Thắt chặt tăng trưởng tín dụng
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Ngăn ngừa lạm phát

Năm 2009, khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến nền kinh tế nhiều nước trong đó có Việt Nam. Từ tháng 4, kinh tế thế giới đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, kinh tế có dấu hiệu phục hồi. Tuy nhiên, thị trường tài chính tiền tệ quốc tế vẫn biến động bất thường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Do chịu những tác động tiêu cực của kinh tế thế giới, cán cân thương mại và cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Cùng với đó, những khó khăn, yếu kém của nội tại nền kinh tế và thiên tai, dịch bệnh liên tiếp xảy ra càng làm cho tình hình kinh tế-xã hội của nước ta thêm khó khăn.

Theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam phải đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức mới sau khủng hoảng như bong bóng tài sản do giá hàng hóa, bất động sản tăng nhanh; nợ khó đòi gia tăng; thâm hụt ngân sách lớn ở nhiều quốc gia khiến lạm phát có nguy cơ quay trở lại… Do đó, mục tiêu tăng trưởng tín dụng phải hết sức thận trọng, vừa đảm bảo phục vụ đủ nhu cầu vốn cho nền kinh tế, vừa ngăn ngừa được lạm phát.

Hoạt động của hệ thống tín dụng đảm bảo an toàn

Theo đánh giá của NHNN, hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) Việt Nam đảm bảo an toàn, ổn định và có bước tăng trưởng khá, năng lực tài chính và quy mô hoạt động tăng lên. Khả năng thanh khoản của hệ thống được đảm bảo, đáp ứng đủ nhu cầu thanh toán của nền kinh tế.

Tính đến hết tháng 10-2009, vốn chủ sở hữu của toàn hệ thống các TCTD tăng 31,09%, tổng tài sản tăng 26,49%, chênh lệch thu-chi tăng 53,09% so với cuối năm 2008; dư nợ xấu của toàn hệ thống chiếm 2,2% tổng dư nợ cho vay, cao hơn so với năm ngoái (nợ xấu năm 2008 ở mức 2,17%). Qua thanh tra, kiểm tra, NHNN đã phát hiện và yêu cầu các TCTD khắc phục kịp thời tồn tại, sai phạm trên một số lĩnh vực như quản trị, điều hành, kiểm toán nội bộ, bảo lãnh, cho vay hỗ trợ lãi suất… Đồng thời, đề xuất sửa đổi một số nội dung chưa phù hợp trong cơ chế chính sách, tạo thuận lợi cho hoạt động của các TCTD.

Việc nới lỏng chính sách tiền tệ, đặc biệt là thực hiện cơ chế hỗ trợ lãi suất trong năm 2009 khiến tổng phương tiện thanh toán và dư nợ tín dụng đang ở mức cao. Điều đó ảnh hưởng lớn tới khả năng kiểm soát lạm phát và ổn định lãi suất thị trường. Cùng với đó là tốc độ tăng trưởng nguồn vốn huy động thấp hơn tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng gây khó khăn cho các tổ chức tín dụng trong việc cân đối vốn.

Trước những diễn biến phức tạp của tình hình kinh tế-xã hội, NHNN cho biết, trong năm tới sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt theo nguyên tắc thị trường. Đồng thời, cũng sẽ có những điều chỉnh nhằm hoàn chỉnh thể chế về tiền tệ và hoạt động ngân hàng.

Hạn chế đối với lĩnh vực phi sản xuất

Các chuyên gia kinh tế nhận định rằng, diễn biến của lãi suất trong năm 2010 sẽ phức tạp và có xu hướng tăng, nhiều dấu hiệu cho thấy lạm phát đang “rình rập”. Đặc biệt là, chỉ số CPI tháng 12 so với tháng 11 tăng cao, Hà Nội tăng 1,6%, TP Hồ Chí Minh tăng 1,2% và trung bình cả nước là 1,38%. Khả năng chỉ số này tiếp tục tăng trong 2 tháng tới cũng đã được các chuyên gia dự báo.

“Với mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức 6,5% thì tăng trưởng tín dụng ở mức 25% theo định hướng của NHNN là khó khả thi. Thực tế cho thấy, năm 2009 tăng trưởng GDP ở mức 5,2% mà tăng trưởng tín dụng đã ở mức 37,73%”, ông Phạm Quyết Thắng – TGĐ Ngân hàng Dầu khí toàn cầu (GPBank) nhận định.

Ông Thắng cũng cho rằng, tăng trưởng tín dụng ở mức 25% là  mục tiêu được đặt ra cho toàn ngành ngân hàng nên có thể sẽ có sự điều tiết. Ngân hàng có quy mô nhỏ thì tốc độ tăng trưởng có thể cao hơn so với các ngân hàng có quy mô lớn. Trước mắt các NHTM sẽ thực hiện theo định hướng này và có thể kiến nghị điều chỉnh nếu trong quá trình thực hiện có nhiều khó khăn phát sinh.

Điều đáng lo ngại là nguy cơ lạm phát đến từ nhiều hướng, trong đó cung tiền chỉ là một phần. Trong khi đó, giá cả hàng hóa, nguyên vật liệu có nhiều biến động và có chiều hướng tăng cao. Ông Cao Sỹ Kiêm -Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa cho rằng: “Hạn chế cung tiền cho nền kinh tế hậu khủng hoảng có thể khiến doanh nghiệp hụt hơi khi đang lấy lại đà phục hồi, tăng trưởng. Trong khi việc hạn chế này chưa chắc đã có tác dụng cao nhằm chống lạm phát”.

NHNN cho biết, trong năm tới sẽ tập trung tín dụng và tạo điều kiện hỗ trợ cho các nhu cầu vay vốn trong hoạt động sản xuất, xuất khẩu, nông nghiệp và phát triển nông thôn, hạn chế tín dụng đối với các nhu cầu vốn ở các lĩnh vực phi sản xuất.

Hùng Anh
Nguồn: Báo Điện tử An ninh thủ đô