Thị trường chứng khoán Việt Nam: Xu hướng tăng có bền vững?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Liên tục tăng giá trong 8 phiên gần đây, ngày 2/7, chỉ số Vn-Index đã đạt 419,29 điểm sau thời gian giảm sâu dưới ngưỡng 400 điểm. Sức cầu vẫn rất mạnh trong khi đó sức cung lại giảm đột ngột. Tâm lý lạc quan vẫn áp đảo trên thị trường chứng khoán tập trung của Việt Nam.

Vượt qua thế giằng co, thị trường chứng khoán có chuỗi ngày tăng điểm. Các nhà đầu tư đã hướng sự quan tâm trở lại với sàn chứng khoán, song họ vẫn băn khoăn liệu rằng xu hướng tăng có bền vững?

Thời gian qua, thị trường chứng khoán Việt Nam đã giảm quá nhiều, từ hơn 900 điểm vào hồi đầu năm 2008 xuống dưới 400 điểm như vừa qua và là thị trường giảm nặng nề nhất châu Á. Người ta xác định thị trường chứng khoán Việt Nam mất tới 60% giá trị so với thời điểm cao nhất . Song các yếu tố kinh tế vĩ mô quan trọng của Việt Nam vẫn được duy trì ở mức rất tốt. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), xuất khẩu đứng ở mức cao kỷ lục, nhập khẩu và lạm phát đều có dấu hiệu giảm (trong tháng 6 chỉ tăng ở mức 2,14% – mức thấp nhất từ đầu năm trở lại đây), dự trữ ngoại hối ở mức cao với hơn 20 tỷ USD, sự can thiệp của cơ quan quản lý đã cơ bản bình ổn tỷ giá USD trên thị trường tự do… Trước đó, một loạt thông tin tích cực đã đến với thị trường. Đó là các bản báo cáo đầy lạc quan về triển vọng lâu dài của kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng của các định chế tài chính lớn trên thế giới như WB, HSBC, Swiss Credit…

Hồi đầu tháng 6, nhiều chuyên gia đã nhận định, chỉ số P/E trung bình của các ngành cơ bản như dịch vụ, viễn thông, công nghệ thông tin, hàng tiêu dùng, vật liệu cơ bản, công nghiệp, đầu tư tiện ích công…của Việt Nam đều thấp hơn so với Thái Lan, Trung Quốc và so với thị trường mới nổi trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Theo đó, các ngành đầu tư tiềm năng là ngân hàng, dược phẩm, nguyên vật liệu cơ bản, thực phẩm và nước giải khát, tiện ích công (điện, nước)…Bởi, những ngành này ít bị ảnh hưởng của lạm phát và việc tăng giá nguyên vật liệu đầu vào. Cổ phiếu ngân hàng có tiềm năng phát triển và khả năng phục hồi nhanh nhất sau khi vượt qua thời gian khủng hoảng.

Trong khi nhiều nhà đầu tư vẫn đang đợi chờ xu thế chắc chắn của thị trường để mua vào thì các phân tích cơ bản cho thấy, rất nhiều cổ phiếu đảm bảo được tiêu chí an toàn, hiệu quả, tăng trưởng cao khi đầu tư vào thời điểm này nếu đạt được một trong các tiêu chí: cổ phiếu có giá trị dưới giá trị sổ sách, có chỉ số sinh lời trên vốn chủ sở hữu đạt trên 20%; cổ phiếu có chỉ số giá trên thu nhập trên mỗi cổ phiếu thấp, có chỉ số sinh lời trên vốn chủ sở hữu cao, cổ phiếu có cổ tức cao. Nếu thuộc các ngành tiềm năng hiện nay như dược phẩm và cao su lại càng hấp dẫn. Trong báo cáo của VinchiCapital – một công ty quản lý quỹ có trụ sở tại TP. HCM nhận định: mặc dù thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn đang đối mặt với nhiều bất ổn nhưng đây lại là cơ hội hiếm hoi thứ 2 để mua cổ phiếu. Công ty quản lý quỹ PXP Vietnam Asset Management thì cho rằng, các điều kiện kinh tế của Việt Nam ít nghiêm trọng hơn những gì mà giới quan sát thị trường nhận định trong vài tháng trước đây. Theo PXP, áp lực lạm phát có thể suy giảm từ tháng 8, trong khi đó, thâm hụt thương mại cũng sẽ giảm từ tháng 7 sau khi những chính sách tiền tệ thắt chặt có hiệu lực. Tất cả các yếu tố trên, cùng với sự suy giảm kéo dài của thị trường chứng khoán trong hơn 1 năm qua đã là một lực đẩy khá mạnh kéo giá chứng khoán trên cả 2 sàn Hà Nội và TP.HCM hồi phục mạnh mẽ. Mới đây, hai công ty chứng khoán hàng đầu là công ty chứng khoán Bảo Việt và công ty chứng khoán Sài Gòn phát đi thông điệp khẳng định: thị trường chứng khoán Việt Nam đang là cơ hội đầu tư hấp dẫn. Trên các sàn giao dịch chứng khoán, cơ hội “lướt sóng” xuất hiện khiến các nhà đầu tư đã tự tin hơn đem tiền nộp vào tài khoản. Lợi nhuận từ lướt sóng sau ba phiên lớn hơn nhiều lãi suất tiền gửi tiết kiệm sau một tuần, thậm chí 1 tháng, nên lãi suất tiết kiệm dù cao nhưng cũng không ngăn được nhà đầu tư chuyển bớt tiền sang chứng khoán.

Hiện, Chính phủ cũng đang nỗ lực triển khai thực thi các chính sách kiềm chế lạm phát, có thể phải đến quý III, quý IV, những chính sách này mới có tác động và cải thiện nền kinh tế. Do vậy, theo nhận định của nhiều người, thị trường chứng khoán có thể chỉ hồi phục nhẹ hoặc đi ngang chứ khó có khả năng tăng trưởng mạnh. Chứng khoán “xanh” trong những phiên gần đây là một động thái tích cực, lượng hàng giải chấp đỡ chịu áp lực nặng nề. Một bộ phận nhà đầu tư đã tích lũy được kinh nghiệm và tiền bạc quay trở lại thị trường. Tuy nhiên, để khẳng định khả năng hồi phục của thị trường thì có lẽ cần chờ thêm thời gian, ông Phan Hồng Quân – Tổng giám đốc công ty chứng khoán Euro Capital nhận định.

Màu xanh trên sàn đã trở lại, song trở ngại lớn nhất với thị trường chứng khoán hiện nay là kết quả hoạt động kinh doanh quý II của hầu hết doanh nghiệp niêm yết được nhận định là khá bi quan. Báo cáo đó sẽ thể hiện tác động của việc tăng giá các nguyên vật liệu đầu vào trong quý I, tăng lãi suất vay vốn, khó khăn đầu ra do cắt giảm đầu tư và chi tiêu trong xã hội, thực hiện đúng tỷ lệ trích lập dự phòng đầu tư tài chính… Kết quả kinh doanh quý II này sẽ giúp nhà đầu tư sàng lọc những cổ phiếu để đầu tư lâu dài. Nếu doanh nghiệp nào tăng trưởng lợi nhuận quý II tốt thì không có gì lo ngại để đầu tư. 

Nguồn:  Báo Điện tử Diễn đàn doanh nghiệp