Thanh tra Chính phủ: Công bố kết quả thanh tra 3 vụ việc nghiêm trọng
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Về dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô Thanh Hoá, lúc đầu dự án dự kiến 350 tỉ đồng để xây dựng nhà máy với mục đích chuyển giao công nghệ sản xuất ô tô, tuy nhiên sau đó dự án này đã điều chỉnh lại là mua nguyên một nhà máy của Hàn Quốc, khiến cho tổng đầu tư lên tới trên 600 tỉ đồng. Tại cuộc họp báo, Phó Tổng thanh tra Chính phủ Mai Quốc Bình đã cho biết, qua thanh tra đã phát hiện nhiều sai phạm. Cụ thể việc thực hiện gói thầu đóng gói, toàn bộ máy móc, thiết bị máy móc ô tô Sam Sung mua tại Hàn Quốc, Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) đã trả thay cho nhà thầu hơn 386 triệu đồng. Trong đó bao gồm cả tiền chi phí bốc xếp tại cảng, nhưng khi thanh lý hợp đồng VEAM chưa giảm trừ. Sai phạm thứ hai là việc thực hiện gói thầu tháo gỡ nhà xưởng, giám sát tháo gỡ tại Hàn Quốc và giám sát lắp đặt tại Việt Nam, VEAM và Nhà thầu Công ty xây dựng và cơ khí ký 2 phụ lục hợp đồng giảm phần công việc giám sát tại Việt Nam, đồng thời giảm giá trị 13.000 USD nhưng lại chuyển số tiền này vào phần công việc thực hiện tại Hàn Quốc mà không phát sinh thêm công việc tại Hàn Quốc là không đúng với hồ sơ dự thầu, hợp đồng hai bên đã ký. Về gói thầu 2.4, qua kiểm tra khối lượng dự thầu ở một số hạng mục lớn hơn khối lượng thi công là 282,4 triệu đồng, không phù hợp với Thông tư 02 của Bộ Xây dựng.

Về xử lý trách nhiệm, thanh tra kiến nghị Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc và các cá nhân liên quan phải tổ chức kiểm điểm. Lãnh đạo Bộ Công nghiệp, nay là Bộ Công thương, liên đới chịu trách nhiệm về việc trình chủ trương, trong đó xác định tổng mức đầu tư chưa chính xác và chưa thẩm định dự án.

Thanh tra Chính phủ kiến nghị giao cho Bộ Công thương thẩm định dự án, chỉ đạo VEAM thực hiện kiểm toán các gói thầu trước khi quyết toán dự án; phối hợp với Bộ Xây dựng xem xét, xác định định mức, đơn giá đặc thù của dự án, làm cơ sở để thực hiện việc thanh quyết toán các khoản chi phí; giao Bộ Khoa học – Công nghệ thẩm định về công nghệ, đánh giá tác động môi trường của dự án; giao cho Bộ Công thương chỉ đạo VEAM xử lý các sai phạm về kinh tế.

Đối với dự án đầu tư nhà máy thép Phú Mỹ, qua thanh tra quá trình thực hiện Dự án, Công ty Thép Miền Nam và các đơn vị có liên quan đã có những thiếu sót và sai phạm: Sai phạm thứ nhất là Công ty Thép Miền Nam thực hiện việc lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi không đúng với quy định của Chính phủ làm tăng chi phí của dự án số tiền 1.401 triệu đồng. Trách nhiệm này thuộc Lãnh đạo Công ty Thép Miền Nam.

Sai phạm thứ hai là việc trình duyệt bổ sung Tổng mức đầu tư chưa được Chủ đầu tư tính toán, phân tích kỹ nên một số hạng mục bổ sung vào tổng mức đầu tư chưa sát với nhu cầu thực tế, có hạng mục đã phát sinh chi phí nhưng sau đó không thực hiện làm tăng tổng mức đầu tư, chậm tiến độ và lãng phí vốn của dự án như: Hệ thống cung cấp khí ga nhanh đã chi 809,301 triệu đồng. Việc điều chỉnh tổng mức đầu tư do nguyên nhân tăng giá thép chưa đủ cơ sở và không đúng thực tế cần xem xét loại ra khỏi tổng mức đầu tư đối với khối lượng thép không có biến động về giá trong tổng giá trị 33.041 triệu đồng. Trách nhiệm này thuộc Lãnh đạo và các cá nhân có liên quan của Công ty Thép Miền Nam.

Sai phạm thứ ba là trong công tác đấu thầu, Chủ đầu tư và nhà thầu chưa thực hiện đúng quy định về việc lập hồ sơ mời thầu và dự thầu; tiêu chuẩn đánh giá thầu và hồ sơ dự thầu của các nhà thầu chưa rõ ràng; không thực hiện việc trình duyệt danh sách ngắn các nhà thầu trước khi đấu thầu. Công tác chấm thầu chưa chính xác; điều chỉnh giá nhưng không giảm trừ giá trị xử lý nền trong xưởng cán số tiền 503,548 triệu đồng. Công nhận giá trúng thầu không đúng 63,724 triệu đồng và tính toán sai khối lượng thép từ D<18 với số tiền là 185,886 triệu đồng tại gói thầu số 28. Trách nhiệm đối với những thiếu sót và sai phạm trên thuộc lãnh đạo và cá nhân có liên quan của Tổng Công ty Thép Việt Nam, Công ty Thép Miền Nam và nhà thầu Danieli.

Sai phạm thứ tư là công tác thiết kế và thi công của các nhà thầu chậm và chưa chấp hành đúng trình tự quy định; bổ sung một số thầu phụ không được cấp có thẩm quyền phê duyệt; tiến độ thi công chậm so với quy định của hợp đồng từ 9 đến 21 tháng cần xem xét, xử lý đền bù thiệt hại cho chủ đầu tư với tổng số tiền là 174.926 triệu đồng. Trách nhiệm này thuộc Nhà thầu Danieli, Tổng Công ty Xây dựng đường thuỷ và Công ty Thép Miền Nam.

Các thiếu sót và sai phạm trong công tác nghiệm thu thanh toán qua thanh tra đã phát hiện như: thi công thiếu khối lượng so với hợp đồng, nghiệm thu thanh toán bổ sung khối lượng nạo vét Cảng sai quy định, đưa thiếu vật liệu vào thi công công trình… với tổng giá trị là 7.379 triệu đồng cần xử lý giảm trừ khi thanh quyết toán dự án và thu hồi nộp ngân sách Nhà nước khoản thuế VAT do chủ đầu tư thanh toán thay nhà thầu không đúng quy định là 9.525,998 triệu đồng.

Sai phạm thứ năm là việc sử dụng chi phí Ban quản lý dự án, Công ty Thép Miền Nam không duyệt dự toán chi tiêu hàng năm và trong quá trình thực hiện đã trích để chi vượt so với quy định là 354,528 triệu đồng.

Từ kết quả thanh tra nêu trên, Thanh tra Chính phủ kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ xem xét và chỉ đạo các cơ quan liên quan xử lý một số nội dung: Bộ Tài chính chỉ đạo xử lý thu hồi nộp ngân sách nhà nước khoản thuế VAT phần giá trị khối lượng phát sinh do các nhà thầu Việt Nam thực hiện là 9.525,998 triệu đồng; Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài Chính và Tổng Công ty Thép Việt Nam xem xét loại ra khỏi tổng mức đầu tư khoản tăng do biến động giá thép đối với giá trị khối lượng thép được Tổng Công ty Thép Việt Nam ký hợp đồng cung cấp cho các nhà thầu trước khi có biến động giá trong tổng giá trị đã điều chỉnh là 33.041 triệu đồng; Công ty Thép Miền Nam thực hiện giảm trừ khi thanh quyết toán công trình các khoản chi phí với tổng số tiền 33.041 triệu đồng; kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo Bộ Công thương, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan xem xét xử lý, xử phạt đối với các nhà thầu thi công chậm tiến độ và điều chỉnh một số chỉ tiêu vận hành nhà máy không đúng gồm: Nhà thầu Danieli là 170.766 triệu đồng và Tổng Công ty Xây dựng đường thuỷ là 4.160 triệu đồng; Tổng Công ty Thép Việt Nam thực hiện kiểm điểm và xử lý trách nhiệm các cá nhân và đơn vị có liên quan đến những thiếu sót và sai phạm qua thanh tra đã phát hiện theo quy định của pháp luật.

Đối với Tiểu dự án thủy lợi Nam Măng Thít: Mặc dù là “tiểu dự án” nhưng công trình thủy lợi Nam Măng Thít (Vĩnh Long, Trà Vinh) cũng đã xảy ra rất nhiều sai phạm gây thất thoát không nhỏ ngân sách Nhà nước. Qua thanh tra, đoàn thanh tra đã phải yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chủ đầu tư dự án xuất toán thu hồi hàng tỉ đồng.

Trong số đó có các khoản: 154 triệu đồng do áp dụng đơn giá sai trong phần khối lượng phát sinh gói thầu kè Cái Nhum; 509,5 triệu đồng do nghiệm thu, thanh toán lớn hơn thực tế; trên 1,96 tỉ đồng tiền bảo hiểm xây dựng công trình chủ đầu tư mua nhưng khi thanh toán chưa trừ vào giá trị nghiệm thu cho nhà thầu. Một khoản tiền khác lên tới trên 4,6 tỉ đồng do duyệt bổ sung biện pháp thi công đóng cừ đã có trong hồ sơ mời thầu và chi phí thi công tăng thêm 587 triệu đồng do phê duyệt bổ sung biện pháp thi công bảo đảm an toàn giao thông khi thi công kè Cái Nhum cao hơn thực tế. Khoản này đã được Thanh tra yêu cầu chủ đầu tư không được thanh toán cho nhà thầu. Cũng tại dự án này, một số gói thầu do thiết kế thiếu chính xác nên đã phải điều chỉnh bổ sung, việc bóc tách từ thiết kế có nhiều sai lệch dẫn tới khối lượng thừa 3,6 tỉ đồng và thiếu 4,36 tỉ đồng.

Thanh tra cũng đã làm rõ việc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chậm phê duyệt kết quả đấu thầu xây lắp gói thầu SS2, dẫn đến làm tăng giá trị gói thầu và làm thiệt hại cho Nhà nước số tiền 884,75 triệu đồng. Thanh tra kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo kiểm điểm nghiêm túc những cá nhân, đơn vị có liên quan.

Nguồn: CPV