Thị trường hóa xăng dầu: Không để ảnh hưởng đến người nghèo
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

 PV: Thưa Thứ trưởng, ông có thể giải thích rõ hơn về điều hành của Nhà nước đối với mặt hàng xăng dầu trong thời gian qua?

– Ông Nguyễn Cẩm Tú: Lâu nay, xăng dầu thực chất vẫn trong tình trạng được Nhà nước bao cấp một phần. Hàng năm, Nhà nước phải bỏ ra một khoản ngân sách rất lớn, tới hàng nghìn tỉ đồng bù giá cho mặt hàng này với mục đích ổn định giá trong nước, giảm thiểu ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Tổng số lỗ do kinh doanh xăng dầu của các DN ước đã trên 6.000 tỉ đồng, nhưng Bộ Tài chính mới tạm ứng bù giá vốn cho các DN được 38%. Phần lớn, các DN tự gánh vác thông qua việc vay vốn ngân hàng.

Các DN kinh doanh xăng dầu là DN Nhà nước, suy cho cùng, cũng là Nhà nước gánh chịu, chứ người dân chưa phải ghé vai nhiều. Tôi cho rằng, Nhà nước, DN và người dân cùng chia sẻ, trong đó, Nhà nước phải gánh phần thiệt lớn hơn  mỗi khi có biến động thị trường.

– PV: Được bù giá, phải chăng, các DN kinh doanh xăng dầu vẫn đang được hưởng lợi  lớn, ông có ý kiến gì  về điều này?

Ông Nguyễn Cẩm Tú: Đây là một sự hiểu lầm lớn của người tiêu dùng.  DN thực hiện chỉ đạo của Nhà nước bán xăng dầu theo giá quy định, mà giá Nhà nước quy định lại thấp hơn giá thế giới, tức là giá vốn. Như vậy là Nhà nước chỉ bù giá vốn cho DN chứ không phải bù lỗ.

Nhà nước chịu gánh nặng gián tiếp bù cho người tiêu dùng, bù cho phương tiện giao thông đường bộ, vận chuyển hàng hóa, hành khách, các DN sản xuất trong nước. Thậm chí, ngân sách Nhà nước còn bù cả cho các DN đầu tư nước ngoài có sử dụng xăng dầu. Trong khi đó, các nhà sản xuất nước ngoài vẫn bán sản phẩm với giá cao, ví dụ như mặt hàng ôtô, sắt thép… chẳng hạn.

– PV: Thời gian tới, nếu giá xăng dầu thế giới vẫn đứng ở mức cao hoặc tiếp tục tăng lên nữa, Nhà nước sẽ điều hành giá xăng dầu trong nước như thế nào?

Ông Nguyễn Cẩm Tú: Tôi cho rằng, nền kinh tế nước ta phải chấp nhận và thích ứng với mặt bằng giá thế giới đã tăng cao, không thể và cũng không có khả năng giữ hệ thống giá trong nước biệt lập với thị trường thế giới. Giá xăng dầu cũng vậy, không thể biệt lập, đặc biệt với các nước có chung đường biên giới với Việt Nam như Trung Quốc, Lào, Campuchia.

Phải lường trước khả năng, đến một lúc nào đó, ngân sách Nhà nước sẽ không chịu nổi. DN cũng sẽ không còn khả năng vay vốn ngân hàng. Thay vì việc bù giá vốn hàng chục nghìn tỉ đồng cho kinh doanh xăng dầu mỗi năm, chúng ta có thể dùng khoản tiền đó để đầu tư vào phát triển sản xuất, hạ tầng giao thông, cầu cảng, đầu tư vào mạng lưới kinh doanh xăng dầu…

Định hướng cơ bản lâu dài của Nhà nước vẫn là cương quyết thực hiện thị trường hóa giá cả hàng hóa nói chung và mặt hàng xăng dầu nói riêng. Quá trình thực hiện sẽ dần từng bước một, để không gây xáo trộn tới sản xuất, đời sống nhân dân. Đã đến lúc, người dân phải hiểu rõ và thông cảm, chia sẻ với gánh nặng của Nhà nước trong việc bù giá xăng dầu.

Điều đáng suy nghĩ nhất là làm sao việc thị trường hóa xăng dầu không làm ảnh hưởng nhiều đến người nghèo. Nhà nước sẽ cần tăng cường một số chính sách xã hội, hỗ trợ cho cuộc sống người nghèo để ít bị tác động hơn so với các đối tượng khác.

Theo Báo An ninh thủ đô