huyện, xã bước đầu tiếp cận với các công cụ mới như internet nên chưa thành thạo trong hoạt động…

Để tháo gỡ, khắc phục những khó khăn còn tồn tại, đưa hoạt động tham vấn ý kiến nhân dân và liên hệ cử tri đạt hiệu quả cao, trong những năm qua, tỉnh Lào Cai đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển KT – XH, bảo đảm an ninh, quốc phòng phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và mong muốn của đông đảo nhân dân… Trong thời gian tới, tỉnh sẽ chỉ đạo các ngành, các cơ sở xây dựng một quy chế phối hợp tham vấn với UBND để UBND chỉ đạo các ngành phải cung cấp đầy đủ các tài  liệu, thông tin, bố trí đội ngũ cán bộ có kinh nghiệm, năng lực trước khi HĐND tham vấn. Tỉnh sẽ tiếp tục tham vấn các ban, ngành về chính sách đối với nông dân như thu hồi đất đồi, nương kém hiệu quả trồng cao su, chính sách phát triển thủy sản… Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã đề nghị VPQH cần tiếp tục triển khai dự án Tăng cường năng lực cho các cơ quan đại diện tại Việt Nam cho các tỉnh miền núi, vùng cao, dân tộc ít người để có thêm nguồn lực tổ chức các cuộc tham vấn được thuận lợi và hiệu quả hơn… Có như vậy, hoạt động tham vấn mới đi vào thực chất và phát huy hiệu quả, thúc đẩy phát triển KT- XH ở địa phương.

Tham vấn ý kiến nhân dân nhất là đối với tỉnh vùng cao, nhiều đồng bào các dân tộc thiểu số có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xây dựng và hoạch định chính sách. Đồng bào dân tộc thiểu số có những đặc thù về văn hóa, phong tục tập quán, ngôn ngữ riêng, đòi hỏi ở công tác tham vấn và liên hệ cử tri phải thực sự am hiểu và tinh tế trong cách giao tiếp. Qua đó tạo điều kiện để người dân được bày tỏ quan điểm, ý kiến của mình và chính quyền nhà nước có trách nhiệm xem xét, tiếp thu những ý kiến chính đáng đó trước khi quyết định ban hành một chính sách mới hoặc cần phải xem xét sửa đổi, bổ sung hay bãi bỏ một chính sách đã ban hành nếu không còn phù hợp. Bên cạnh ý nghĩa giữ mối liên hệ với cử tri, tham vấn còn là công cụ quan trọng giúp cơ quan dân cử có đầy đủ căn cứ, lý lẽ và thông tin quan trọng, sát thực tế phục vụ cho hoạt động quyết định các chính sách và giám sát việc thực thi hành chính sách…

Tham vấn  là  kênh thông tin rất hữu hiệu thu hút sự tham gia của người dân vào quá trình làm chính sách.   Và những chính sách mới  được tham vấn rộng rãi trước khi quyết định sẽ sớm vào thực tiễn có hiệu quả  và mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.

Diệp Anh
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân