Thắt chặt quản lý hoạt động của văn phòng đại diện
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Ngày 28-10, Bộ Công thương đã tổ chức hội thảo tại TPHCM, dưới sự hỗ trợ của Dự án EU-Việt Nam MUTRAP III, để lấy ý kiến nhằm sửa đổi Nghị định 72/2006/NĐ-CP về việc thành lập và hoạt động của các văn phòng đại diện (VPĐD) và chi nhánh của thương nhân nước ngoài.

Tạo thuận lợi

Theo ông Phạm Sỹ Chung, hàm vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công thương), VPĐD của thương nhân nước ngoài đã có nhiều đóng góp cho xuất nhập khẩu tại Việt Nam thông qua hoạt động xúc tiến thương mại. Cụ thể, trong năm 2010, kim ngạch xuất khẩu và gia công thông qua các văn phòng đại diện thương nhân nước ngoài chiếm 17,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu 71,6 tỉ đô la Mỹ của cả nước.

Tuy nhiên, trong thực tế, vẫn có những lỗ hổng về pháp luật, mà theo ông Chung, cần được bổ sung. Việc thành lập và hoạt động của VPĐD thương nhân nước ngoài ở một số lĩnh vực như dịch vụ y tế, xây dựng,… chẳng hạn, chưa được quy định cụ thể trong bất kỳ văn bản pháp luật nào, nên thương nhân nước ngoài không biết liên hệ với ai để xin cấp phép thành lập VPĐD, ông Chung cho biết.

Do đó, có đề xuất rằng, nên mở rộng phạm vi điều chỉnh của Nghị định 72 là hoạt động thương mại, tức bao gồm cả mua bán hàng hóa và thương mại dịch vụ, thay vì chỉ quản lý hoạt động mua bán hàng hóa như hiện nay.

Ngoài ra, theo Nghị định 72, chi nhánh (của thương nhân nước ngoài) do địa phương quản lý, nhưng Bộ Công thương cấp phép, nên khi chi nhánh có những điều chỉnh, như địa chỉ, thì phải gửi ra bộ để cấp phép, gây khó khăn cho doanh nghiệp, theo ông Nguyễn Thanh Sơn, phó trưởng phòng thị trường và thương nhân nước ngoài (Sở Công thương TPHCM). Ông Sơn đề nghị cho phép địa phương được quyền cấp giấy phép thành lập chi nhánh.

Siết chặt quản lý

Những sửa đổi sắp tới về quy định liên quan đến hoạt động của văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài dự kiến cũng sẽ siết chặt quản lý hoạt động của văn phòng đại diện do hiện có nhiều do nhiều vi phạm liên quan đến VPĐD.

Theo ông Sơn (Sở Công thương TPHCM), tại TPHCM có 2.378 văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài. Tuy nhiên, trong năm 2010, đã có 145 văn phòng đại diện bị phạt tiền tổng cộng 2,15 tỉ đồng, trong đó vi phạm thường xuyên nhất là thu lợi bất hợp pháp, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin và dịch vụ.

Theo Nghị định 72, VPĐD có nhiệm vụ xúc tiến thương mại hỗ trợ công ty mẹ, không được thực hiện hoạt động sinh lợi trực tiếp tại Việt Nam, không được ký kết, sửa đổi hợp đồng nếu không có giấy ủy quyền của thương nhân nước ngoài. Tuy nhiên, thực tế, có những VPĐD thuê xưởng may hàng ngàn mét vuông, có bộ phân tạo mẫu đầy đủ và hoạt động như một công ty may mặc.

Hay, có VPĐD của Mỹ sử dụng con dấu vuông tự làm để ký kết 70 hợp đồng với doanh nghiệp Việt Nam. Ngoài ra, do Nghị định 72 không giới hạn số lượng lao động tại VPĐD, nên có nhiều VPĐD đã thuê nhiều lao động phổ thông từ nước ngoài với mức lương 100-200 đô la Mỹ/tháng. Hay, có VPĐD không nộp báo cáo hoạt động, có VPĐD chỉ hiện diện bằng việc thuê đường dây điện thoại và fax, thay vì có cơ sở hoạt động.

Theo đó, ông Phạm Đình Thưởng, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Công thương) đề xuất siết chặt quản lý hoạt động của VPĐD, như tăng chế tài, tức nếu có vi phạm sẽ phạt tiền và thu hồi giấy phép hoạt động hoặc giãn thời gian cấp phép cho VPĐD, thay vì chỉ phạt từ 10-15 triệu đồng như hiện nay.

Ngoài ra, ông Chung, cũng đề xuất quy định số người nước ngoài làm việc tại chi nhánh không quá 5 người, và làm việc trong VPĐD không quá 10 người. Ông Sơn cũng đề nghị, Sở Công thương chỉ cấp phép với điều kiện VPĐD phải có cơ sở đàng hoàng, chứ không chỉ có điện thoại, hay máy fax.

Trong khi đó, theo luật sư John Downes, chuyên gia dự án MUTRAP III, ngoài việc sửa đổi, hoàn thiện luật pháp, thì việc thực thi luật mới là vấn đề quan trọng. Ngoài ra, việc sửa đổi này phải làm sao tạo môi trường kinh doanh tốt cho thương nhân nước ngoài, thay vì tạo thêm khó khăn và gánh nặng thủ tục hành chính, vì một khi họ mở VPĐD tức là muốn làm ăn với doanh nghiệp Việt Nam hoặc tìm hiểu thị trường để đầu tư.

Sắp tới Bộ Công thương sẽ thông báo đến các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, công bố trên trang web, và tiếp tục lấy ý kiến thương nhân, trong quá trình sửa đổi Nghị định 72.

Theo số liệu thống kê của các sở công thương, hiện ở TPHCM có 2.378 văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài, Hà Nội có 1.495, Quảng Ninh có 7.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online