Thêm cơ hội hợp tác đầu tư giữa doanh nghiệp Việt Nam – Ấn Độ
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Trong những năm vừa qua, quan hệ thương mại Ấn -Việt tăng nhanh chóng, từ trên 1 tỷ USD năm 2006 tăng lên 2,8 tỷ USD năm 2010, và đặc biệt trong 9 tháng năm 2011, tổng kim ngạch thương mại song phương đạt 2,7 tỷ USD (tăng 43% so với cùng kỳ năm trước). Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Ranjit Ran cho biết, Ấn Độ luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam sang đầu tư, hợp tác thương mại tại Ấn Độ. Hiện tại đã có một số doanh nghiệp Việt Nam mở các văn phòng đại diện của Việt Nam tại Ấn Độ, đây cũng là một điều tích cực; nhiều công ty dược phẩm của Việt Nam có nhiều hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu sang Ấn Độ. Thực tế, nhiều tập đoàn Đa quốc gia của Ấn Độ và các doanh nghiệp Ấn Độ muốn tăng cường hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực bưu chính viễn thông và máy móc cơ khí chế tạo. Trong tương lai, nhà máy sản xuất thép hợp tác 5 triệu USD có thể mọc lên ở Việt Nam. Rồi ngân hàng Exibank Việt Nam – Ấn Độ sẽ được thành lập để tạo điều kiện trong xuất nhập khẩu hàng hóa.

Để thúc đẩy hơn nữa quan hệ đầu tư giữa hai nước cần tăng cường hoạt động xúc tiến đầu tư của Ấn Độ vào Việt Nam trong các lĩnh vực mà Ấn Độ có thế mạnh, nhất là lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp phần mềm, công nghiệp điện, điện tử. Mặt khác, cần đẩy mạnh đầu tư từ Việt Nam vào Ấn Độ thông qua đại diện ngoại giao tại Ấn Độ bằng hình thức hội thảo, diễn đàn trao đổi thông tin của doanh nghiệp, kinh nghiệm quản lý, xúc tiến và kêu gọi đầu tư của hai nước hoặc tổ chức các đoàn. Theo Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Đoàn Duy Khương, trên cơ sở những bước tiến, nỗ lực lớn mà hai nước đã đạt được trong thời gian qua, với tiềm năng và nỗ lực của hai bên, quan hệ kinh tế giữa hai nước sẽ có bước tiến triển mới, Việt Nam tạo điều kiện cho Ấn Độ đầu tư vào Việt Nam, các lĩnh vực Ấn Độ đang quan tâm gồm: khai thác khoáng sản, dệt may, hóa chất, công nghệ thông tin, từ đó sẽ tìm kiếm các nhà đầu tư mới nhằm tăng cường hợp tác thương mại đem lại lợi ích cho cả hai bên.

Cơ hội hợp tác sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu giữa hai nước là rất lớn. Hai nước Việt Nam – Ấn Độ đã đặt ra mục tiêu đưa tổng ngạch thương mại song phương lên 7 tỷ USD vào năm 2015. Do vậy sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp ngay lúc này là cần thiết hơn bao giờ hết. Chủ tịch Hiệp hội Giao thương của Ấn Độ Nayan Patel cho biết, một tin vui cho cộng đồng doanh nghiệp là Vietnam Airlines sẽ mở đường bay thẳng từ TP Hồ Chí Minh sang thành phố Mumbai, tạo điều kiện giao thương, xuất nhập khẩu thuận lợi, giảm rất nhiều thời gian và chi phí cho doanh nghiệp hai nước. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam nên tận dụng lợi thế về những mặt hàng nông sản bằng cách nâng cao giá trị gia tăng qua chế biến để có thể xuất khẩu nhiều hơn sang thị trường Ấn Độ.

Thị trường Việt Nam đang hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Ấn Độ, các chính sách thu hút doanh nghiệp nước ngoài sang đầu tư cũng rất thông thoáng. Đặc biệt là các khu công nghiệp, khu chế xuất có nhiều chính sách ưu đãi doanh nghiệp nước ngoài nói chung và doanh nghiệp Ấn Độ nói riêng như về phí thuê đất, đầu tư cơ sở hạ tầng, đường điện, trường trạm đầy đủ. Một số doanh nghiệp trong nước cũng mạnh dạn, năng động thuê những mặt bằng để gọi mời các doanh nghiệp của Ấn Độ vào thành lập các khu công nghiệp sản xuất tập trung của họ.

Cơ hội hợp tác đầu tư – thương mại giữa Việt Nam – Ấn Độ là rất lớn, vấn đề là doanh nghiệp hai nước khai thác những lợi thế này ra sao để thúc đẩy sản xuất – kinh doanh và xuất nhập khẩu giữa hai thị trường tiềm năng này.

Xuân Lan
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân