Thị trường phát điện cạnh tranh: Cần công khai giá thành
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Còng lưng cõng lỗ cho “ông” Điện

Theo Phó Tổng giám đốc Công ty thép Vina Kioei, ông Đặng Huy Hiệp, thị trường điện cạnh tranh mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa công bố thực chất mới chỉ là cạnh tranh giá điện mua vào, tức là nhà sản xuất điện nào chào bán giá thấp thì được ưu tiên mua. Để bán được, nhiều nhà sản xuất điện phải chịu ép giá.

Trong khi đó, giá bán ra cho người sử dụng không những không giảm mà còn tăng. Vì vậy, “đối tượng hưởng lợi chính là EVN chứ không phải người tiêu dùng cuối cùng của sản phẩm điện, tức là người dân hay doanh nghiệp”, ông Hiệp nói.

Ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Cty Vissan, cho rằng, việc giải thích tăng giá điện để bù vào những thua lỗ, thất thoát trước đây của EVN là không thỏa đáng.

“Bắt các doanh nghiệp (DN) cũng như người dân phải cõng những thất thoát hay do quản lý yếu kém của EVN trước đây là bất hợp lý”, ông Mười nói.

Theo ông, càng bất hợp lý hơn khi bắt những DN mới ra đời kể từ thời điểm này trở đi nhưng vẫn phải cõng những thua lỗ trước đây của EVN.

Ông Mười đặt vấn đề: Nếu tăng giá phải bù lỗ cho EVN thì đến khi nào bù đủ, và khi bù đủ rồi thì liệu ông Điện có hạ giá bán điện? Và, nếu muốn thể hiện sự cạnh tranh thì tất cả khoản lỗ trước đây Nhà nước phải giải quyết trước khi đưa ra giá cạnh tranh.

Ông Đỗ Long, Chủ tịch Cty sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tân (Bita’s), cho rằng, hàng hóa sản xuất ra hiện không bán được, cho nên từ nay đến cuối năm là sự thách đố lớn đối với các DN. Khi tính toán, nhà sản xuất đã tính toán hết từ đầu gốc đến đầu ngọn để cho ra giá thành, giá bán.

“Muốn tăng giá hàng hóa, chúng tôi phải có một lộ trình, thời gian để người tiêu dùng chuẩn bị đón nhận, không thể mỗi lần Nhà nước tăng là DN phải tăng giá bán”.

Cần công khai, minh bạch

Ông Long đề nghị, muốn áp dụng giá điện cạnh tranh, Nhà nước phải có công thức, lộ trình, và cách thức thực hiện hợp lý, và phải có cơ quan thẩm định độc lập xem việc tăng, giảm giá bán điện là có đúng và hợp lý hay không.

Chủ tịch Liên HTX Thương mại TPHCM (Saigon Coop), ông Nguyễn Ngọc Hòa, nói: “Chúng ta đang trên đà thị trường hóa sản phẩm điện, nhưng càng thị trường hóa thì càng phải yêu cầu EVN công khai, rõ ràng trong vấn đề này. Người dân sẵn sàng chia sẻ, nhưng người dân cũng yêu cầu công khai, minh bạch”.

Theo ông Hòa, lộ trình thị trường hóa giá điện là tất yếu, nhưng đi nhanh hay chậm và đi trong thời điểm nào là điều mà Nhà nước phải cân nhắc. Thứ hai, khi làm, Nhà nước cần công khai, minh bạch.

“Phải sòng phẳng, làm rõ, cả hai lộ trình cần phải công khai cho dân biết: Lộ trình đầu ra thì bao nhiêu năm tiến theo cơ chế thị trường, đầu vào thì EVN cũng phải mua theo giá thị trường. Đồng thời, EVN cũng phải tính toán lại tỷ lệ cân đối giữa giá thành đầu vào của điện. Ví dụ, giá thành của thủy điện khác, giá thành điện bằng khí khác, bằng than khác… cân đối tổng hòa tỷ trọng thế nào. Nếu bao cấp mà để ông sản xuất từ nước ngoài vào để hưởng giá điện thấp thì không hợp lý”, ông Hòa nói.

Theo ông Hòa, có lộ trình thị trường hóa, nhưng tốc độ đi của hai đối tượng phải khác nhau, trong đó tốc độ đi cho các hộ dân sử dụng điện sinh hoạt sẽ chậm hơn so với tốc độ đi của các đối tượng khác.

Đặc biệt đối với các hộ dân, nên cân nhắc thời điểm, lộ trình đi, xem có nên hoãn và giãn tiến độ ra ở mức độ nào cho hợp lý.

Đại Dương
Nguồn: Báo điện tử Tiền phong