Tháo gỡ khó khăn cho DN – Nhìn từ kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm 2013
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

6 tháng đầu năm 2013 đã qua đi, nhờ việc triển khai các giải pháp, chính sách hỗ trợ và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, nhất là các giải pháp trong Nghị quyết số 01/NQ-CP và số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ cũng như Nghị quyết các phiên họp của Chính phủ, nền kinh tế đã có những chuyển biến tích cực bước đầu: tăng trưởng GDP Quý II cao hơn Quý I; Sản xuất công nghiệp đã bắt đầu có chuyển biến, tồn kho giảm dần; Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục phát triển nhưng tốc độ chậm lại và còn nhiều khó khăn; Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đã được cải thiện và số doanh nghiệp giải thể có tốc độ tăng giảm dần so với cùng kỳ các tháng trước đó….

Như vậy, có thể thấy các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh đã dần phát huy tác dụng, niềm tin của nhà đầu tư vào nền kinh tế vĩ mô đã có những chuyển biến hơn. Tuy nhiên, ở hầu hết các ngành, các lĩnh vực đều còn rất nhiều khó khăn, thách thức. Vấn đề tồn kho, nợ xấu vẫn tiếp tục là mối lo ngại, ảnh hưởng trực tiếp tới dòng tiền của doanh nghiệp trong thời gian tới. Chính sách nới lỏng tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách hỗ trợ (miễn, giảm, gia hạn thuế) cho doanh nghiệp vẫn được nhìn nhận là chưa đạt được như kỳ vọng. Biến động tỷ giá và xu hướng lãi suất vẫn đang là mối quan tâm và là mối lo hàng đầu của doanh nghiệp.

Nhằm đánh giá lại thực trạng các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2013; đồng thời cung cấp thông tin dự báo, tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp nhận biết và tận dụng cơ hội kinh doanh trong 6 tháng cuối năm 2013, Báo Diễn đàn Doanh nghiệp – cơ quan của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam sẽ tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Tháo gỡ khó khăn cho DN – Nhìn từ kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm 2013”.

Khách mời tham gia chương trình bao gồm:

Ông Nguyễn Văn Phụng – Phó Vụ trưởng vụ chính sách thuế, Bộ Tài chính

Ông Nguyễn Văn Phụng hiện là Phó vụ trưởng vụ Chính sách thuế – Bộ Tài chính, một trong những chuyên gia cao cấp thuộc lĩnh vực Tài chính. Với 32 năm kinh nghiệm, có bằng Thạc sỹ tại Đại học Quốc gia Yokohama (Nhật Bản), ông đã tham gia xây dựng các đề án lớn như: Chiến lược Tài chính Quốc gia, Cải cách Tài chính công, Chiến lược cải cách hệ thống thuế, Hợp tác nghiên cứu chung giữa Bộ Tài chính Nhật Bản – Việt Nam về cải cách thuế, nhiều năm là đối tác làm việc với Phái đoàn đánh giá chính sách của IMF.

Ông tham gia xây dựng và triển khai thực hiện các đề án: Chính sách khuyến khích xã hội hoá, Pháp lệnh phí, lệ phí và các dự án luật thuế XNK, GTGT, TTĐB, TNDN, TNCN. Là báo cáo viên pháp luật tài chính, ông Phụng thường xuyên có bài viết phân tích, bình luận chính sách trên các báo, tạp chí phát hành trong và ngoài nước, tham gia giảng dạy tại các cơ sở đào tạo doanh nhân và cán bộ quản lý.

TS Lê Đăng Doanh – Chuyên gia kinh tế, Nguyên Viện trưởng Viện quản lý kinh tế Trung ương

Tiến sỹ Lê Đăng Doanh hiện nay là giảng viên và nghiên cứu viên kiêm chức của Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nôi, thành viên Hội đồng Khoa học, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung Ương (CIEM). Trước đó ông là thành viên hội đồng Viện Nghiên cứu Phát triển tại Hà Nội từ tháng 11 năm 2007 cho đến khi về Vien IDS tự giải thể ngµy 14 tháng 9 năm 2009. Trước khi về hưu năm 2007, ông là chuyên gia kinh tế cao cấp và cố vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Tiến sỹ Lê Đăng Doanh cũng là là tác giả của nhiều bài báo, ấn phẩm nghiên cứu trong các trường học và đóng góp nhiều bài viết nghiên cứu vê kinh tế Việt Nam.

Tiến sỹ Lê Đăng Doanh nhận được bằng tốt nghiệp loại ưu tại trường Đại học Leuna-Merseburg Đức. Sau đó ông theo học sau đại học tại Viện Hàn lâm kinh tế quốc dân Matxcơva và trường Đại học kinh tế quốc dân Hà Nội.

st1:*{behavior:url(#ieooui) }
Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong – Phó Vụ trưởng  – Phó Ban tuyên truyền lý luận báo Nhân Dân

Ông Nguyễn Minh Phong từng làm nghiên cứu sinh tiến sỹ kinh tế ở Viện nghiên cứu kinh tế và chính trị thế giới, thuộc Viện HLKH Liên Xô, ở Thủ đô Matxcova, với đề tài về Lạm phát.

Bảo vệ luận án và nhận bằng Tiến sỹ Kinh tế, chuyên ngành KTTG&QHKTQT xong, trở về nước năm 2006, TS Nguyễn Minh Phong chuyển sang làm phụ trách phòng nghiên cứu Tài chính Quốc tế -Viện Khoa học Tài chính – Bộ Tài chính cho đến cuối năm 1999 thì chuyển về làm Trưởng phòng nghiên cứu Kinh tế – Viện nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội. Từ tháng 4/2012 đến nay, TS Nguyễn Minh Phong về báo Nhân dân, với cương vị Phó Vụ trưởng – Phó Ban tuyên truyền lý luận.

Ông Trần Anh Tài – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư P.H


Ông Trần Anh Tài đã có hơn 15 năm kinh nghiệm trong ngành kinh doanh bất động sản, xây dựng dân dụng, công nghiệp, giao thông và thủy lợi. Ông Trần Anh Tài đã định hướng và lãnh đạo Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư P.H hoàn thành rất nhiều dự án trọng điểm của thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận đạt hiệu quả kinh tế cao và được đánh giá là một trong những đơn vị thành công đi đầu vượt qua những bất ổn của kinh tế toàn cầu và khó khăn nội tại của nền kinh tế Việt Nam trong những năm vừa qua.

Ông Nguyễn Đình Trung – Tổng giám đốc công ty cổ phần Đầu tư Kinh doanh Địa ốc Hưng Thịnh

Ông Nguyễn Đình Trung hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Kinh doanh Địa ốc Hưng Thịnh (Hung Thinh Corp). Sinh ra và lớn lên trong một gia đình khó khăn của vùng đất võ Bình Định, năm 1990, ông Trung vào Sài Gòn học và khởi đầu cho cuộc mưu sinh bằng nhiều công việc. Sau nhiều năm hợp tác cùng một số người bạn trong lĩnh vực môi giới bất động sản, nhận thấy được nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển, năm 2002, ông Trung chính thức thành lập Công ty Hưng Thịnh chuyên hoạt động trong lĩnh vực đầu tư xây dựng; kinh doanh bất động sản; nhà ở; kinh doanh dịch vụ khu du lịch: Nhà hàng; Khách sạn; Resort cao cấp….

Đến nay Hung Thinh Corp đã là chủ đầu tư của nhiều dự án lớn trải khắp cả nước, hình thành được 8 công ty thành viên, hoạt động thành một hệ thống khép kín trong chuỗi cung ứng bất động sản, từ đầu tư, thiết kế, xây dựng đến phân phối – tiếp thị dự án ra thị trường. Trong suốt 10 năm hình thành và phát triển, những sản phẩm mang thương hiệu bất động sản Hưng Thịnh luôn được đánh giá cao về chất lượng, đáp ứng đúng nhu cầu nhiều đối tượng và mang giá trị gia tăng cho người sở hữu, để cái tên Hưng Thịnh đến nay luôn đồng hành thân thiết trong tâm trí khách hàng và đối tác.

Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế còn nhiều khó khăn, ông Nguyễn Đình Trung vẫn tự tin và lạc quan: “Nếu có chiến lược đầu tư đúng đắn, bản thân thực sự kiên trì, tận tâm trong đầu tư, cung cấp thông tin tư vấn xác thực, mang lại nhiều lợi ích cho khách hàng thì sẽ nhận được thành công. Bởi thực tế thành công của khách hàng chính là thành công của doanh nghiệp”.

– Ông Hoàng Văn Quyết – Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư tài chính và Xây dựng Việt Nam

Ông Hoàng Văn Quyết tốt nghiệp Thạc sỹ Quản trị kinh doanh. Ông Quyết hiện là Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Tài chính và Xây dựng Việt Nam – VFCC. VFCC là công ty hoạt động trên các lĩnh vực Mua bán chuyển nhượng doanh nghiệp (M&A); Đầu tư tài chính; Đầu tư hệ thống nhà hàng; Xây dựng cơ bản; Đầu tư giải trí, truyền thông, du lịch-lữ hành quốc tế.

Công ty hiện có 2 thành viên: Công ty TNHH MTV Giải trí và Du lịch Việt Nam và Công ty TNHH MTV Nhà hàng Fasipan.

Đúng 14h, các chuyên gia kinh tế và đại biểu doanh nghiệp đã tới tham gia buổi Tọa đàm “Tháo gỡ khó khăn cho DN – Nhìn từ kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm 2013”.


Toàn cảnh buổi tọa đàm

Với vai trò chủ tọa buổi tọa đàm, ông Phạm Ngọc Tuấn – Tổng Biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp đặt câu hỏi cho các diễn giả. Ông Tuấn đặt vấn đề: Tiếp theo Nghị quyết 01/NQ và Nghị quyết 02 của Chính phủ, các bộ ngành đã có những đề án hỗ trợ DN phát triển sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng việc thực hiện các giải pháp này chưa thật sự như kỳ vọng. Còn nhìn nhận của các vị ?

TS Lê Đăng Doanh – Chuyên gia kinh tế, Nguyên Viện trưởng Viện quản lý kinh tế Trung ương :

Chính phủ đã có nỗ lực lớn trong việc thực hiện Nghị quyết 01/NQ và 02/NQ, trong các kỳ họp Chính phủ đều đưa vấn đề này ra bàn thảo. Bên cạnh đó, các bộ cũng có đề án, chỉ thị nhằm hỗ trợ triệt để cho DN. Như chúng ta đã biết, các biện pháp của Chính phủ đã và đang có kết quả bước đầu, điển hình như việc miễn giảm thuế, hoãn tiền thuê đất… Ở các địa phương, quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV cũng là một trong những hoạt động nhằm hỗ trợ DN. Tuy vậy, tôi cho rằng việc triển khai đề àn của các bộ chưa đồng đều. Ví dụ: Đề án giải quyết nợ xấu cho đến ngày 29/7 vừa rồi mới được khởi động. Gói tín dụng 30.000 tỷ trợ giúp thị trường BĐS có vẻ giải ngân cho DN nhanh hơn, nhưng việc trợ giúp tín dụng cho các cá nhân có nhu cầu mua thực lại khó khăn về thủ tục như phải có hợp đồng mua nhà mới được vay tín dụng, quy định về thu nhập thấp, nhiều yêu cầu xác nhận… triển khai chậm hơn. Tính đến nay, gói tín dụng mới giải ngân được 11 tỷ và mới chỉ có 56 hộ được nhận.

Bên cạnh đó, nhiều DN cũng phản ánh có tình trạng được yêu cầu “hỗ trợ” nhiều khoản như cơ quan A đề nghị trợ giúp đi nghỉ mát, cơ quan B đề nghị trợ giúp tổng kết 6 tháng, cơ quan C đề nghị trợ giúp xây trụ sở mới… Tôi cho rằng các bộ, các tỉnh nên có những giải pháp nhằm giảm bớt khó khăn cho DN. Bởi đã có nhiều DN phải cắt giảm lao động, lương, chi phí đến mức tối đa. 

TS Lê Đăng Doanh – Chuyên gia kinh tế, Nguyên Viện trưởng Viện quản lý kinh tế Trung ương
TS Nguyễn Minh Phong:

Nghị quyết 01- 02 và các đề án của nhiều bộ ngành đều tập trung vào việc giảm thiểu 3 gánh nặng cho DN: tài chính, lãi suất và thể chế hành chính. Đó là những hỗ trợ cần thiết, đúng đắn và cần được duy trì trong thời gian tới.

Tôi  đánh giá cao những hỗ trợ cho DN, trên thực tế chúng đã tạo một số hiệu ứng tích cực, nhiều DN đã quay trở lại hoạt động. 20% DN đã cảm nhận được những hỗ trợ tích cực từ những chính sách này, 25% DN cảm nhận được những cơ hội thị trường mới. Tuy nhiên trên thực tế, những hiệu ứng tích cực vẫn còn khiêm tốn do những hạn chế ngay từ mức độ, quy trình, đối tượng hỗ trợ, cũng như do nguyên nhân từ bản thân hạn chế của DN trong định hướng tái cấu trúc; cũng như trong bối cảnh thế giới còn nhiều khó khăn.

Hy vọng rằng, cùng với sự chuyển sáng của nền kinh tế thế giới cũng như nỗ lực mới từ DN, và sự triển khai trên thực tế những hỗ trợ về lãi suất, tín dụng… các DN sẽ có những chuyển hướng tích cực hơn từ cuối năm nay và đặc biệt rõ nét hơn sẽ vào giữa năm 2014.

Ông Nguyễn Văn Phụng – Phó Vụ trưởng Vụ chính sách thuế, Bộ Tài chính:

Phải nói rằng sản xuất kinh doanh là gốc của mọi vấn đề trong giải quyết tăng trưởng,việc làm và an sinh xã hội. Đây là công việc mà các bộ, ngành, địa phương đặc biệt quan tâm trong 6 tháng vừa qua khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 01, 02 của Chính phủ.

Các giải pháp thuế để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường giải quyết nợ xấu đã đáp ứng được yêu cầu của gần 90% DN trong toàn bộ nền kinh tế khi các giải pháp về giãn thuế, giảm tiền thuê đất, hoàn thuế bảo vệ môi trường, giảm lệ phí trước bạ theo Thông tư số 16 của Bộ Tài chính được thực hiện kịp thời và thống nhất trong cả nước…

Tuy nhiên, các giải pháp về thuế không thể thỏa mãn được nhu cầu của tất cả các DN vì có những DN lớn, DN vừa không được hưởng, hoặc được hưởng gói ưu đãi này thấp hơn mức mà họ mong muốn. Trong điều kiện toàn bộ nền kinh tế gặp khó khăn, tất cả các DN đều khó khăn nhưng trong điều kiện nguồn lực có hạn, Chính phủ đã chọn ra những DN khó khăn nhất đó là những DN có quy mô dưới 20 tỷ đồng nhưng là số đông, có đóng góp nhiều đối với vấn đề việc làm, thu nhập của người lao động thì sẽ được ưu tiên nhiều hơn. Còn những DN có quy mô trên 20 tỷ đồng thì được hưởng theo tiêu chí sử dụng nhiều lao động trong những lĩnh vực dệt may, da giày, xây dựng các công  trình hạ tầng kinh tế xã hội. Nghị quyết 01 và 02 đã đáp ứng được yêu cầu của đại bộ phận DN nhưng chưa thỏa mãn được tất cả các nhu cầu của tất cả các DN, đó cũng là điều dễ hiểu và chúng ta cần sự chia sẻ giữa nhà nước và DN trên nhiều giác độ.

Ông Hoàng Văn Quyết – Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư tài chính và Xây dựng Việt Nam :

Tác động triển khai các giải pháp của Chính phủ đang chậm. Đó là do các giải pháp còn mang nặng tính hành chính. Ngay như việc ra đời của VAMC, chủ trương được đưa ra từ rất lâu, nhưng việc triển khai còn nhiều hạn chế, và nhiều ý kiến tỏ ra lo lắng VAMC sẽ “thất nghiệp”.

Theo tôi, Chính phủ nên đơn giản các thủ tục hành chính đối với DN để tạo điều kiện cho DN triển khai tốt hơn các hoạt động của mình. Với tình hình này, phải đến tháng 6/2014 những DN trụ lại với thị trường mới có những bước phát triển và nền kinh tế cũng bước vào chu kỳ phát triển mới.


Ông Nguyễn Trí Tịnh – Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư P.H

Ông Nguyễn Trí Tịnh – Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư P.H:

Khả năng tiếp cận các nguồn lực, gói hỗ trợ, đặc biệt là tài chính đã được thuận lợi, dễ dàng hơn khi NQ 01 – 02 của Chính phủ đi vào thực tế. DN đã có khả năng tiếp cận tín dụng với lãi suất cho vay thấp hơn, từ 10 – 11%. Đây chính là điều kịên thuận lợi để các DN phát triển.

Ông Nguyễn Đình Trung – Tổng giám đốc công ty cổ phần Đầu tư Kinh doanh Địa ốc Hưng Thịnh :

Các chính sách này đến được với DN vẫn còn chậm. Ví dụ như gói hỗ trợ 30.000 tỷ, đến thời điểm hiện nay mới chỉ có 2 DN và 56 cá nhân được vay là quá chậm. Bộ Xây dựng và các cơ quan hữu quan, NH cần nghiên cứu thêm để chính sách thực sự phát huy hiệu quả. Riêng với DN BĐS, nên chăng cần có quy chuẩn để các DN xác định mình có thuộc nhóm đối tượng được hỗ trợ trong giai đoạn nay hay không. 


Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong – Phó Vụ trưởng, Phó Ban tuyên truyền lý luận báo Nhân Dân

Ông Phạm Ngọc Tuấn: Để tạo cầu cho nền kinh tế nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng 5,5% cho năm 2013, nhiều chuyên gia cho rằng trong 6 tháng cuối năm, chính sách điều hành cần ưu tiên hơn nữa cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Có nghĩa là chúng ta phải “sưởi ấm” nền kinh tế bằng cách tăng thêm tổng cầu để kích thích tăng trưởng. Nhưng tăng đầu tư công cũng đang là bài toán rất khó ?

Ông Nguyễn Văn Phụng:

Tôi cho rằng việc “sưởi ấm” nền kinh tế bằng cách tăng thêm tổng cầu là một trong những biện pháp kích thích tăng trưởng. Trong số đó, tăng đầu tư công là một trong những biện pháp quan trọng. Nhưng trong bối cảnh hiện nay thì việc tìm ra được nguồn lực tài chính để bảo đảm cho việc giải ngân đầu tư công là một bài toán khó.

Ông Phạm Ngọc Tuấn: Tiến độ cải cách và cơ cấu lại DN nhà nước được cho là hết sức chậm chạp sau hai năm kể từ ngày Chính phủ phê duyệt chủ trương và lộ trình cải cách đã tác động không nhỏ đến chương trình cải cách cơ cấu kinh tế. Vì sao ?

Ông Nguyễn Văn Phụng:

Tiến trình cải cách và cơ cấu lại DN nhà nước hết sức chậm chạp nhưng chúng ta cần phải nhìn và hiểu rõ những khó khăn của khu vực này khi DNNN phải đảm nhiệm những lĩnh vực, những hoạt động kinh doanh mà các DN dân doanh không thể làm. Chúng ta cũng tính đến việc đầu tư ngoài ngành của khối DN nhà nước cần phải thoái vốn nhưng không phải vì thế mà thực hiện thoái vốn bằng mọi giá. Chúng ta cần phải đảm bảo rằng nguồn lực của nhà nước, nguồn lực của xã hội không thể bị thất thoát thông qua việc tái cơ cấu cho nên vừa phải có những giải pháp đột phá nhưng cũng phải có các làm phù hợp, thận trọng và phù hợp với điều kiện cụ thể của nền kinh tế nước ta.

Ông Phạm Ngọc Tuấn:

Không thể phủ nhận tác dụng tích cực của các biện pháp chính sách thông qua công cụ thuế (miễn, giảm, giãn thời gian nộp thuế). Tuy nhiên, rõ ràng các biện pháp này cũng chưa thể nói là đã đủ để giúp các DN vực dậy sau những khó khăn vừa qua. Theo các ông, cần có thêm những giải pháp nào khác?

Ông Nguyễn Văn Phụng – Phó Vụ trưởng vụ chính sách thuế, Bộ Tài chính (giữa)

Ông Nguyễn Văn Phụng:

Như tôi đã trao đổi ở trên, trong điều kiện nền kinh tế khó khăn, thu ngân sách nhà nước sẽ có sự sụt giảm nhưng các nhu cầu chi tiêu của quốc gia không thể cắt giảm, do đó các giải pháp về giãn thuế, giảm thuế, giảm tiền thuê đất, giãn nộp tiền sử dụng đất, giảm các mức phí và lệ phí theo tinh thần Nghị quyết 02 của Chính phủ và Thông tư số 16 đã thể hiện sự cố gắng và chia sẻ rất lớn của Quốc hội, Chính phủ đối với cộng đồng DN. Tôi cho rằng, để có thể giúp DN tiếp tục vượt qua khó khăn thì chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm thiểu các thủ tục không cần thiết, thực hiện minh bạch các quy định về chính sách và quy trình thủ tục để DN có thời gian bớt được các chi phí xã hội không cần thiết, trên cơ sở đó cộng đồng DN có được động lực, có niềm tin để tập trung đẩy mạnh sản xuất kinh doanh và có thể đóng góp vào ngân sách nhà nước trong điều kiện đang có các chính sách giãn, hoãn thuế và các khoản phải nộp khác.

Ông Phạm Ngọc Tuấn:

Theo các chuyên gia, việc triển khai chậm trễ các chương trình cải cách cơ cấu làm suy giảm niềm tin của các nhà đầu tư và tiếp tục tác động tiêu cực tới triển vọng tăng trưởng. Vậy theo ông, chương trình tái cơ cấu nền kinh tế cần được đẩy mạnh như thế nào?

Ông Lê Đăng Doanh:

Hội nghị 3 của Ban chấp hành TƯ ngày 15/10/2011 đã quyết định chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao hiệu quả năng lực cạnh tranh năng suất lao động thay vì tăng trưởng dựa vào vốn. Hội nghị đã chỉ ra 3 lĩnh vực ưu tiên cần tái cấu trúc, đó là tái cấu trúc các tập đoàn kinh tế, các TCty nhà nước, tái cấu trúc hệ thống NHTM, tái cấu trúc đầu tư công. Đến nay, Chính phủ đã ban hành đề án tài cấu trúc nền kinh tế, đề án tái cấu trúc ngân hàng đang được thực hiện gắn liền với giải quyết nợ xấu.

Ngoài ra, lĩnh vực nông nghiệp cũng cần tái cấu trúc cơ bản. Nông nghiệp sau nhiều năm là “trụ cột” bảo đảm an toàn lương thực, đóng góp tốt cho xuất khẩu, thì hiện nay tốc độ tăng trưởng nông nghiệp đã giảm sút, đời sống người nông dân gặp khó khăn, đầu ra của nông nghiệp gặp. Để thực hiện các nhiệm vụ đó cần phải chọn ra các nhiệm vụ trọng điểm. Còn nhớ, khi cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt chỉ đạo thực hiện đường dây 500 Kv, ông đã đến tận công trường, yêu cầu thực hiện quyết liệt. Tôi nghĩ, vấn đề tái cấu trúc hiện nay còn phức tạp việc thực hiện đường dây 500 Kv thời đó. Sau tái cơ cấu, sẽ có DN phát triển lên nhưng cũng có các DN phải từ bỏ một số ngành nghề, vì vậy tư duy của các bộ, các DN cũng phải có sự thay đổi. Trong tình hình đó, cần phải tập trung vào các nhiệm vụ trọng điểm, chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên báo cáo với Chính phủ, với nhân dân tiến độ thực hiện…

Nếu làm được như vậy, tôi nghĩ rằng niềm tin sẽ được khôi phục và VN sẽ thực hiện được chuyển đổi mô hình tăng trưởng có hiệu quả, tăng trưởng bền vững, đảm bảo mọi người đều được tham gia vào tăng trưởng kinh tế, từ người nông dân đến người lao động đều được hưởng lợi.


Ông Nguyễn Trí Tịnh – Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư P.H

Ông Nguyễn Trí Tịnh:

Quá trình tái cấu trúc là cần thiết để phát triển nhằm hướng tới phát triển bền vững. Ở khía cạnh DN, việc tìm ra một giải pháp tốt nhất về quản lý thị trường tài chính nhằm đem lại hiệu quả, phát triển sản xuất kinh doanh thì đấy là giải pháp tái cấu trúc DN. Trong giai đọan này, là DN chúng tôi phải định hướng thị trường sao cho chi phí thấp nhất. Theo tôi, việc hỗ trợ thị trường BĐS trong đó có gói 30.000 tỷ là một gói chính sách rất đúng là trúng.

Ông Phạm Ngọc Tuấn:

Các ông nhìn nhận thế nào về cơ hội và định hướng cho DN từ nhiệm vụ tái cơ cấu mà Chính phủ đã đặt ra?

Ông Hoàng Văn Quyết:

Tái cấu trúc không phải là bỏ đi hay “giết chết” một tập đoàn, một công ty hay một mô hình kinh tế. Nhưng tư duy của chúng ta đang có những sai lầm nằm ở vấn đề điều hành và giám sát. Theo tôi, việc tái cấu trúc DN đặc biệt là DN nhà nước là hết sức cần thiết; trong đó cần tập trung tái cấu trúc cả nền nông nghiệp. Chúng ta có nguồn lực rất lớn từ một nền kinh tế nông nghiệp nhưng lại chưa phát huy được những lợi thế đó. Trong khi đó lại phát triển DN lại tập trung vào các lĩnh vực bất động sản và tài chính.

Tôi cho rằng, thực trạng của nền kinh tế Việt Nam vẫn chưa thể trở thành một cường quốc về tài chính. Chính phủ cần đưa ra những chính sách quan tâm nhiều hơn tới tái cấu trúc nền nông nghiệp, tập trung nguồn lực, ứng dụng công nghệ cao thì sẽ có sự phát triển bền vững.


Ông Nguyễn Đình Trung – Tổng giám đốc công ty cổ phần Đầu tư Kinh doanh Địa ốc Hưng Thịnh

Ông Phạm Ngọc Tuấn:

Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia mới đây cho rằng, để phấn đấu đạt mức tăng trưởng kinh tế khoảng 5,5%, cần đẩy mạnh hơn nữa chi tiêu đầu tư công thông qua việc phát hành trái phiếu chính phủ cho các dự án lớn đang thiếu vốn; sớm giải quyết nợ đọng xây dựng cơ bản 94.000 tỉ đồng cho các DN, đẩy nhanh tốc độ chi đầu tư ngân sách nhà nước vào những công trình trọng điểm quy mô lớn, những dự án có kế hoạch sớm hoàn thành trong năm 2013 và có thể hoàn thành trong năm 2014. Quan điểm của ông về ý kiến này ?

Ông Nguyễn Minh Phong:

Trong bối cảnh trước mắt thì tăng đầu tư công là cần thiết để tạo động lực tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, đây không phải là giải pháp bền vững, vì thế, chỉ nên thúc đẩy dự án đầu tư công đang nằm trong kế hoạch chứ không phải tăng theo kiểu bất chấp hậu quả, bị chi phối bởi lợi ích nhóm và tư duy nhiệm kỳ, đặc biệt tăng đầu tư công theo kiểu… “in tiền” để đầu tư. Việc nâng cao hiệu quả đầu tư công và tạo cơ hội cho đầu tư tư nhân mới thực sự là lối thoát lâu dài.

Ông Lê Đăng Doanh:

Hiện sức mua của người dân đang ở mức thấp nhất trong 13 năm. Tiền lương của người lao động được tính theo giá thóc, giá gạo cũng không tăng lên nhiều lắm. Vấn đề hiện nay là phải tăng sức mua của người dân, tăng tính hấp thụ của nền kinh tế. Hơn nữa, không chỉ sắt, thép, xi măng được đưa vào diện tồn kho mà ngay cả bia cũng… tồn kho. Theo tôi được biết, ở các thành phố xuất hiện rất nhiều nhà hàng treo biển “uống bia thả cửa” để nhằm kết hợp bán bia với bán thức ăn. Vì thế, tôi cho rằng phải rất thận trọng với việc tăng cung. Cần tăng đầu tư công một cách có chọn lọc, có trọng điểm với việc giám sát một cách chặt chẽ, nâng cao hiệu quả, tránh đầu tư công theo kiểu một nhà vệ sinh bé tí tẹo mà có giá những 600 triệu đồng. Điều kiện tiên quyết để có thể giải quyết được tình hình hiện nay là phải cân đối cung cầu. Theo tôi, cần đẩy mạnh tăng cầu xã hội, tăng sức mua của người dân, đầu tư công có trọng điểm với sự giám sát mạnh mẽ.

Hiện nay, chúng ta đang cố gắng tăng tín dụng. Theo tôi việc tăng trưởng tín dụng về số lượng không quan trọng bằng tăng chất lượng tín dụng và hiệu quả tín dụng. Vấn đề là phải cân đối cung cầu, tăng cầu cho nền kinh tế chứ không phải là tăng cung bằng bất cứ giá nào.


TS Lê Đăng Doanh – Chuyên gia kinh tế, Nguyên Viện trưởng Viện quản lý kinh tế Trung ương đang phát biểu tại buổi tọa đàm

Ông Phạm Ngọc Tuấn:

Đại diện cho tiếng nói của DN, ông Hoàng Văn Quyết có thể chia sẻ về chính sách thuế đối với doanh nghiệp?

Ông Hoàng Văn Quyết:

Theo tôi, các giải pháp về thuế đưa ra vừa qua là một sự cố gắng của Chính phủ, tuy nhiên, nhiều DN còn đặt câu hỏi: giảm thuế DN là tốt nhưng với những DN đã không có lợi nhuận thì việc giảm có tác dụng gì.

Tôi muốn nêu một vấn đề: Tại sao có nhiều doanh nghiệp ma mua bán hóa đơn đến thế? Đó là từ thực tế và là phản ứng từ phía doanh nghiệp khi mà thuế thu nhập DN vẫn giữ mức cao. Theo tôi nên giảm thuế thu nhập DN xuống nữa, rơi vào khoảng 15% thì hợp lý.

Hiện tại, tự chúng ta đang tạo ra cơ chế hành chính cồng kềnh gây áp lực cho DN. Để đảm bảo cho sự cạnh tranh, thu đủ và thu đúng thuế thì việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp là một yêu cầu cấp bách.

Ông Nguyễn Đình Trung :

Tôi kiến nghị Nhà nước nên kiểm soát việc thu thuế, tăng lượng thu, giảm mức thu nhằm đảm bảo công bằng cho DN nói chung, vừa tạo điều kiện cho DN làm ăn vừa tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Theo tôi biết, có nhiều DN kinh doanh khách sạn du lịch lượng thu nhiều nhưng hóa đơn không có. Vấn đề ở đây vẫn là làm sao để đảm bảo công bằng. Tôi cũng kiến nghị trong khó khăn như hiện nay, nên có mức thu hợp lý, giảm tỷ lệ thu thuế cho DN.  

Về thuế BĐS, tôi thấy một số cơ quan thuế ở các quận huyện ở TP HCM thu thuế không nhất quán, khi thì thu 2%, khi thì thu 25% trên chứng từ gốc, nhưng hình như cơ bản, cơ quan thu thuế luôn chọn cách an toàn nhất là thu thuế ở mức cao nhất. 

Trong tình hình bất động sản suy thoái và giá xuống như hiện nay, việc áp mức thu thuế đó vô hình chung tạo cho người tiêu dùng tâm lý ức chế và không muốn tham gia đầu tư vì đầu tư kiểu gì cũng lỗ, không lỗ vì giá xuống thì cũng lỗ vì thuế.

Ông Lê Đăng Doanh:

Lộ trình hội nhập quốc tế của chúng ta đang đến gần. Năm 2015, chúng ta thực hiện đầy đủ cam kết về Hiệp định Thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc. Năm 2015, chúng ta cũng đang hướng tới một cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC). Các DN VN sẽ phải cạnh tranh trên một mặt bằng giá cả chung trên thị trường trong nước và ngoài nước. Trong tình hình đó, nếu mức thuế ở nước ta cao hơn các nước trong khu vực, chi tiêu ngân sách của VN cao hơn mức chi tiêu của các nước khác thì hội nhập và khả năng cạnh tranh của DN VN sẽ gặp khó khăn. Theo tôi, cần phân tích tác động hội nhập để từ đó có mức chi ngân sách như các nước khác, mức thuế tương đương với khu vực thì DN mới có thể cạnh tranh được.

Phần thu ngoài thuế các DN đang phản ánh là một số thu rất lớn đối với DN. Như một DN đã thống kê, họ có đến 100 địa chỉ gọi điện, viết thư đến đề nghị, yêu cầu họ phải đóng góp chỗ này, chi tiêu chỗ kia. Tôi đề nghị phải giảm mức chi tiêu ngoài thì các DN mới có thể cạnh tranh được.


Ông Hoàng Văn Quyết – Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư tài chính và Xây dựng Việt Nam

Ông Hoàng Văn Quyết:

Hiện có quá nhiều áp lực và có quá nhiều thủ tục cho DN khi đi nộp thuế. Mỗi cán bộ hướng dẫn một kiểu gây rất nhiều khó khăn cho DN. Do đó, cơ quan thế cần có những văn bản hướng dẫn cụ thể cho DN, cho các cán bộ hướng dẫn để tạo điều kiện thuận lợi cho DN thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm của mình.

Ông Phạm Ngọc Tuấn: 

Lãi suất giảm nhưng doanh nghiệp vẫn không thể vay để sản xuất. Đây đang là một nghịch lý của nền kinh tế. Vậy làm thế nào để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp lúc này?

Ông Lê Đăng Doanh:

Chúng ta phải ghi nhận NHNN đã rất tích cực trong việc giảm lãi suất huy động. Hiện nay, lãi suất đã giảm nhiều, có ngân hàng đã giảm xuống mức 5%. Như vậy, xét với tình hình lạm phát ở nước ta, lãi suất huy động đã được giảm mạnh mẽ, tuy nhiên, chúng ta vẫn phải chờ xem tình hình lạm phát từ nay đến cuối năm diễn ra như thế nào để bảo đảm lãi suất thực dương và tiền tiết kiệm gửi vào ngân hàng ổn định.

Thực tế, NHNN trước nay chỉ giảm lãi suất huy động chứ không giảm lãi suất cho vay, chưa có lãi suất trần. Theo tôi, NHNN có lý do nhất định để làm việc này vì vốn huy động là vốn được huy động với nhiều mức lãi suất khác nhau trong quá khứ, cho nên không thể bắt các NHTM giảm ngay lãi suất cho vay. Song, chúng ta có thể hi vọng nếu lãi suất tiết kiệm được giảm ổn định trong khoảng 3 tháng thì NHNN có thể quy định lãi suất cho vay bằng lãi suất huy động +3% hay một mức lãi suất nào đó. Lãi suất liên tục giảm nhưng số tín dụng cấp cho DN lại không tăng lên một cách tương ứng. Qua 6 tháng, mức tín dụng mới tăng 4,5%, trong khi lạm phát đã tăng 2,4%. Câu hỏi đặt ra lúc này là, bài toán tín dụng không chỉ phụ thuộc vào lãi suất mà cần có nỗ lực khác, đó là nợ xấu của các DN, của NH. NH phải có tỷ lệ bảo hiểm nhất định trên tổng mức nợ xấu của họ. Với nợ xấu của DN: Một DN kinh doanh nhiều ngành, nhiều lĩnh vực có thể có lĩnh vực có lãi, có nhu cầu vay vốn, nhưng lại đang nợ đọng về BĐS hay một lĩnh vực nào đó mà chưa giải quyết được. Để giải quyết vấn đề này, quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV được sự phối hợp bảo lãnh của Hiệp hội DN cùng xem xét, giải quyết. Hiện nay, mức tín dụng đang được cấp quá thấp để thúc đẩy tăng trưởng. Tôi hi vọng, chúng ta sẽ có giải pháp đồng bộ để khơi thông dòng chảy tín dụng, giúp các DN giải quyết khó khăn, thực hiện được các hợp đồng mà họ đã ký.

Nguyễn Minh Phong:

Có 3 lý do để giảm được và 5 lý do không giảm được:

3 lý do

Thứ 1, NH có thể huy đọng được với lãi suất từ  5 – 6 %.

Thứ 2, 1/3 vốn gửi ngân hàng  là vốn gửi thanh toán thường không thời hạn, lượng này có thể dùng để cho vay.

Thứ 3, NH có thể phát triển dịch vụ khác để tăng thu, bù lại phần giảm lợi nhuận do giảm lãi suất cho vay.

5 lý do để khó hạ lãi suất cho vay

Thứ 1, những áp lực về lãi cao và lợi nhuận cao mà các ngân hàng thương mại nhất là ngân hàng cổ phần phải chịu.

Thứ 2, áp lực chi phí nuôi dưỡng bộ máy ngân hàng.

Thứ 3, dịch vụ của ngân hàng đơn điệu, không hấp dẫn, kém cạnh tranh,

Thứ 4, nợ xấu lớn, khiến các ngân hàng e ngại cho vay.

Thứ 5, bản thân các doanh nghiệp chưa tạo lòng tin và thiếu đảm bảo vay lãi suất thấp.

Ông Nguyễn Trí Tịnh:

Lãi suất là vấn đề quan tâm hàng đầu của DN. Với tỷ lệ ổn định của lạm phát như hiện nay, ngân hàng còn có dư địa để giảm lãi suất. DN mong muốn ngân hàng giảm thêm lãi suất để có thể giảm được chi phí cho khách hàng.

TS Nguyễn Minh Phong
Ông Phạm Ngọc Tuấn:

Thực tế đã chứng minh rất nhiều bài học đắt giá cho các nhà đầu tư BĐS, ông có thể chia sẻ một số lời khuyên dành cho các nhà đầu tư muốn tham gia vào thị trường này?

Ông Nguyễn Đình Trung:

Với kinh nghiệm làm BĐS từ những năm 2000, tôi thấy các nhà đầu tư VN đã trải qua các đợt sóng năm 2003, 2007 nên đã có  nhiều kinh nghiệm hơn. Họ cũng như con chim sợ cành cây cong nên đang rất e dè, cẩn trọng. Điều đó là đúng bởi trước nay họ đã đầu tư với một số sai lầm như tham gia đầu tư theo số đông, tập trung đầu tư vào phân khúc cao cấp không phù hợp tình hình kinh tế và nhu cầu chung của thị trường. 

Quan điểm của tôi là các nhà đầu tư nên xác định sản phẩm xem có phù hợp với nhu cầu không? Bản thân Hưng Thịnh khi phát triển các dự án cũng luôn dựa trên tiêu chí đầu tiên là xác định nhu cầu của thị trường, nghiên cứu kỹ nhu cầu về địa lý, phân khúc sản phẩm. Với các nhà đầu tư, theo tôi đã đầu tư là xác định cùng tham gia sản xuất, mà số tiền đầu tư vào BĐS là rất lớn. Thực tế những năm 2007, có lúc trong một tuần lễ mà một sản phẩm địa ốc tăng giá tới 10-15%. Mong muốn mức tăng trưởng như vậy là một sai lầm. Tôi cho rằng lúc nào cũng có cơ hội cho các nhà đầu tư địa ốc nhưng phải xác định khu vực, vị trí địa lý, nhu cầu của thị trường và đừng đòi hỏi một độ tăng trưởng mạnh ngay trong ngắn hạn. Nhiều khi chúng ta phải xác định đầu tư là tích lũy để đón đầu cơ hội. 


Ông Nguyễn Đình Trung – Tổng giám đốc công ty cổ phần Đầu tư Kinh doanh Địa ốc Hưng Thịnh

Ông Phạm Ngọc Tuấn:

Dưới góc nhìn của mình, ông đánh giá thế nào về xu hướng thị trường bĐS trong thời gian tới? 

Ông Nguyễn Đình Trung:

Tôi nhận thấy thị trường rất trông chờ gói tín dụng 30.000 tỷ nhưng hiện nay đang có rất ít DN được hưởng tín dụng từ gói này nên các DN đã bình tĩnh trở lại. Một số DN tự xác định mình không thuộc đối tượng được hỗ trợ gói tín dụng này nên đã chuẩn bị đưa sản phẩm về mức giá cạnh tranh với những sản phẩm được hưởng gói này. Tôi nhận thấy một số DN có hệ thống sàn giao dịch lớn đã chuẩn bị đưa ra một lượng sản phẩm với giá thành cạnh tranh, khoảng dưới 15 triệu đồng/m2. Đây là mức giá khá ổn. Ngoài ra, mới đây Bộ Xây dựng cũng đã có Công văn hướng dẫn chỉ tiêu kiến trúc áp dụng cho công trình nhà ở cao tầng số 1245/BXD-KHCN, trong đó quy định các chủ đầu tư muốn phát triển các dự án nhà ở thương mại thì cứ trên 100m2 diện tích nhà ở thì phải bố trí tối thiểu 20m2 làm chỗ để xe. Như vậy thì chắc chắn giá thành sẽ đội lên. Và cũng vì viễn cảnh của các dự án tương lai có thể phải lên giá theo quy định này, thì mức giá của các sản phẩm thương mại hiện nay là hợp lý cho người mua. Đây có lẽ là thời điểm đáy của BĐS phân khúc căn hộ trung bình.   

Ông Phạm Ngọc Tuấn:

Các DN đang than phiền về việc hoàn thuế GTGT trong 40 ngày với nhiều thủ tục nhiêu khê khiến các DN phải chờ đợi. Ông Phụng đã nghe điều này chưa và theo ông vấn đề này cần phải giải quyết từ đâu?

Ông Nguyễn Văn Phụng: 

Chúng ta đã và đang kiên quyết xóa bỏ khoản thu ngoài thuế, ngoài luật, và việc này chúng ta nhận được sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị. Nếu DN nào, địa phương nào, cá nhân nào lấy danh nghĩa cơ quan nhà nước để đòi hỏi DN phải đóng góp ngoài quy định của pháp luật thì phải đấu tranh việc này, DN kiên quyết không nộp những khoản không có trong quy định của luật pháp và DN phải ủng hộ nhà nước trong việc đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực này.

Về cơ bản, tôi cũng đồng tình với các diễn giả về việc chúng ta phải có mức thuế hợp lý, có thể cạnh tranh với các nước trong khu vực có điều kiện tương đồng. Đành rằng doanh nghiệp có lãi thì người ta mới nộp thuế thu nhập nên mức thuế cao hay thấp chỉ là một phần vấn đề nên chúng ta cần tính đến các chi phí được trừ để tính ra số thu nhập để tính thuế.

Vừa qua, Luật thuế thu nhập DN đã được Quốc hội thông qua với nhiều nội dung thay đổi, tạo thuận lợi cho DN về thuế suất và chi phí được trừ, về ưu đãi thuế,… tôi không tán thành ý kiến của ông Quyết nêu ra là hiện nay thuế cao nên DN trốn thuế nhiều. Trước đây, chúng ta có mức thuế 32%, rồi giảm xuống 25% và tới đây xuống 22% và 20%; Hóa đơn ngày xưa do nhà nước in và bán cho DN, bây giờ cho DN tự in, giờ doanh nghiệp lại kêu khó khăn quá vì gặp phải DN ma làm ra hóa đơn gian lận. Rõ ràng là trong môi trường có quá nhiều DN được thuận lợi trong in ấn hóa đơn nên cho dù có hạ xuống mức thuế xuống thấp hơn nữa nhưng nếu như DN có ý đồ muốn gian lận hì họ vẫn gian lận bằng mọi cách nên chúng ta phải đồng hành với những DN làm ăn chân chính và cơ quan nhà nước để xóa bỏ hóa đơn ma, xóa bỏ việc buôn bán hóa đơn để trốn thuế. Cần áp dụng công nghệ thông tin và sự phối hợp giữa các cơ quan để cùng nhau bảo vệ DN làm ăn chân chính, như vậy môi trường kinh doanh sẽ tốt hơn và số DN có lãi thực để nộp thuế sẽ tăng lên.


Ông Nguyễn Văn Phụng – Phó Vụ trưởng vụ chính sách thuế, Bộ Tài chính

Ông Phạm Ngọc Tuấn:

Về quy trình nộp các khoản thuế liên quan đến đất đai?

Ông Nguyễn Văn Phụng:

Tôi rất chia sẻ với ý kiến của bạn đọc vì quy trình nộp các khoản thuế liên quan đến đất đai nó rất phức tạp. Lâu nay ta thường quan niệm nhầm, người ngồi ở bộ phận 1 cửa là cơ quan thuế nhưng thực ra nơi đây là cơ quan liên ngành, bao gồm cơ quan quản lý cấp quận huyện về đất đai, văn phòng UBND cấp huyện, cơ quan thuế chỉ tính được thuế khi thông tin về hồ sơ giao dịch đất đai được chuyển đến từ bộ phận một cửa.

Đối với DN, quy trình nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất có khác với cá nhân trên cơ sở về hồ sơ đất đai khi được TP quyết định giao đất, cho thuê đất được chuyển đến bộ phận 1 cửa, từ đó tính ra số tiền phải nộp.

 Khi được bộ phận một cửa liên ngành thẩm định xác định vị trí đất đai, diện tích đất, bảng giá đất, đề xuất đơn giá một mét vuông đất, sau đó chuyển vào cơ quan thuế để tính ra số tiền phải nộp. DN muốn đến thẳng cơ quan thuế để nộp cũng không được mà cần phải làm đúng quy trình theo quy định của các văn bản liên quan đến đất đai.

Ông Phạm Ngọc Tuấn:

Biến động tỷ giá là một trong những mối quan tâm và lo hàng đầu của DN. Ông có thể dự báo về biến động này cho những tháng cuối năm?

Ông Lê Đăng Doanh:

Tỷ giá của VNĐ đã có biến động mạnh cho đến năm 2012. Năm 2013, thống đốc NHNN hứa sẽ điều chỉnh tỷ giá trong biên độ 3%. Vừa qua, NHNN đã điều chỉnh tỷ giá theo biên độ 1%, điều này khiến giá xăng, dầu, giá sữa và giá các mặt hàng nhập khẩu đã tăng lên tương ứng. Theo một chu trình, đầu vào của ngành này sẽ là đầu ra của ngành kia, điều này đẩy lạm phát lên. Tuy vậy, cần lưu ý mức lạm phát nội địa khá cao. Năm 2012, tỷ lệ lạm phát bình quân cả năm là 9,2%, trong khi tỷ giá chỉ biến động khoảng 4%. Như vậy VNĐ đã cao giá hơn so với USD, gây khó khăn cho các nhà xuất khẩu. Cộng từ năm 2008 đến nay, VNĐ đã cao giá hơn so với USD khoảng 30%. Đây là gánh nặng của các DN xuất khẩu. Từ nay đến cuối năm 2013, với tình hình XNK như hiện nay, hi vọng thống đốc NHNN sẽ giữ được lời hứa thay đổi tỷ giá chỉ ở 3%. Song mức 3% có tương đương với lạm phát thị trường trong nước không? Nếu lạm phát trong nước cao hơn tỷ giá sẽ gây bất lợi cho xuất khẩu. Các DN cần phải xem xét cụ thể từng đồng tiền. Ví dụ: Đồng Yên Nhật đã mất giá 25%. Nếu vay bằng Yên thì DN sẽ rất có lợi vì dễ dàng trả nợ, nhưng nếu xuất khẩu vào Nhật bản thì lại khó khăn hơn vì giá vào thị trường Nhật Bản lại tăng lên do đồng Yên mất giá. Các DN cần phải tính toán rất kỹ đồng tiền, tỷ giá, phương thức thanh toán để giảm rủi ro. Về tỷ giá, tôi nghĩ VNĐ trong 2013 sẽ ổn định chứ không có biến động lớn.

Ông Phạm Ngọc Tuấn:

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khó khăn, các thị trường xuất khẩu truyền thống bị cạnh tranh gay gắt, phải chăng việc khai phá các thị trường xuất khẩu mới là lối thoát duy nhất cho DN xuất khẩu hiện nay, thưa ông ?

Ông Lê Đăng Doanh:

Thị trường thế giới hiện nay đang có nhiều biến động. Ở Châu Âu một loạt nước đang tăng trưởng âm. Cụ thể, Hy Lạp, Tây Ban Nha đang tăng trưởng âm, Pháp tăng trưởng bằng 0. Trong tình hình tỷ lệ thất nghiệp tăng, người dân vẫn phải chi tiêu cho những mặt hàng thiết yếu của cuộc sống hàng ngày như thịt, cá, quần áo… Vì vậy, những mặt hàng không phải là thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày như giường, tủ, … nếu không có sự thay đổi, cải tiến thì DN sẽ rất khó bán. Những mặt hàng này nếu muốn xuất khẩu phải tìm đến, khai phá các thị trường khác. Thị trường Trung Đông là thị trường mà DN có thể hướng tới. Hiện, có DN ở TP HCM chuyên sản xuất khăn trùm, mũ cho các nước Trung Đông và xuất khẩu khá tốt. Đối với thị trường khác như Châu Phi, nếu DN có quan hệ tốt có thể xuất khẩu các mặt hàng nông sản. Từ nay đến 2015, nếu chúng ta ký kết được Hiệp định kinh tế đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) thì chúng ta có thể xuất khẩu được rất lớn. Hiện các DN đầu tư nước ngoài đã đón đầu được cơ hội này và đã xuất khẩu sang các nước TPP.

Ông Nguyễn Minh Phong:

TPP là một trong các hình thức FTA và TPP như một trong những lối thoát đặc biệt trước những bế tắc của vòng đàm phán Doha. Việc thông qua TPP và các FTA khác sẽ tạo cơ hội cho DN VN tăng cường xuất khẩu, giảm các tranh chấp và các ngăn cản bất bình đẳng đồng thời tạo cơ hội cho DN di chuyển sản xuất ra nước ngoài, từ đó tạo ra những lợi thế kinh doanh và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.


Đúng 16h30 buổi tọa đàm kết thúc. Ông Phạm Ngọc Tuấn đã gửi tới các chuyên gia kinh tế, các diễn giả tham dự buổi tọa đàm lời cảm ơn chân thành từ Ban Tổ chức.

Nhóm PV
Nguồn: Báo Điện tử Diễn đàn doanh nghiệp