Thép tăng giá do đầu cơ!
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Hiện nay, giá thép bán lẻ của các đại lý tại Hà Nội và các tỉnh lân cận lên đến 15 triệu đồng/tấn, nhưng với giá này, các cửa hàng cũng không có nhiều hàng để bán. Trong khi đó, giá bán của các đơn vị sản xuất và liên doanh với Tổng công ty Thép Việt Nam chỉ từ 11.230.000 đến 12.350.000 đồng/tấn. Thực tế, thép có khan hiếm hay không và mức chênh lệch rất lớn giữa giá bán trên thị trường và giá của các đơn vị thuộc Tổng công ty Thép sẽ gây ra tình trạng gì?

Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Tiến Nghi – Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam – cho biết, chỉ có thép cuộn là thực sự khan hiếm, vì thời gian qua, nhiều DN trong nước đã tạm ngừng hoặc tiết giảm sản lượng do không cạnh tranh được với thép cuộn NK từ Trung Quốc. Giá phôi thép cuộn NK thường cao hơn phôi thép cây khoảng 7- 10 USD/tấn và không phải dây chuyền nào cũng cán được thép cuộn. Trong khi đó, giá thép cuộn NK từ Trung Quốc lại thấp hơn so với sản xuất trong nước khoảng 100.000 đồng/tấn, vì vậy thép cuộn sản xuất trong nước thường bị lỗ. Tính đến hết tháng 12/2007, thép cuộn NK từ Trung Quốc khoảng 500.000 tấn, gấp hơn 3 lần so với năm 2006 (150.000 tấn). Tuy nhập nhiều nhưng do các DN trong nước giảm hoặc ngừng sản xuất nên không đáp ứng được nhu cầu cầu sử dụng thép cuộn cả nước trên 2 triệu tấn, điều này gây ra tình trạng khan hiếm hàng. Nhưng đối với thép cây thì khác. Các DN sản xuất không giảm sản lượng mà ngược lại, còn tăng so với 2006. Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam, hết tháng 12/2007, các DN thuộc hiệp hội sản xuất trên 360.000 tấn, tăng khoảng 60.000 tấn so với tháng trước và giá bán ra chưa DN nào quá 12 triệu đồng/tấn.

Như vậy, hiện tượng giá thép tăng cao như hiện nay là giá ảo và nguồn cung hạn hẹp là do đầu cơ thép gây ra. Do có nhiều thông tin dự báo, năm 2008, giá phôi thép sẽ lên tới trên 700 USD/tấn và thép thành phẩm cũng có xu hướng tăng do các nguyên liệu đầu vào như quặng sắt sẽ tăng giá 30%/tấn, than mỡ tăng 20% và dầu mazút (nhiên liệu cho ngành luyện thép) cũng tăng giá, như vậy tất yếu giá thép sẽ còn tăng. Chính vì vậy, các DN đã đẩy mạnh đầu cơ thép với hy vọng thời gian tới sẽ lãi lớn.

Có thông tin cho biết, hiện nay một số DN thương mại đã tích trữ tới vài vạn tấn thép đợi giá tăng cao mới bán ra. Thực tế, tại một số DN sản xuất thép, rất nhiều khách hàng là những công ty thương mại đã đặt và trả tiền trước với số lượng hàng nghìn tấn.

Do thực hiện nhiệm vụ bình ổn giá thép, nên các DN thuộc Tổng công ty Thép như: Thép Thái Nguyên, Thép Miền Nam… đang bán ra với giá thấp hơn các DN khác khoảng 300.000 đồng/tấn. Vì thế, thép của các đơn vị này đang trở thành mục tiêu săn lùng của nhiều công ty thương mại, đại lý đang đẩy mạnh mua vào. Bởi vì, cứ mua được 1 tấn thép Thái Nguyên hay thép Miền Nam đã có lãi ngay ít nhất là 300.000 đồng. Nhiều ý kiến cho rằng, việc bán giá thấp như vậy không mang lại lợi ích cho người tiêu dùng mà chỉ làm lợi cho trung gian và gây thêm nhiều tiêu cực trong kinh doanh thép. Tổng công ty Thép Việt Nam đã phải chỉ đạo các DN thành viên hạn chế bán thép cho các công ty thương mại mà trực tiếp bán đến chân công trình.

Nguồn: Báo Thương mại