Thắng trên lý thuyết
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Chậm là mất

Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, 6 tháng đầu năm 2017, trong công tác thi hành án dân sự, số việc và tiền thụ lý ngày càng nhiều và tiếp tục tăng so với năm trước (tăng 35.923 việc và trên 24.600 tỷ đồng); các vụ án liên quan đến tín dụng, ngân hàng có giá trị phải thi hành rất lớn, chiếm gần 56% tổng số tiền phải thi hành của toàn quốc, trong khi việc kê biên, phong tỏa tài sản, truy tìm tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử chưa được quan tâm kịp thời, gây áp lực lớn và khó khăn trong quá trình thi hành án dân sự.

Một doanh nghiệp chuyên sản xuất cửa gỗ có trụ sở tại TP Hồ Chí Minh đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn khi không đòi được nợ từ một công ty xây dựng. Mặc dù theo bản án có hiệu lực của tòa án, công ty xây dựng phải trả khoản nợ là 3 tỷ đồng (cả gốc lẫn lãi) nhưng sau nhiều năm, doanh nghiệp thắng kiện mới chỉ thu hồi được hơn 150 triệu đồng vì không tìm thấy tài sản của đối tác. Trường hợp Công ty CP Thép vật tư Hà Nội cũng vậy, sau nhiều năm theo kiện và tốn kém kinh phí, doanh nghiệp đã thắng kiện, tuy nhiên, đến giai đoạn thi hành án thì công ty này gần như “chết đứng” khi con nợ không còn tài sản, mọi tài sản hiện có đã bị thế chấp để bảo đảm các khoản vay của ngân hàng. Hay trường hợp của Tập đoàn Bảo Sơn, sau nhiều năm ròng rã theo kiện đòi nợ hơn 50 tỷ đồng, được tòa án tuyên thắng kiện nhưng không đòi được tiền vì “con nợ” thay đổi tên, trụ sở và tài sản cũng đứng tên nhiều doanh nghiệp, cá nhân khác. Đó chỉ là một vài ví dụ trong nhiều vụ án dân sự mà việc thi hành án gặp nhiều trở ngại, gây mất thời gian, chi phí của doanh nghiệp.

Theo luật sư Trương Thanh Đức, Công ty Luật BASICO, việc tòa án xử lý như thế nào không quan trọng bằng việc bản án đó được thi hành, được thực thi ra sao. Và trên thực tế, e ngại nhất của doanh nghiệp chính là ở khâu thi hành án vì số lượng, khối lượng, tài sản giá trị được thi hành án còn rất thấp, rất chậm. Theo thống kê 6 tháng đầu năm 2017 của Bộ Tư pháp, số việc và tiền có điều kiện thi hành án dân sự nhưng chưa thi hành xong chuyển sang kỳ sau còn rất lớn: 359.955 việc, tương ứng với số tiền trên 124.162 tỷ đồng, tăng tới 48,46% về việc và 38,04% về tiền so với cùng kỳ năm 2016.

Nhiều chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp được tòa tuyên thắng án nhưng chỉ là thắng trên lý thuyết, trên giấy tờ còn thực tế thì ngược lại, chẳng những không thu hồi được tài sản mà doanh nghiệp còn mất thêm thời gian, chi phí, công sức vào việc kiện cáo. Chính vì việc xử lý tranh chấp diễn ra quá lâu từ sơ thẩm, phúc thẩm rồi giám đốc thẩm, thậm chí phúc thẩm nhiều lần, trong khi tòa án lại không có biện pháp giữ lại tài sản của người phải thi hành án nên nhiều trường hợp đã tẩu tán tài sản. 

Luật sư Hà Huy Phong, Công ty Luật TNHH INTECO cho biết, ngay khi có dấu hiệu xảy ra tranh chấp và buộc phải ra tòa, nhiều doanh nghiệp lập tức thay tên đổi chủ bằng cách chuyển nhượng cho người khác, trong khi hiện nay vẫn thiếu cơ chế để ngăn chặn tình trạng này. Ngay cả khi doanh nghiệp đó có tài sản ở tài khoản ngân hàng cũng chưa chắc đã thu hồi được, vì muốn phong tỏa thì phải điều tra xác minh xem có tiền hay không rồi chờ quyết định niêm phong, kê biên. Với cách thức chuyển tiền điện tử nhanh chóng như hiện nay, bên phải thi hành án không khó “ứng phó” với bản án của tòa.

Vướng nhiều khâu

Thủ tục hành chính cũng là nguyên nhân khiến doanh nghiệp gặp khó khăn khi đòi nợ qua thi hành án. Cụ thể, khi khởi kiện ra tòa, doanh nghiệp phải chứng minh đã đòi nợ, đã “chốt” được công nợ; chứng minh được nơi ở, trụ sở của người phải thi hành án thì mới được thụ lý. Đến khi có bản án rồi, doanh nghiệp lại phải chứng minh được bên kia có tài sản, có tiền để thi hành án. Mặc khác, việc xử lý tài sản đặc biệt là nhà, đất trong các vụ việc về kinh doanh thương mại cũng không dễ, nhất là khi chấp hành viên phải mất nhiều thời gian làm thủ tục kê biên, thẩm định giá tài sản. Theo quy định, sau khi kê biên trong thời hạn 5 ngày, chấp hành viên phải ký hợp đồng với cơ quan thẩm định giá hoặc ghi nhận thỏa thuận của hai bên để định giá từ đó chuyển bán đấu giá. “Bình quân mỗi chấp hành viên phải thi hành khoảng 300 hồ sơ, thậm chí 800 – 900 hồ sơ, cùng một lúc phải làm nhiều thủ tục như vậy thì khó bảo đảm tiến độ” – một chuyên gia cho biết.

Luật đã quy định về công tác phối hợp giữa cơ quan, tổ chức ban ngành có liên quan đến thi hành án nhưng thực tế sự phối hợp vẫn chưa chặt chẽ, ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết việc thi hành án của chấp hành viên, cơ quan thi hành án dân sự. Thực tế tại nhiều địa phương, mối quan hệ giữa chấp hành viên với ngân hàng vẫn tách bạch “việc anh anh làm, việc tôi tôi làm”, chưa tích cực phối hợp dẫn đến nhiều vụ việc đương sự tẩu tán tài sản trốn tránh nghĩa vụ thi hành án.

Để tháo gỡ khó khăn, giảm bớt “gánh nặng” cho cơ quan thi hành án, Văn phòng Thừa phát lại đã được trao thêm quyền xác minh điều kiện và trực tiếp thi hành án dân sự. Thế nhưng, số việc thi hành án mà các Văn phòng Thừa phát lại đang thụ lý còn quá ít. Theo Trưởng Văn phòng Thừa phát lại Ba Đình Nguyễn Văn Lạng, đến nay, các văn phòng thừa phát lại đã thi hành được khoảng 500 vụ việc, thu được gần 100 tỷ đồng cho khách hàng. Nhưng đáng tiếc, vai trò của thừa phát lại còn chưa rõ ràng, phạm vi thẩm quyền tổ chức thi hành án theo địa bàn quận, huyện quá hẹp. Nếu như chấp hành viên được phép yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin tài khoản và kê biên, niêm phong thì thừa phát lại không có quyền như vậy. Đây là một trong những rào cản khiến số lượng vụ, việc các văn phòng thừa phát lại thực hiện còn quá ít.

Thảo Mộc
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân