Thành công và yêu quý
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Tôi ngồi cùng phòng với đồng nghiệp da trắng, tóc vàng, xinh như diễn viên Hollywood. Cô bảo tôi, phụ nữ ở Mỹ thích làm gì chả được.

Nhưng hóa ra không phải.

Lần đầu đặt chân tới Mỹ, được tham gia khóa đào tạo kỹ năng cần thiết trước khi vào chương trình chính thức, tôi gặp cô giáo trẻ người Mỹ, khi ấy sắp có con đầu lòng.

Mấy chị em cô lớn lên cùng văn hóa Disney, đều nghĩ cuộc đời như phim cổ tích. Nghĩa là sẽ lấy ai như hoàng tử, có hoa hồng rải trên mỗi bước chân ở đất nước được coi là ưu việt hàng đầu thế giới.

Nhưng, khi cô sắp sinh con, công việc dạy học tạm thời trở nên mong manh hơn bao giờ hết. Đôi vợ chồng trẻ còn đối mặt với khoản nợ học phí đại học hàng trăm nghìn USD phải trả cho chính phủ và chi phí sinh hoạt.

Ở Mỹ, nếu có công việc chính thức có bảo hiểm, các công ty thường cho nhân viên nữ nghỉ đẻ 6 tuần. Nhưng cô giáo tôi không được chế độ đó vì làm công việc tạm thời. Nghỉ đẻ với cô gần như sẽ bị mất việc. Ông sếp còn bảo, cô phải tự đi nhờ đồng nghiệp làm thay việc của mình trong thời gian nghỉ chứ lãnh đạo không đứng ra thuê người mới.

Lúc chúng tôi tới nhà chơi, cô kể mình mới khóc với bố mẹ “sao bố mẹ không bảo con trước về những trở ngại đối với phụ nữ khi sinh con?”.

Vấn đề là không riêng cô giáo tôi, khi làm nghiên cứu của mình, tôi chứng kiến không ít phụ nữ ở Mỹ và Canada chịu thiệt thòi trong công việc, kể cả đối với nhóm có địa vị hay thu nhập cao.

Người sếp cộng sự với tôi, xinh đẹp, có ba con, chưa tới 50 tuổi đã đứng đầu về mặt học thuật của một khoa gồm hơn 200 bác sĩ ở một trường y tại Canada. Chị mới đề xuất lập một giải thưởng mới, tương tự như “phụ nữ giỏi việc nước đảm việc nhà” trong khoa.

Ngạc nhiên ở chỗ, nhiều ý kiến không chấp nhận. Họ bảo, làm như thế hóa ra công nhận là có bất bình đẳng giới ở cơ quan tiên tiến gần nhất đất nước về mặt học thức à? Và, họ cũng không đồng tình với một khảo sát, ở Canada, trung bình tất cả các ngành nghề, cùng làm công việc giống nhau, nhưng lương nam giới bao giờ cũng cao hơn nữ giới 10% tới 20%.

Amartya Sen, kinh tế gia nhận giải Nobel năm 1998 định nghĩa: phát triển luôn gắn liền với sự tôn trọng đa dạng của từng cá nhân ở mức cao nhất.

Tư tưởng này đã được đưa vào xây dựng chỉ số Phát triển con người của Liên hợp quốc (HDI). Để đánh giá mức độ phát triển của một quốc gia, không chỉ phụ thuộc vào các chỉ số kinh tế mà quan trọng hơn là các chỉ số về sức khỏe và giáo dục. Vậy mà với Sen, chỉ số trên của Liên hợp quốc vẫn “không thể tránh khỏi thô sơ”.

Martha Nussbaum, một nhà triết học, đã phát triển ý tưởng của Sen trong nghiên cứu nữ quyền và đưa ra danh sách chung mang tính toàn cầu về đảm bảo phát triển tối thiểu cho phụ nữ gồm: khả năng có tuổi thọ trung bình, có mái ấm, có sức khỏe, không bị xâm phạm, có cảm xúc gắn bó…

Nhưng theo tôi, điều rất quan trọng trong danh sách của Nussbaum là làm sao để phụ nữ ở mọi nơi đều có khả năng suy ngẫm, phản biện, lập kế hoạch cho cuộc sống mà mình theo đuổi. Khả năng này có thể giúp từng cá nhân phát triển chính mình, gần hơn với khái niệm của Sen hàm ý phải tôn trọng hơn nữa “sự đa dạng của từng cá nhân”.

Vì sao? vì ngày nay, không ít người vẫn sẵn sàng nói với một phụ nữ, kiểu như: thời buổi này rồi, đừng làm nội trợ nữa, vùng lên đi, tham gia vào cuộc sống kinh tế xã hội ngoài kia đi. Phụ nữ nào đang năng nổ ngoài xã hội có thể bị khuyên, sao không tập trung nội trợ, chăm sóc chồng con. Thậm chí, tôi thấy nhiều câu hỏi phỏng vấn với các phụ nữ thành đạt “chị làm sao để cân bằng giữa công việc và chăm sóc gia đình”; hay có người vẫn nói với một cô gái không thon thả, rằng nhịn ăn giảm cân hay làm gì đi chứ, để có thân hình chuẩn đẹp ba vòng.

Ít ai biết, ngoài các nước khối xã hội chủ nghĩa cũ, Ngày Quốc tế phụ nữ còn được kỷ niệm ở cả một số nước phương tây, trong đó có Canada. Liên tục ba năm gần đây trước dịch Covid, năm nào tôi cũng tham gia lễ mit-tinh, gặp gỡ các bạn trong đại học Calgary nơi tôi đang làm nghiên cứu sinh và nghe diễn giả nhiều ngành nói về sự bất bình đẳng và vươn lên của phụ nữ.

Tôi nhận thấy, khi đối mặt với cơm áo gạo tiền, những bất lợi của phái nữ thể hiện rõ hơn. Ở Việt Nam nơi tôi sinh ra và lớn lên hay ở những nước được coi là tiến bộ, bất bình đẳng giới vẫn tồn tại dai dẳng dưới nhiều hình thức, đôi khi rất tinh vi.

Ngày của phái đẹp, tôi nhớ mẹ tôi và mẹ chồng tôi ở Việt Nam hơn bao giờ hết. Cả hai mẹ trải qua thời bom đạn và cuộc bao cấp chật vật, song đều giỏi việc nước đảm việc nhà. Họ một mình nuôi dạy đàn con khi một ông bố ốm bệnh, một ông bố đi bộ đội đằng đẵng.

Những lúc sóng gió khó khăn nhất trong cuộc sống của một phụ nữ nhập cư có hai con, vừa đi làm toàn thời gian, vừa đi học, gia đình bạn hữu ở xa nửa vòng trái đất, hai mẹ là động lực lớn nhất để tôi theo đuổi cuộc sống của chính mình mà không phải của ai khác ở xứ người.

Tôi biết không phải phụ nữ giỏi giang, thành công nào cũng được thừa nhận, yêu quý, thậm chí được trả lương ngang bằng nam giới làm công việc tương tự.

Thành công và được yêu quý vẫn luôn là thách thức của phụ nữ dù ở đâu. Nhưng không vì thế mà nhiều phụ nữ chúng tôi không ngừng bước tới.

Phạm Vân Trang