Thị trường Internet Việt Nam: Cơ hội còn lớn hơn thế!
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Đại diện Bộ TT&TT cho biết cả nước hiện có 55 giấy phép cung cấp dịch vụ internet cố định có hiệu lực (chỉ dành cho những DN cung cấp dịch vụ truy nhập và kết nối internet chứ không tính cả DN cung cấp dịch vụ ứng dụng viễn thông trên internet). Trong đó, 47 DN đã thông báo chính thức triển khai cung cấp dịch vụ, nhưng chỉ 16 DN có báo cáo thường xuyên về hoạt động cung cấp dịch vụ.

Con số “khủng” vào năm 2018

Về truy nhập internet di động, Bộ TT&TT đã cấp 4 giấy phép, và cả 4 DN gồm Viettel, VinaPhone, MobiFone, Vietnam Mobile đều cung cấp dịch vụ, trong đó 3 “đại gia” Viettel, VinaPhone, MobiFone chiếm tới 98% thị phần. Về kết nối băng thông, dung lượng kết nối giữa các DN vào viễn thông quốc tế đã tăng gấp 2 lần so với năm 2011, hiện có 486 Gbps kết nối đi quốc tế.

Trong khi đó, theo đánh giá của Vinagame (VNG), khi các hãng như Google và Facebook chính thức bước vào Việt Nam thì kết nối quốc tế thực sự khoảng 900 Gbps. Về dự án Trạm trung chuyển quốc gia Internet (VNIX), hiện cả nước đã xây dựng được 1 mạng internet phát triển theo mô hình kết nối đa điểm với các nút kết nối lớn tại VNIX, VNPT, VNG, FPT, Viettel. Dung lượng kết nối trực tiếp tại các điểm này tương đối đồng đều nhau, đạt khoảng 100 – 150 Gbps.

Về thị phần chiếm lĩnh, nếu internet cố định là “cuộc chơi” của 5 DN lớn là VNPT, FPT, Viettel, CMC, SCTV, thì internet di động là cuộc đua “tam mã” của Viettel, VinaPhone, MobiFone (đang chiếm 98% thị phần). Xét theo tiêu chí thuê bao, cả nước mới có khoảng hơn 5 triệu thuê bao, trong đó 87,5% sử dụng ADSL (dịch vụ chất lượng thấp, giá rẻ); internet di động hiện có khoảng 19 triệu thuê bao. Mặc dù xu thế internet trên các thiết bị di động là xu thế tất yếu, nhưng tỷ lệ người dùng internet theo vùng miền có sự khác biệt rất lớn.

Ông Lê Hồng Minh – TGĐ Công ty VNG, cho biết nếu như doanh thu nội dung, dịch vụ internet vào năm 2004 chỉ là 70 tỷ đồng, năm 2009 là 2.600 tỷ đồng thì tới năm 2013, con số này đã có bước đột phá lên tới 20.400 tỷ đồng. Trong đó, nội dung di động chiếm vị trí thứ nhất với 8.000 tỷ đồng, online game: 6.000 tỷ đồng, thương mại điện tử: 4.200 tỷ đồng, quảng cáo trực tuyến: 2.200 tỷ đồng.

Rõ ràng, sự tăng trưởng này là rất tích cực, song nhiều chuyên gia cho rằng tiềm năng và cơ hội của thị trường internet Việt Nam còn lớn hơn thế rất nhiều. Đại diện của “gã khổng lồ” trong lĩnh vực tìm kiếm Google đưa ra những thống kê cho thấy người Việt Nam đang đứng thứ hai về thời gian sử dụng internet so với các quốc gia trong khu vực (sau Thái Lan) với 26,2 giờ/tháng.

Ông Minh “phỏng đoán” năm 2018, doanh thu về nội dung, dịch vụ internet sẽ đạt con số “khủng” là 100.000 tỷ đồng. Trong đó, thương mại điện tử sẽ có bước nhảy vượt bậc với 60.000 tỷ đồng, nội dung di động: 20.000 tỷ đồng, online game: 12.000 tỷ đồng, quảng cáo trực tuyến: 8.000 tỷ đồng.

“Cuộc chiến” giữa DN nội dung và nhà mạng

Để đạt được con số kỳ vọng trên, bên cạnh nội tại các DN dịch vụ, nội dung internet phải có những chiến lược, bước đi phù hợp để phát triển cho riêng mình thì rất cần đến cái “bắt tay” của các DN. Thế nhưng mấy năm nay, việc hợp tác này tuy diễn ra song vẫn có những “trục trặc.”

Đó là “cuộc chiến” giữa DN nội dung và nhà mạng khi các nhà mạng liên tục kêu ca về việc các dịch vụ nhắn tin, gọi điện miễn phí làm giảm doanh thu của mình. Câu chuyện này đã được Bộ TT&TT đứng ra “dàn xếp” bằng việc chỉ đạo DN viễn thông chủ động nghiên cứu, thử nghiệm các mô hình hợp tác với các DN OTT (ứng dụng nhắn tin gọi điện miễn phí trên internet). Các DN nội dung thường “kêu ca” về tỷ lệ ăn chia với các ISP khiến họ khó có tiền để tái đầu tư vào nghiên cứu. Và ngược lại, các DN viễn thông lại “phản pháo” bằng việc “chê” sản phẩm của DN nội dung và nói sẵn sàng đảo ngược tỷ lệ ăn chia nếu có nội dung tốt.

Theo bà Lê Thị Ngọc Mơ – Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT), tổng doanh thu của các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) Việt Nam năm 2012 chỉ đạt khoảng 10.000 tỷ đồng; trong đó 5.000 tỷ đồng cho dịch vụ 3G. Trong khi theo các tổ chức thống kê, doanh thu của các ISP tại Việt Nam chưa đạt ngưỡng 15.000 tỷ đồng là con số đáng suy nghĩ.

Đánh giá về quảng cáo trực tuyến, ông Trịnh Chung – đại diện Google Việt Nam, phân tích: 80% số người chuẩn bị mua hàng lên mạng tìm kiếm trước thông tin về sản phẩm họ muốn mua. 41% quảng cáo trực tuyến đem lại kết quả phù hợp với nhu cầu mua sắm của họ. Số lượt truy cập và tìm kiếm thông tin trên mạng trước khi mua một sản phẩm là 7,6 lần. “Và năm 2013, lần đầu tiên doanh thu quảng cáo trực tuyến đã vượt báo in là những con số rất ấn tượng về thị trường đầy tiềm năng trên mạng internet này”, ông Chung chia sẻ.

Theo ông Lê Hồng Minh, đến năm 2020, dự báo tổng doanh thu toàn thị trường internet Việt Nam sẽ đạt khoảng 100.000 tỷ đồng, con số đủ chia cho các DN “tham chiến” thay vì chỉ khoảng 10.000 – 15.000 tỷ đồng như hiện nay. Tuy nhiên, để đạt được con số này thì dịch vụ trên internet nói chung, cho các thiết bị di động kết nối internet nói riêng sẽ phải được xây dựng nhanh, nhiều và tốt hơn nữa.

Việt Nguyễn
Nguồn: http://thoibaokinhdoanh.vn/441/news-detail/859970/lang-kinh/thi-truong-internet-viet-nam-co-hoi-con-lon-hon-the-.html