Thị trường Nga và Ukraine – cơ hội xuất khẩu mới
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Trước những năm 2009, trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Nga, nhóm hàng nông, lâm, thủy sản chiếm tỷ lệ trên 50%. Tuy nhiên, đến năm 2012, tỷ lệ này chỉ còn khoảng 20%, do có sự chuyển dịch về cơ cấu hàng xuất khẩu, khi các mặt hàng điện thoại di động, máy tính và linh kiện tăng lên. Sau 4 năm, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nga đã tăng gần 4 lần, năm 2012 đạt 1,6 tỷ USD. Còn 5 tháng đầu năm 2013, tổng kim ngạch hai chiều giữa Việt Nam và Nga đạt hơn 1 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu 718 triệu USD và nhập khẩu 325 triệu USD.  Hiện tại nhu cầu của thị trường Nga vẫn rất lớn và đa dạng.

Hơn nữa, Nga đã là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nên hàng rào thuế quan theo lộ trình sẽ dễ chịu hơn, nhất là đối với những nhóm hàng mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh. Việt Nam đang trong quá trình đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với Liên minh thuế quan Nga – Belarus – Kazakhstan và khi Hiệp định được ký kết, theo Phó Vụ trưởng vụ Thị trường châu Âu, Bộ Công thương Nguyễn Hoàng Minh, hiệp định sẽ mang lại những lợi thế lớn cho các doanh nghiệp. Sản phẩm vào Nga có thể tự do lưu thông tới các nước Belarus và Kazakhstan. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng có thể tiếp cận thị trường một số nước thuộc SNG khác.

Theo kinh nghiệm của Tổng công ty Thương mại Hà Nội, từ năm 2004 đơn vị này đã mở văn phòng đại diện tại Nga để chủ động nắm bắt tình hình thị trường và phát huy các mối quan hệ khách hàng. Kể từ đó đến nay, văn phòng đại diện tại Nga đã có nhiều đóng góp vào hoạt động sản xuất, kinh doanh chung của Tổng công ty như xuất nhập khẩu, xúc tiến thương  mại, quảng bá thương hiệu… Nhờ đó, Tổng công ty luôn có kim ngạch xuất nhập khẩu ổn định với thị trường Nga, đạt 4 triệu USD/năm, với các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là hàng thủ công mỹ nghệ, nông sản, rau củ quả, thực phẩm chế biến…

Nguyên Tùy viên thương mại Việt Nam tại Nga Lã Văn Châu cho biết, Nga rất ít áp dụng hạn ngạch nhập khẩu, nên hàng hóa vào thị trường này tương đối tự do. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Nga trong vài năm trở lại đây liên tục tăng, nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của hai bên. Một phần nguyên nhân do doanh nghiệp Việt Nam chưa có nhiều cách tiếp cận và phần nữa là chất lượng hàng hóa. Dù nước Nga đã là thành viên WTO, thì Nga vẫn đưa ra những tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm, đó là điều quan trọng nhất đối với hàng hóa muốn xuất khẩu vào thị trường này, do phải đáp ứng được các tiêu chuẩn của họ.

Hiện tại thuế nhập khẩu hàng hóa vào Nga còn cao. Sau năm 2018, khi Nga ổn định lộ trình giảm thuế, mặt bằng thuế sẽ rất hấp dẫn với các mặt hàng nông sản và hàng tiêu dùng khác của Việt Nam… Tuy nhiên, hàng rào phi thuế quan sẽ nghiêm ngặt hơn, do văn hóa thưởng thức, tiêu dùng của người Nga ngày càng nâng cao. Hàng hóa của Việt Nam phải cạnh tranh mạnh mẽ với các nước khác cùng xuất khẩu sang Nga. Việc tiếp cận mạng lưới tiêu thụ, nhất là vào các chuỗi siêu thị lớn ở Nga sẽ rất tốn kém chi phí.

Do đó, để tiếp cận sâu và rộng vào thị trường Nga, cũng như nước láng giềng Ucraina, các doanh nghiệp Việt Nam cần đẩy mạnh hoạt động quảng bá thương hiệu sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng ở các nước này. Trực tiếp tham gia các hội chợ, triển lãm chuyên ngành tại Matxcơva vì đây là nơi tập trung tới gần 60% lượng hàng nhập khẩu vào Nga. Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải tìm mọi giải pháp để nâng cao chất lượng sản phẩm, có giá bán hợp lý, đồng thời tìm kiếm đối tác tin cậy cũng như tiếp cận các Trung tâm phân phối lớn và các mạng lưới tiêu thụ.

Anh Tú
Nguồn: http://daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=75&NewsId=284953