Thị trường tiền tệ: Siết chặt quản lý, linh hoạt điều hành
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Với chính sách thắt chặt tiền tệ nhưng linh hoạt, đặc biệt là việc điều chỉnh lãi suất cơ bản, biên độ tỷ giá… trong thời gian qua, thị trường tiền tệ đã có những dấu hiệu tích cực, góp phần quan trọng vào việc kiềm chế lạm phát ở Việt Nam.

Cơ chế mới đã phát huy tác dụng tốt

Chiều 3-7, trao đổi với phóng viên báo Quân đội nhân dân, Thạc sĩ Nghiêm Văn Bảy, Phó chủ nhiệm bộ môn tài chính-tiền tệ (Học viện Tài chính) khẳng định, cơ chế mới về điều hành lãi suất, tỷ giá, chính sách tín dụng… của Ngân hàng Nhà nước đã phát huy tác dụng tốt. Thạc sĩ Nghiêm Văn Bảy phân tích: Quyết định số 16/2008/QĐ-NHNN ngày 16-5-2008 về cơ chế điều hành lãi suất cơ bản bằng đồng Việt Nam là một bước tiến quan trọng trong việc quản lý của Ngân hàng Nhà nước và mở “lối thoát” cho nhiều tổ chức tín dụng. Theo Quyết định này, các tổ chức tín dụng ấn định lãi suất kinh doanh (lãi suất huy động vốn, lãi suất cho vay) bằng đồng Việt Nam đối với khách hàng không vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố. Lãi suất cơ bản được xác định và công bố dựa trên cơ sở điều kiện của thị trường tiền tệ – tín dụng và mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ trong từng thời kỳ.

Tiếp đó, việc điều chỉnh biên độ tỷ giá mua, bán của đồng Việt Nam đối với đô-la Mỹ từ +/- 1% lên +/- 2% đã góp phần quan trọng để ổn định thị trường ngoại tệ.

Tại cuộc họp báo về phiên họp thường kỳ của Chính phủ tháng 6 mới đây, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến cho rằng, sau một tuần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh ngoại hối của các ngân hàng thương mại và hoạt động của các bàn thu đổi ngoại tệ, tăng cường công tác bán ngoại tệ cho các ngân hàng thương mại, điều chỉnh tăng biên độ tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá ngoại tệ trên thị trường tự do đã có những dấu hiệu tích cực. Kết quả kiểm tra cho thấy, yếu tố tâm lý, kỳ vọng đã tác động mạnh đến diễn biến của tỷ giá.

Ngày 3-7, một số doanh nghiệp nhập khẩu cho biết, họ đã tiếp cận được nguồn vốn USD của các ngân hàng theo giá niêm yết (trước đó có doanh nghiệp đã phải mua USD trên thị trường tự do với mức giá cao hơn nhiều so với giá niêm yết). Cùng với việc thực hiện bán USD ra theo giá niêm yết, hiện các ngân hàng cũng đã thực hiện nghiêm túc quy định không thu thêm phí của Ngân hàng Nhà nước. Cơ chế áp dụng một giá bán ra USD – theo như khẳng định trước đó của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước – bắt đầu định hình.

Các ngân hàng thực hiện chính sách “thắt chặt tiền tệ” cũng không đến nỗi quá khó khăn như một số người nhận định. Đồng chí Lê Công, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB) chiều qua cho biết: Tốc độ tăng trưởng của Ngân hàng này trong 6 tháng đầu năm nay vẫn đạt 18%, khả năng thanh khoản tốt và lợi nhuận của cả năm sẽ vượt mức kế hoạch.

Lãi suất- “con dao hai lưỡi”

Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, so với vài tháng trước, giờ đây việc vay vốn ngân hàng đã dễ dàng hơn. Tuy nhiên với mức lãi suất thay đổi liên tục đã làm cho các doanh nghiệp rơi vào thế bị động. Trước đây, lãi suất vay cố định hàng quí, thậm chí hằng năm, nay doanh nghiệp phải ký phụ kiện hợp đồng, điều chỉnh lãi suất 15 ngày/lần. Với sự thay đổi lãi suất quá nhanh như vậy, doanh nghiệp luôn bị động về chi phí đầu vào cho giá thành sản phẩm. Mặt khác, với mức lãi suất cho vay phổ biến ở mức 21%/năm, khó có doanh nghiệp nào làm ăn có lãi được.

Với người gửi tiền tiết kiệm, trước nhiều lời mời chào hấp dẫn của các ngân hàng cũng “hoa mắt” bởi không biết nên gửi ở ngân hàng nào. Đã có không ít người rút tiền ở ngân hàng này gửi sang ngân hàng kia, cứ tưởng sẽ được hưởng lãi suất cao hơn, thế nhưng do rút trước hạn ở ngân hàng cũ, không được hưởng lãi suất cao, cộng với lãi suất mới, người gửi tiền vẫn thiệt.

Với các ngân hàng, họ cũng là doanh nghiệp, cũng phải xoay xở đủ thứ, vì vậy cũng phải đắn đo suy tính mãi mới đặt ra mức lãi suất mới để vừa không bị lỗ, vừa bảo đảm được lợi ích của người gửi và người vay…

Theo Thạc sĩ Nghiêm Văn Bảy, chuyên gia tài chính tiền tệ của Học viện Tài chính thì lãi suất như “con dao hai lưỡi”, vì vậy việc điều hành lãi suất phải hết sức thận trọng, cố gắng giữ mức lãi suất ổn định để tạo điều kiện cho cả người gửi, người vay và ngân hàng.

Tuy nhiên, từ giữa tháng 6 đến nay, các doanh nghiệp có thể an tâm bởi lãi suất vay là lãi suất thuần, không cộng thêm bất cứ khoản phí nào. Những chi nhánh ngân hàng nào cho vay mà yêu cầu doanh nghiệp ký quỹ hoặc tính thêm phí, giám đốc chi nhánh đó sẽ bị cách chức ngay lập tức, không phân biệt quốc doanh hay cổ phần, liên doanh hay nước ngoài. Trường hợp Giám đốc chi nhánh ngân hàng thương mại cổ phần Quốc tế (VIBank) bị cách chức vừa qua là một ví dụ.

Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành lãi suất và tỷ giá phù hợp

“Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ động, linh hoạt trong việc sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ theo nguyên tắc thị trường, kiểm soát chặt chẽ tổng phương tiện thanh toán và tổng dư nợ tín dụng nhưng phải bảo đảm tính thanh khoản của nền kinh tế và hoạt động của các ngân hàng, tổ chức tín dụng.

Sử dụng linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ để giảm dần lãi suất huy động theo hướng thực hiện chính sách lãi suất thực dương. Tăng cường kiểm soát và giám sát chặt chẽ hoạt động của các ngân hàng thương mại để bảo đảm việc tuân thủ đúng các quy định về huy động, cho vay và chất lượng tín dụng. Kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm theo đúng quy định của pháp luật để giảm thiểu rủi ro trong hoạt động ngân hàng”.

(Trích Nghị quyết của Chính phủ về các biện pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững)

Trao đổi với các nhà báo nhân kết thúc Hội nghị triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2008, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Giàu khẳng định: Thời gian tới, chúng ta vẫn phải kiên định thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ, đi liền với bảo đảm thanh khoản cho nền kinh tế; bảo đảm vốn cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, cho các dự án sắp hoàn thành… Ngân hàng Nhà nước khẳng định, sẽ đáp ứng vốn cho các nhu cầu sản xuất, kinh doanh hợp lý, hiệu quả và phấn đấu theo nguyên tắc lãi suất thực dương đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tin tưởng với các biện pháp đồng bộ đang được triển khai, thị trường tiền tệ sẽ có những chuyển biến tích cực trong thời gian tới.

Về điều hành tỷ giá, đồng chí Thống đốc cho biết: Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành tỷ giá theo hướng tương đối ổn định, đồng thời tích cực bán ngoại tệ cho các ngân hàng thương mại để đáp ứng nhu cầu ngoại tệ của nền kinh tế. Trong 6 tháng cuối năm, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành linh hoạt lượng tiền cung ứng nhằm kiểm soát tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán và tốc độ tăng trưởng tín dụng ở mức hợp lý để thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là đối với các lĩnh vực xuất khẩu, nông nghiệp và nông thôn. Theo dõi chặt chẽ tình trạng thanh khoản của hệ thống ngân hàng để có biện pháp xử lý phù hợp, bảo đảm an toàn thanh toán, ổn định thị trường tiền tệ. Xác định, công bố lãi suất cơ bản và điều chỉnh các loại lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu phù hợp với tín hiệu của thị trường và mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ.

Sau khi Ngân hàng Nhà nước công bố đường dây nóng, đã có khá nhiều ý kiến, kiến nghị của nhân dân và doanh nghiệp được giải quyết.

Cơ chế điều hành thị trường tiền tệ linh hoạt, quản lý thị trường đặc biệt này chặt chẽ đã có tác dụng tích cực trong đời sống kinh tế-xã hội của đất nước. Để kiềm chế lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, các chuyên gia tài chính-tiền tệ cho rằng, trong 6 tháng cuối năm, các giải pháp này cần được đẩy mạnh. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước cũng cần tạo điều kiện hơn cho các tổ chức tín dụng được chủ động trong hoạt động kinh doanh và có chế tài xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm.

Nguồn: Báo QĐND điện tử