Thị trường chứng khoán: "Đứa trẻ ốm yếu"?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Cách ví von về thực trạng thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay của Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư Tài chính Việt Nam (VAFI) cho thấy cần thiết phải có những hành động để ổn định và phát triển thị trường chứng khoán. Đó cũng là cơ sở để mới đây Hiệp hội này đề xuất các giải pháp “cứu” thị trường chứng khoán với Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Loại ngay “các con tầu ma”

Tổng Thư ký Nguyễn Hoàng Hải cho biết: Một trong những giải pháp cần làm thuộc thẩm quyền của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) và Bộ Tài chính là loại ngay một số doanh nghiệp không đủ tiêu chuẩn niêm yết ra khỏi các sàn giao dịch.

Theo đánh giá từ VAFI, hiện có một số doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ trong nhiều năm, nợ nhiều không trả được hoặc chỉ thanh toán ở mức tượng trưng, không trích lập dự phòng đầy đủ về giảm giá chứng khoán hay về tỷ giá, rồi có tình trạng định giá tài sản quá cao… Những doanh nghiệp này không đủ vốn pháp định niêm yết hoặc thậm chí mất hết vốn điều lệ nếu hạch toán đúng theo các chuẩn mực kiểm toán, các doanh nghiệp này được các nhà đầu tư bám sàn gọi là “các con tầu ma”.

Tuy nhiên, điều đặc biệt nghiêm trọng là những cổ phiếu này hay được đầu cơ, thao túng giá cả và từ đó lôi kéo rất nhiều nhà đầu tư tham gia. Tình trạng giao dịch này được gọi là “kinh doanh đầu cơ “xác chết” hay kiểu truyền bom cho nhau” ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư chứng khoán. Trước thực trạng này, Bộ Tài chính cần lập 1 đoàn thanh tra độc lập thanh tra những đối tượng này (không có sự tham gia của UBCKNN và các sở giao dịch) để biết được lý do tại sao cần loại những đối tượng này ra khỏi các sàn giao dịch chứng khoán.

Ngoài ra, UBCKNN cần tiến hành ngay việc tách bạch tiền gửi của nhà đầu tư ra khỏi tài khoản của công ty chứng khoán. Cách đây 3 năm, UBCKNN từng có kế hoạch đưa tài khoản tiền gửi của nhà đầu tư ra khỏi công ty chứng khoán để nhà đầu tư mở tài khoản trực tiếp tại hệ thống ngân hàng thương mại nhằm bảo vệ tuyệt đối tiền của nhà đầu tư, cũng như ngăn chặn việc chiếm dụng sử dụng không an toàn tiền gửi của nhà đầu tư nhưng kế hoạch này không được thực hiện do sự “vận động” của nhiều công ty chứng khoán.

Trong thời gian gần đây đã có tình trạng một số công ty chứng khoán mất khả năng thanh toán trong một số giao dịch thanh toán (không thanh toán đủ tiền mua chứng khoán cho khách hàng) và bị Trung tâm lưu ký chứng khoán nhắc nhở công khai. Điều đáng nói là nhiều trường hợp mất khả năng thanh toán nghiêm trọng (chỉ thiếu hơn 1 tỷ mà công ty chứng khoán không có khả năng thanh toán cho Trung tâm lưu ký), trong khi vốn pháp định cho hoạt động môi giới chứng khoán là 25 tỷ đồng.

Giảm mạnh số công ty chứng khoán

Một trong những giải pháp của VAFI nêu ra đáng chú ý là giảm số công ty chứng khoán từ 100 xuống còn 25 công ty.

Tổng Thư ký Nguyễn Hoàng Hải cho biết, hiện có quá nhiều công ty chứng khoán dẫn đến chất lượng công ty kém, nguồn nhân lực bị phân tán, cạnh tranh không lành mạnh. Chỉ số ít công ty hoạt động đầy đủ chức năng của một công ty chứng khoán (tư vấn, bảo lãnh phát hành…), còn đa số chủ yếu tập trung mảng môi giới, margin. Để thu hút nhà đầu tư, các công ty sẵn sàng cho vay gấp 5 lần vốn tự có. Tỷ lệ cho vay này không cố định mà thường xuyên thay đổi theo độ nóng lạnh của thị trường, vô hình chung biến chứng khoán thành sòng bạc.

Hậu quả tất yếu là nhà đầu tư bám sàn thua lỗ, mất vốn, nhiều công ty chứng khoán thua lỗ đối diện nguy cơ phá sản. Do đó, VAFI kiến nghị phải nhanh chóng giảm 75% số lượng công ty chứng khoán (tức thị trường chỉ cần có 25 công ty chứng khóan) nhằm tập trung, sắp xếp lại nguồn nhân lực, loại bỏ sự cạnh tranh không lành mạnh. Phương án giải thể, hợp nhất, sáp nhập các công ty chứng khoán cần được thúc đẩy, xóa bỏ tình trạng “thích được làm chủ, được điều hành một mâm cỗ nhỏ”, qua đó bảo vệ đồng vốn của cổ đông, tạo sự an toàn, lành mạnh cho thị trường.

Để làm được những điều trên, theo VAFI, Thủ tướng Chính phủ có văn bản yêu cầu các Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước, công ty cổ phần có cổ phần chi phối nhà nước đang nắm cổ phần chi phối tại các công ty chứng khoán thực hiện ngay việc giải thể, hợp nhất, sáp nhập hay thoái vốn tại các công ty chứng khoán đó. Ngoài ra, cần yêu cầu công ty chứng khoán tăng vốn pháp định theo lộ trình: từ 300 tỷ đồng lên 600 tỷ đồng vào năm 2013 và 1.200 tỷ đồng vào năm 2015.

Theo VAFI, thị trường chứng khoán Việt Nam hiện được ví như “chợ trời”, nhiều hàng nhái, hàng giả, hàng lởm lẫn lộn với hàng tốt, tồn tại nhiều kẻ lừa đảo, ăn cắp cướp giật, thậm chí còn thông đồng với một số nhân viên quản lý chợ. Do đó, chúng ta phải nhanh chóng cổ phần hóa các Sở giao dịch chứng khoán, phải lựa chọn thu hút Sở giao dịch chứng khoán nước ngoài có uy tín tên tuổi làm đối tác chiến lược để thay đổi tận gốc cách thức quản trị sàn giao dịch. Thành lập 1 sàn giao dịch chứng khoán mới làm cơ sở xây dựng “1 siêu thị văn minh hiện đại “ ngang tầm quốc tế nhưng vẫn được quản lý từ Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam… là những việc cần ngay để có một thị trường chứng khoán khỏe mạnh và phát triển.

Theo Dân Trí