Tháo gỡ vướng mắc về đất đai
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Lại được bán nền nhà
      
Theo Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên, hiện nay, việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất chỉ được thực hiện nếu có đủ 4 căn cứ. Trong đó có yêu cầu bắt buộc nhà đầu tư phải có “lý lịch tốt” là “chấp hành tốt pháp luật về đất đai”. Theo đó, người xin giao đất, thuê đất phải có ý kiến của Sở TN và MT về chấp hành pháp luật về luật đất đai đối với diện tích đất đã được giao, cho thuê để làm căn cứ cho Sở TN và MT nơi doanh nghiệp, cá nhân đang xin thuê đất xem xét giao và cho thuê. Quy định này, theo Bộ TN và MT, gây khó khăn vì nhiều địa phương đã thực hiện cơ chế một cửa. Việc tuân thủ căn cứ trên còn phụ thuộc vào lĩnh vực khác như đầu tư, xây dựng, quy hoạch, tư pháp… Vì vậy, Bộ TN và MT đề nghị bỏ căn cứ này, thay vào đó chuyển sang chế độ “hậu kiểm”. 
      
Hiện nay, doanh nghiệp chỉ được chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong thực hiện dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh nhà ở khi đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng theo dự án hoặc đã hoàn thành đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng theo dự án đã duyệt. Tuy nhiên, trước khi ban hành quy định này, nhiều địa phương đã giao đất cho chủ đầu tư kinh doanh nhà ở với quy mô lớn và dàn trải phát triển theo hạ tầng là chủ yếu. Điển hình là các khu đô thị mới quy mô rất lớn ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Nhưng đến nay, dù nhu cầu nhà ở rất lớn, giá nhà, đất, căn hộ tăng chóng mặt nhưng dự án vẫn giẫm chân tại chỗ. Thậm chí, dù nhiều chủ đầu tư đã huy động vốn vay ngân hàng và tiền đóng góp của người đăng ký mua nhà nhưng vẫn không đủ khả năng tài chính để thực hiện theo tiến độ. Nếu không tháo gỡ thì nguy cơ nhiều chủ đầu tư không thể thực hiện được, ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng, người đã ứng tiền mua nhà, Bộ TN và MT nhận định. Vì lẽ đó, Bộ đã đề nghị sửa đổi với nhiều nội dung thông thoáng như UBND các tỉnh, thành phố được quyết định việc thực hiện dự án xây dựng nhà ở để bán, cho thuê, thực hiện dự án xây dựng nhà ở theo hình thức phân lô, bán nền hoặc trực tiếp giao đất cho hộ gia đình, cá nhân để tự xây nhà theo quy hoạch.
      
Tương tự, quy định sắp tới cho phép tổ chức kinh tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài sử dụng đất thực hiện dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh nhà ở để bán, cho thuê được phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với diện tích đất đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng theo dự án được duyệt; được phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức bán nền mà chưa xây dựng nhà ở đối với dự án không thuộc danh mục các khu đô thị không được phép xây lô, bán nền do Chính phủ quy định. Trường hợp dự án nhà ở có dự án thành phần thì chủ đầu tư được phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất sau khi đã hoàn thành từng phần của dự án. Đặc biệt, chủ đầu tư nếu không thể tiếp tục thực hiện dự án thì được chuyển nhượng quyền sử dụng đất sau khi đã hoàn thành giải phóng mặt bằng và thực hiện các nghĩa vụ tài chính. 
      
UBND cấp huyện thực hiện thu hồi đất 
      
Theo kết quả điều tra về quy hoạch treo do Bộ TN và MT tiến hành thì ngoài quy hoạch, khâu giải phóng mặt bằng cũng treo tới trên 31.000 ha đất. Trong khi đó, đang có 3.852 đơn thư khiếu tố của dân về bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do quy định nhà đầu tư phải tự thỏa thuận giá đền bù, hỗ trợ tái định cư. 
      
Để giải quyết tình trạng treo nói trên, đồng thời tạo điều kiện để doanh nghiệp sớm có mặt bằng sản xuất, xây nhà ở, Bộ TN và MT đề nghị sửa đổi Nghị định 84/2007 theo hướng: UBND cấp huyện thực hiện việc thu hồi đất, giao đất hoặc cho thuê đất đối với dự án phát triển kinh tế khi có các điều kiện: Dự án có diện tích 1 ha trở lên; Có vốn đầu tư trong nước trên 100 tỷ đồng; dự án nằm trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước xét duyệt. Trường hợp đất dự án thuộc diện nhà nước thu hồi mà nhà đầu tư muốn tự thỏa thuận giá đền bù với người bị thu hồi đất, sau 90 ngày mà vẫn còn người diện bị thu hồi đất không đồng thuận về giá thì UBND có thẩm quyền sẽ quyết định thu hồi. Đối với đất xen kẽ trong khu đô thị thì nhà đầu tư tự thỏa thuận để nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư. Trường hợp không thỏa thuận được mà dự án nằm trong quy hoạch đô thị thì Nhà nước sẽ hỗ trợ bằng việc ra quyết định thu hồi đất. 
     
 Ngay cả quy định về việc hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp bị thu hồi trên 30% diện tích đất nông nghiệp trong trường hợp không được nhà nước bồi thường đất nông nghiệp tương ứng… cũng được điều chỉnh lại theo 3 cách: Giao đất sản xuất kinh doanh dịch vụ phi nông nghiệp; Giao đất ở có thu tiền sử dụng đất tại khu tái định cư hoặc hỗ trợ bằng tiền. 
      
Đặc biệt, về trình tự thủ tục thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng (theo các điều từ 49 đến 62 của Nghị định 84/2007) cũng được thu gọn từ hơn 10 trình tự, thủ tục xuống còn 3 bước: Nộp và xét duyệt hồ sơ xin sử dụng đất; quyết định giao đất; thực hiện phương án bồi thường. 
      
Những quy định thông thoáng trên, theo một chuyên gia về nhà đất, sẽ góp phần giải quyết tình trạng quy hoạch treo, thiếu nhà, sốt đất và mặt bằng sản xuất hiện nay.

Nguồn: Báo Người Đại biểu nhân dân