Thị trường mua bán, sáp nhập nhìn từ góc độ pháp lý
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Như vậy thị trường mua bán, sáp nhập (M&A) doanh nghiệp ở nước ta hiện nay được điều chỉnh bằng Luật Cạnh tranh và rải rác ở một số văn bản pháp luật khác. Tuy nhiên, khi thị trường này càng phát triển thì càng nảy sinh nhiều rủi ro và cần thiết phải có một văn bản quy phạm hướng dẫn cụ thể.

Phát triển thị trường M&A

Chưa bao giờ ở Việt Nam lại hình thành nhiều tập đoàn đa ngành, đa nghề như hiện nay.

Khi một doanh nghiệp muốn khai phá thêm một lĩnh vực hoạt động kinh doanh mới thì điều họ quan tâm đầu tiên là thâu tóm một công ty đã có thâm niên trong lĩnh vực đó về tay mình, và điều này dẫn đến những hoạt động M&A diễn ra mạnh mẽ.

Ông Trần Duy Hưng, Giám đốc Công ty First Asia, một trong những công ty hàng đầu về tư vấn mua bán, sáp nhập doanh nghiệp ở Việt Nam cho biết thị trường M&A đang gia tăng và cùng với đó là nguy cơ rủi ro do hoạt động mua bán này đem lại. Nguyên nhân của những rủi ro được lí giải là khung pháp lý điều tiết hoạt động M&A chưa được định hình rõ ràng.

Lâu nay các doanh nghiệp Việt Nam vẫn hiểu đơn thuần là chỉ khi vướng mắc về pháp lý và thua lỗ trong hoạt động kinh doanh người ta mới đem doanh nghiệp đi bán. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp xem M&A như một hình thức huy động vốn. Theo quy định của Luật Doanh nghiệp thì nhà đầu tư có quyền góp vốn, mua cổ phần của các doanh nghiệp và việc M&A cũng là một trong những quyền của nhà đầu tư.

Đứng trước quyền này, nhà đầu tư bình đẳng như nhau và nhiều doanh nghiệp Việt Nam coi M&A như một hình thức để thu hút đầu tư nước ngoài với nguồn vốn lớn nhưng thực tế quyền của nhà đầu tư nước ngoài bị hạn chế rất nhiều.

Như trường hợp mà nhà đầu tư nước ngoài M&A tại Việt Nam phải có thị phần hơn 30% trên thị trường trong năm thực hiện giao dịch M&A, và đây là điều gây khó cho các nhà đầu tư nước ngoài mới vào thị trường Việt Nam. Vì vậy sự phát triển của thị trường M&A chưa mạnh như thực tế hoạt động của doanh nghiệp hiện nay.

Cần khung pháp lý thống nhất

Theo một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực M&A thì khung pháp lý của Việt Nam hiện nay là trở ngại lớn đối với những doanh nghiệp đứng ra mua lại doanh nghiệp.

Theo viện dẫn các quy định pháp lý hiện nay, khi mua lại một doanh nghiệp thì bên mua phải chịu hoàn toàn mọi vấn đề liên quan đến pháp nhân của doanh nghiệp đấy. Những khoản nợ, những rủi ro trong hoạt động thương mại và cả những vấn đề liên quan đến pháp lý của doanh nghiệp bán khi chuyển nhượng cho bên mua thì bên mua phải chịu toàn bộ.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp khi mua doanh nghiệp khác thường có những đàm phán về các khoản nợ còn những vướng mắc liên quan đến pháp lý thì không được đàm phán mà đương nhiên phải gánh. Đây là một hạn chế khiến cho các doanh nghiệp mua trở nên khó khăn và nhiều khi biến thành rủi ro vì những rắc rối pháp luật thường rất phức tạp mà bên mua nhiều khi không lường hết được.

Ngân hàng Nhà nước quy định, khi nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần trong doanh nghiệp Việt Nam phải thanh toán qua tài khoản vốn. Tuy nhiên không chỉ vướng mắc ở việc thanh toán vốn mà đến nay chưa có văn bản nào phân biệt cụ thể thế nào là doanh nghiệp Việt Nam, liệu có phải là doanh nghiệp có “quốc tịch” Việt Nam.

Nếu hiểu như vậy thì doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài nhưng mang “quốc tịch” Việt Nam vẫn được xem là doanh nghiệp Việt Nam. Vậy một doanh nghiệp chỉ có 1% vốn đầu tư nước ngoài có được xem là doanh nghiệp Việt Nam hay đó là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, và đây là một cách để các nhà đầu tư nước ngoài lách luật góp vốn.

Rồi việc chồng chéo trong các quy định, như việc giới hạn sở hữu nước ngoài trong doanh nghiệp niêm yết là 49% trên tổng số cổ phần. Nhưng trong Nghị định 139 thì nhà đầu tư nước ngoài được mua tới 99% cổ phần trong một doanh nghiệp thuộc lĩnh vực phân phối.

Việc thanh toán mua cổ phần bằng VND, ngoại tệ, vàng… cũng cần quy định rõ ràng và đồng nhất, không nên phân ra thành từng hình thức mua cổ phần, hình thức góp vốn như hiện nay.

Khi tiến hành M&A thì việc sáp nhập nhân lực là việc làm tất yếu nhưng những quy chế về việc sáp nhập này cũng chưa được rõ ràng, gây khó cho những doanh nghiệp mua. Ngoài việc áp dụng luật lao động thì còn nhiều vấn đề pháp lý phát sinh như chuyện sử dụng lao động, việc thanh toán bảo hiểm xã hội trong trường hợp doanh nghiệp bán thực hiện không tốt để lại…

Những quy định về thuế thu nhập doanh nghiệp hiện nay cũng loại bỏ ưu tiên cho trường hợp thực hiện M&A. Như vậy những doanh nghiệp mua sẽ phải gánh chịu phần thuế thu nhập từ doanh nghiệp bán trong khi phần lợi nhuận thu được từ việc mua này chưa được thu…

Ông Phan Hữu Thắng cho biết, Cục Đầu tư nước ngoài đang có kế hoạch soạn thảo trình Chính phủ ban hành Nghị định về M&A có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam. Đó sẽ là cơ sở pháp lý của thị trường này, nâng cao tỉ lệ thành công trong các giao dịch M&A.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam