Thận trọng ngay cả khi CPI ở mức một con số
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

CPI 2012 sẽ đạt 1 con số

CPI trong năm 2012 tăng bao nhiêu, giá những mặt hàng thiếu yếu trong 6 tháng tới sẽ ra sao thực sự là bài toán khó. Đầu năm nay, không ít tổ chức quốc tế dự đoán CPI cả năm của Việt Nam sẽ đạt khoảng 13% trong khi Quốc hội giao Chính phủ phải giữ ở mức 9%. Sau 6 tháng đầu năm, CPI tăng 2,52%- so với mục tiêu còn là khoảng cách khá xa. Tại Hội thảo khoa học Diễn biến giá cả thị trường ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cho 6 tháng cuối năm 2012, nhiều chuyên gia cho biết họ tin tưởng CPI năm nay sẽ là một con số.

Theo Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương Nguyễn Lộc An: giá cả hàng hóa tiêu dùng trong nước những tháng cuối năm sẽ tiếp tục ổn định, một phần quan trọng là do giá các mặt hàng trên thế giới được dự báo sẽ không có nhiều biến động và duy trì ở mức thấp. Chỉ số CPI cả năm chắc chắn sẽ đứng ở mức một con số.

Hiện nay, Chính phủ có một số chính sách nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển điều đó đồng nghĩa với bức tranh kinh tế cuối năm sẽ có nhiều khởi sắc. Ths. Trần Thị Trâm Anh, Viện Kinh tế Tài chính nhận định: hiệu ứng của gói kích cầu sẽ phát huy tác dụng trong một vài tháng tới sẽ khiến cho tình hình kinh tế có nhiều chuyển biến tích cực hơn, do sự tăng giá thấp của nhóm chiếm tỷ trọng lớn trong CPI là nhóm hàng ăn, dịch vụ ăn uống và sức cầu thấp ở trong nước sẽ kiềm chế đáng kể tốc độ tăng giá của tháng 7, tháng 8 và sẽ tăng khá hơn trong những tháng cuối năm 2012 do tính mùa vụ của lạm phát.

Từ nay tới cuối năm, những yếu tố đáng chú ý có thể tác động đến chỉ số giá tiêu dùng là tăng trưởng tín dụng. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã siết chặt lách trần lãi suất huy động với mức khoảng trên 10% nhưng phần nhiều là khả năng hấp thụ của doanh nghiệp còn khá yếu. Thực tế cho thấy, doanh nghiệp đang khó khăn nhất là đầu ra, hàng tồn kho khá lớn và CPI tháng tới sẽ tiếp tục giảm hoặc tăng thấp kéo dài cho tới cuối năm. “Tiêu dùng trong nước vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc” – PGs. Ts Ngô Trí Long nhấn mạnh.

Trong tháng 5 và tháng 6 vừa qua, không phải không có những yếu tố kích thích tiêu dùng khi mà giá xăng dầu giảm bốn lần, giá gas liên tục giảm, hàng loạt các nhóm hàng hóa có khuyến mại lớn… Thế nhưng, tâm lý tiêu dùng vẫn nằm trọn trong hai chữ thắt chặt, tiết kiệm. Đây cũng chính là nguyên nhân lý giải vì sao CPI những tháng tiếp theo sẽ ở mức khá thấp theo nhận xét lạc quan của các chuyên gia.

Vẫn phải thận trọng

Mặc dù nhận định 80% đến 90% CPI sẽ đạt ở mức 1 con số trong 6 tháng tới nhưng nhiều chuyên gia cho rằng vẫn cần thận trọng đặc biệt là khi Việt Nam còn phải đối diện với một số khó khăn.

Thế giới đang chứng kiến chu kỳ đi xuống của giá xăng dầu nhưng sự giảm sút đó không nằm trong mong muốn cũng như xu hướng của thị trường. Dự kiến cuối năm với xu hướng tăng giá xăng dầu của thế giới và sự liên kết giữa các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC đồng nghĩa với chấm dứt xu hướng giảm giá của mặt hàng này. Trong nước, vẫn tiềm tàng làn sóng tăng giá một số mặt hàng thiết yếu như giá điện, sữa; giá một số hàng hóa mỹ phẩm, đồ dùng và thực phẩm dành cho trẻ em, nước sinh hoạt ở nhiều đô thị lớn…

Bên cạnh đó, nước ta tiếp tục đối diện với sức ép lạm phát do sự mất giá đồng tiền chủ chốt trên thế giới như là hệ quả tiêu cực của cuộc khủng hoảng nợ công và suy giảm kinh tế toàn cầu. Sức ép tăng CPI còn gia tăng do xu hướng ngày càng đậm dần hơn việc chuyển từ thắt chặt sang nới lỏng chính sách tài chính tín dụng trên thế giới cũng như ở trong nước.

“Những nhân tố trên khiến mục tiêu kiềm chế CPI xuống mức một con số (dự báo có thể ở mức 6-8%) trong năm 2012 dễ trở nên mong manh hơn nếu thiếu nỗ lực trong phối hợp đồng bộ và hiệu quả từ nhiều phía với nhiều loại công cụ, giải pháp” – Ts Nguyễn Minh Phong nói.

Với diễn biến CPI thấp trong 6 tháng đầu năm, không ít ý kiến lo ngại nền kinh tế nước ta đang bước vào giai đoạn giảm phát. “Đó là một sự hiểu nhầm”, một chuyên gia kinh tế nói bên lề hội thảo. Theo đó, giảm phát là biểu hiện của giá cả đi xuống trong một thời gian dài, còn CPI thời gian qua thực chất là vẫn tăng nhưng chậm. Vị chuyên gia này khuyến cáo thêm: sự giảm giá đột biến của CPI tháng 6 cũng là một lời cảnh báo cần có những chính sách phù hợp hơn với tình hình thực tế.

Thu Trang
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân