Tháng 7: Xuất khẩu tăng cao, nhập khẩu giảm lớn
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Bộ Công Thương dự báo, nếu giữ nguyên đà tăng trưởng này, kim ngạch XK cả năm sẽ hoàn thành sớm và những biện pháp hạn chế nhập siêu cũng phát huy tác dụng..

Nhập siêu – tiến sát về “điểm sàn”

Tại Hội giao ban trực tuyến về bàn giải pháp thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm do Bộ Công Thương tổ chức đầu tháng 7, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đặt ra chỉ tiêu: nhập siêu trung bình 6 tháng cuối năm cố gắng không vượt quá 700 triệu USD/tháng. Đây là một nhiệm vụ không phải dễ dàng trong bối cảnh nhập siêu của Việt Nam đang ở trong tình trạng báo động.

Tuy nhiên, với kết quả kim ngạch NK tháng 7 đạt 7,05 tỷ USD, chỉ tăng khoảng 1,8% so với tháng trước, nhập siêu hạ xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm đến nay là một điều đáng mừng, bởi mấy tháng đầu năm, tình hình nhập siêu đã luôn trở thành một trong những chỉ số “báo động đỏ” đối với nền kinh tế Việt Nam. Bước sang tháng 4, những khó khăn này đã dần có những cải thiện, nhập siêu từ gần 3 tỉ USD/tháng ở quí I đã hạ xuống còn 2,75 tỉ USD trong tháng 4. Tháng 6 nhập siêu chỉ còn là 1,38 tỉ USD và tháng 7 ở mức 800 triệu USD đã thực sự làm nhiều người ngỡ ngàng. Như vậy tổng nhập siêu 7 tháng đầu năm dừng ở mức 15,24 tỷ USD. Điều quan trọng nhất là qua chỉ số này, việc phấn đấu đưa nhập siêu xuống ở ngưỡng 700 triệu USD/tháng ở mấy tháng cuối năm, cũng như đảm bảo mục tiêu nhập siêu cả năm 2008 ở mức 20 tỷ USD như Chính phủ đã đề ra là có khả năng thực hiện được.

Kết quả nhập siêu giảm, trước hết là do tác động trực tiếp của những chính sách hạn chế quyết liệt NK một số mặt hàng ôtô, linh kiện ôtô, vàng…; những chính sách kiểm soát nguồn ngoại tệ dành cho NK; tiết giảm tiêu dùng và cắt giảm đầu tư cũng tác động đến việc giảm NK của các DN. Ngoài ra, những tháng trước đây, có tình trạng tranh thủ NK để chờ thời điểm tăng giá như hồi tháng 4/2008, thì nay khả năng âỹ không còn tiếp diễn.

Xuất khẩu – nối đà tăng trưởng

Tuy chỉ tăng 0,8% so với tháng trước, nhưng với kim ngạch đạt 6,25 tỷ USD trong tháng 7, tăng tới 47% so với cùng kỳ năm 2007. Đặc biệt đây là lần đầu tiên XK có mức kim ngạch đạt cao nhất từ đầu năm, đồng thời cũng giữ kỷ lục tăng trưởng so với từ trước đến nay. Với đà tăng trưởng như vậy, tổng kim ngạch XK 7 tháng đầu năm đã đạt 36,876 tỉ USD, tăng 37,7% so với cùng kỳ năm 2007. Đáng chú ý, trong số 4 nhóm mặt hàng XK có mức tăng trên 50% thì sản phẩm đá quí và kim loại quí đã nổi lên và trở thành một “hiện tượng” với mức tăng kỷ lục là 525,8%. Một số mặt hàng khác như: dầu thô đạt 7,8 triệu tấn, giảm 12% về lượng nhưng tăng 52% về kim ngạch; gạo giảm 6,8% về lượng cũng tăng gấp đôi về kim ngạch. Các sản phẩm khác như: nhân điều, chè các loại, than đá, linh kiện máy tính, sản phẩm nhựa, đồ gỗ, dệt may… đều có mức tăng từ 20 đến gần 50% so với cùng kỳ.

Có thể nói, yếu tố tăng giá trên toàn thế giới là một trong những thuận lợi lớn cho XK Việt Nam năm nay. Riêng một số mặt hàng chủ lực như: dầu thô, than đá, gạo, cà phê và cao su đã làm tăng kim ngạch lên thêm 4,5 tỷ USD tương đương 16,7% tăng trưởng XK. Nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì tốc độ tăng trưởng XK cả nước đạt khoảng 20%.

Đẩy mạnh thực hiện những giải pháp

Có thể nói, giá trị kim ngạch XNK của tháng 7 và 7 tháng đầu năm không chỉ giúp Việt Nam khả quan hơn về việc thực hiện các chỉ tiêu đã đề ra cho năm 2008, mà điều quan trọng nhất trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước đều có những diễn biến phức tạp và bất lợi, việc tăng trưởng về XK, đặc biệt là kiềm chế về nhập siêu đã thể hiện được sự điều hành đúng đắn của Chính phủ, sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp, trong đó có vai trò quan trọng của Bộ Công Thương. Hàng loạt những giải pháp cấp thiết mà Bộ Công Thương đưa ra đã phát huy hiệu quả.

Theo Thứ trưởng thường trực Bộ Công Thương Bùi Xuân Khu, từ nay đến cuối năm, với đà tăng trưởng của mấy tháng qua, việc hoàn thành kế hoạch về XK không phải đáng lo ngại. Riêng đối với nhiệm vụ kiềm chế nhập siêu, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ ngành và hiệp hội ngành hàng đánh giá nhu cầu NK của các mặt hàng và khả năng đáp ứng trong nước. Trong phương án giảm NK, hạn chế nhập siêu, Bộ Công Thương đã tính toán chi tiết về khả năng giảm cho từng nhóm hàng với kim ngạch dự kiến cụ thể. Bên cạnh đó, sẽ tăng cường kiểm tra chất lượng hàng hóa NK, sử dụng hàng rào kỹ thuật để hạn chế nhập siêu, bổ sung danh mục hàng hóa kiểm tra trước khi thông quan, xây dựng các chế tài kiểm soát và chính sách vốn đối với hàng hóa không khuyến khích NK…

Hiện Bộ Công Thương đang xây dựng Đề án đẩy mạnh xuất khẩu và hạn chế nhập siêu áp dụng cho giai đoạn 2008-2010, dự kiến đề án sẽ được trình Chính phủ xem xét vào quý IV năm nay.

Nguồn: Báo điện tử Công thương