Thiếu minh bạch, tăng chi phí ngoài quy định
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Mới chỉ là một phần của tảng băng

– Ông bình luận gì về con số 28% số doanh nghiệp phải chi trả những khoản ngoài quy định trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan?

– Nhiều doanh nghiệp, chuyên gia tỏ ý nghi ngại về con số này vì nó tùy từng góc nhìn. Đây là điều tra xã hội học và ngay cả trên thế giới, việc để doanh nghiệp nói cởi mở, thẳng thắn về chi trả tham nhũng rất khó. Vì thế, 28% số doanh nghiệp dám nói ở đây là những doanh nghiệp thẳng thắn và dũng cảm. Song cần lưu ý rằng vẫn còn 34% số doanh nghiệp không trả lời cho câu hỏi này. Vì thế, tỷ lệ này có thể mới phản ánh một phần của tảng băng. Thực tế có thể lớn hơn.

– Lý do để các doanh nghiệp phải trả phí ngoài quy định là gì, thưa ông?

– Theo kết quả điều tra, lý do bởi họ e ngại nếu không trả phí ngoài quy định sẽ bị phân biệt đối xử, bị yêu cầu thêm giấy tờ hồ sơ, bị đi lại nhiều lần, chịu thái độ không lịch sự… của cán bộ hải quan.

– Cũng theo báo cáo của VCCI thì tỷ lệ doanh nghiệp phải trả chi phí ngoài quy định đã giảm, từ 57% năm 2012 xuống 49% năm 2013, và hiện chỉ còn 28%. Đây có phải là điều đáng mừng không, thưa ông?

– Nét tích cực là các con số về chi trả chi phí không chính thức có xu hướng giảm. Về mặt kỹ thuật, cách đặt câu hỏi về chủ đề này qua các năm có sự thay đổi nên so sánh cũng chỉ mang tính tương đối. Song như tôi vừa nói, năm 2015 vẫn còn 34% số doanh nghiệp ngần ngại không trả lời câu hỏi về việc trả phí ngoài quy định. Do vậy, cũng không nên mừng vội bởi thực trạng này vẫn đang tương đối phổ biến.

Thân quen hơn kinh doanh giỏi

– Theo ông, việc 34% số doanh nghiệp không trả lời có trả phí ngoài quy định không là do đâu?

– Điều này là hoàn toàn bình thường bởi xét về tâm lý thì người Á Đông, đặc biệt trong khu vực kinh doanh thường rất thận trọng và ngại va chạm. Họ không dám hoặc không muốn nói ra vì sợ bị phát hiện danh tính, sợ các phiền toái có thể gặp phải trong quá trình hoạt động kinh doanh.

– Việc các doanh nghiệp phải chi trả những khoản ngoài quy định phản ánh điều gì?

– Việc này cũng cho thấy, mặc dù chúng ta đang cố gắng xây dựng môi trường cạnh tranh bình đẳng, thông qua việc cải cách thủ tục để đơn giản, gọn nhẹ hơn song vẫn chưa đủ. Chi trả những khoản ngoài quy định cũng phản ánh một thực tế về môi trường kinh doanh ở Việt Nam, đó là quen biết ai quan trọng hơn kinh doanh giỏi, quan hệ tốt sẽ trôi chảy hơn tuân thủ đúng pháp luật. Tâm lý này dẫn đến việc khi hoạt động kinh doanh ở một lĩnh vực hay một địa phương nào đó, nhà kinh doanh thường gọi nhờ vả lãnh đạo địa phương hoặc ngành cấp đó thay vì tìm hiểu thủ tục, nộp hồ sơ như quy định. Thêm nữa, việc trả chi phí ngoài quy định này nhiều khi cũng đem lợi ích cho chính doanh nghiệp, trong trường hợp hồ sơ của họ chưa hợp lệ, chưa phù hợp và họ muốn được cán bộ “linh hoạt”, “châm chước”…

– Có ý kiến cho rằng, sở dĩ doanh nghiệp phải chi trả thêm các khoản ngoài quy định còn bởi đồng lương của cán bộ chưa bảo đảm cuộc sống?

– Đây cũng là một trong những nguyên nhân của sự vòi vĩnh. Song không có nghĩa cán bộ hải quan có thu nhập tốt thì không tham nhũng. Do đó, muốn phòng, chống tham nhũng hiệu quả và bền vững thì phải làm đồng bộ các giải pháp để cán bộ không cần tham nhũng, không dám tham nhũng và không thể tham nhũng.

Nhà nước cũng cần hội nhập

– Ông đánh giá thế nào về việc cải cách thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp thời gian qua?

– Công bằng mà nói so với chính mình thì thủ tục hành chính của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực đã thay đổi. Đơn cử như thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, trước những năm 2000 mất hàng tháng trời; khi Luật Doanh nghiệp ban hành (năm 1999) thì chỉ còn 7 – 10 ngày, sau rút ngắn xuống 5 ngày và giờ là 3 ngày. Tuy nhiên, nếu so với khu vực và thế giới thì vẫn còn khoảng cách rất lớn. Chẳng hạn thời gian nộp thuế và bảo hiểm xã hội, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, dù đã giảm từ 872 giờ/doanh nghiệp/năm xuống còn 770 giờ/doanh nghiệp/năm song vẫn cao hơn nhiều so với mức trung bình của khu vực ASEAN (dưới 200 giờ/doanh nghiệp/năm).

– Theo ông, đâu là điểm nghẽn khiến cho việc cải cách thủ tục hành chính vẫn chưa đáp ứng yêu cầu?

Theo tôi, có 5 nguyên nhân chính. Thứ nhất, nhiều người trong bộ máy công quyền vẫn còn tư duy và hành xử theo cơ chế xin – cho. Thứ hai, chính sách chưa thực sự tốt, quy trình chưa thực sự minh bạch. Khi áp dụng quy định còn nhiều khoảng mờ nên công chức A có thể vận dụng thế này, còn công chức B lại vận dụng kiểu khác theo cách hiểu và thiện chí của họ. Thứ ba, một trong những phàn nàn khá phổ biến của doanh nghiệp là chất lượng công chức, đặc biệt ở cấp cơ sở không cao nên nhiều khi hướng dẫn doanh nghiệp lòng vòng. Thứ tư, hệ thống hỗ trợ doanh nghiệp chưa tốt. Ở các nước có sẵn hệ thống đại lý thuế, người khai thuê hải quan… hoạt động hiệu quả để hỗ trợ doanh nghiệp. Ở Việt Nam, do đa số là doanh nghiệp  nhỏ và vừa, chưa thông hiểu pháp luật, kinh nghiệm chưa có, trong khi thủ tục rất phức tạp thì việc các khâu trung gian hỗ trợ chưa phát triển cũng khiến doanh nghiệp lúng túng, mất nhiều thời gian. Thứ năm, nhiều doanh nghiệp chưa đầu tư đúng mức để tìm hiểu và tuân thủ pháp luật, chẳng hạn chưa có nhân lực tốt cho bộ phận xuất khẩu hoặc phụ trách về thuế nên họ gặp vướng mắc trong quá trình làm thủ tục.

– Theo ông, cần làm gì để doanh nghiệp đỡ phải trả chi phí ngoài quy định trong quá trình làm thủ tục hành chính?

– Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, không chỉ doanh nghiệp cần nâng cao năng lực cạnh tranh mà chính bản thân Nhà nước cũng cần nâng cao tính chuyên nghiệp, khả năng cạnh tranh so với các nước bằng sự thông thoáng của thủ tục hành chính. Bây giờ, cách tiếp cận về thủ tục hành chính không chỉ gỡ khó cho doanh nghiệp mà cần phải tiến lên một bước là tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Cần rút ngắn khoảng cách giữa quyết định hành chính so với quyết định kinh doanh, bảo đảm sự đồng tốc của hai hệ thống này. Muốn vậy, trước hết, cần phải tạo ra cơ chế thông thoáng, minh bạch, công khai các thủ tục bởi chính sự thiếu minh bạch cũng là tác nhân đẻ ra chi phí ngoài quy định. Triệt để ứng dụng công nghệ thông tin vào việc giải quyết thủ tục để hạn chế việc gặp mặt trực tiếp giữa doanh nghiệp với cán bộ giải quyết thủ tục hành chính như cán bộ thuế, hải quan, từ đó tránh tiêu cực.

– Xin cảm ơn ông!

Vũ Thủy thực hiện
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân