Thiếu ngoại tệ, ngân hàng hạn chế cho vay
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Tình cảnh của các ngân hàng thương mại hiện nay đang đầy mâu thuẫn. Một mặt ngân hàng đang muốn có đô la Mỹ để cho khách hàng vay, nhưng mặt khác lại phải từ chối mua ngoại tệ khi mà nhiều doanh nghiệp lẫn người dân hiện nay đang quay lưng lại với đô la Mỹ vốn đang mất giá và muốn bán ngoại tệ này cho ngân hàng.

Giải pháp là… hạn chế cho vay

Một chuyên gia trong ngành ngân hàng cho biết hiện đang có một mâu thuẫn về đô la Mỹ trong hệ thống ngân hàng. Đô la Mỹ đang dư trong nền kinh tế và tỷ giá VND/USD lại được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới nên từ người dân đến các tổ chức, doanh nghiệp đều không muốn giữ đô la Mỹ mà đa số muốn bán đi để chuyển sang tiền đồng Việt Nam.

Nhưng ở khía cạnh khác, cũng chính vì tỷ giá giảm, đô la Mỹ mất giá, đồng thời lãi suất vay lại thấp hơn so với vay tiền đồng Việt Nam, khiến nhu cầu vay đô la Mỹ để thanh toán của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhập khẩu, tăng mạnh. Trong tình hình như vậy, ngân hàng đang trở nên chọn lọc hơn, thẩm định gắt gao hơn và thậm chí hạn chế các khoản vay bằng loại ngoại tệ này.  

Ông Nguyễn Thế Kế, Trưởng phòng Dịch vụ khách hàng doanh nghiệp của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Sài Gòn, cho biết hiện nhu cầu vay đô la Mỹ của các doanh nghiệp đang tăng cao xuất phát từ bài toán lợi nhuận. Nếu doanh nghiệp nào vay một triệu đô la Mỹ từ đầu tháng 1 năm nay lúc giá đô la Mỹ đang ở mức 16.000 đồng thì hiện nay đã có lợi nhờ giá ngoại tệ này đã giảm xuống chỉ còn khoảng 15.860 đồng theo giá niêm yết tại ngân hàng thương mại. Chưa kể các doanh nghiệp còn được lợi hơn về khoản lãi suất vay đô la Mỹ thấp hơn nhiều so với lãi suất vay tiền đồng.  

Khi giá đô la Mỹ được dự đoán sẽ còn giảm nữa trong thời gian tới thì các doanh nghiệp lại tiếp tục đẩy mạnh việc vay ngoại tệ này tại các ngân hàng thương mại. Chi nhánh BIDV Sài Gòn cũng như cả BIDV đang siết lại việc cho vay ngoại tệ ra ngoài, chỉ phục vụ những khách hàng lâu năm và có lịch sử vay tốt nghĩa là không gia hạn hay chậm đáo hạn. Nếu không, ngân hàng sẽ buộc các doanh nghiệp phải vay tiền đồng với lãi suất cao rồi sau đó mới chuyển sang đô la Mỹ. Hiện lãi suất cho vay tiền đồng dao động từ 16% đến 18% trong khi lãi suất cho vay đô la Mỹ chỉ khoảng 8%/năm.  

Hệ lụy: chạy đua lãi suất    

Theo nhận định của hầu hết các ngân hàng, đang nhen nhóm có một cuộc đua lãi suất tiền gửi đô la Mỹ như cuộc đua lãi suất tiền đồng mới đây.  

Cầu đô la Mỹ tại các ngân hàng cao, dẫn tới việc tăng mạnh lãi suất tiền gửi bằng đồng ngoại tệ này. Hiện hầu như tất cả các ngân hàng thương mại đều đã thông báo nâng lãi suất tiền gửi đô la Mỹ.  

Ông Nguyễn Thanh Toại, Phó tổng giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB), cho biết ngân hàng không hề có chủ trương tăng lãi suất tiền gửi đô la Mỹ, tuy nhiên các ngân hàng khác đều tăng lãi suất để thu hút tiền gửi cũng như giữ chân khách hàng của mình thì ACB không thể không làm theo. Điều này lặp lại tình trạng đua lãi suất tiền đồng như vừa rồi.

Ngày 7-3, Ngân hàng ACB đã thông báo tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn bằng đô la Mỹ tại tất cả các kỳ hạn với mức tăng từ 0,8%/năm tới 1,35%/năm. Chẳng hạn, tiền gửi tiết kiệm bằng đô la Mỹ kỳ hạn 12 tháng lãnh lãi cuối kỳ là 5,8%/năm.

SeABank cũng ra mắt sản phẩm “Tiết kiệm triệu phú” cho khách hàng gửi tiết kiệm đôla Mỹ từ 17-3-2008, cụ thể ngoài mức lãi suất đương nhiên được hưởng theo kỳ hạn gửi: 3 tháng là 5,75%/năm; 6, 9, 12 tháng là 6%/năm, khách còn có cơ hội nhận được quà tặng là vàng 9999 hoặc tiền mặt quy đổi căn cứ số lượng tiền và kỳ hạn gửi. Nếu khách hàng không chọn quà tặng thì có thể hưởng mức lãi suất tiền gửi đô la cao hơn, như kỳ hạn 12 tháng lên đến 6,75%/năm.

Tương tự, các ngân hàng khác như Eximbank, Nam Á, VIB Bank, Sacombank, Phương Nam… đều đã thông báo nâng lãi suất huy động tiền gửi bằng đô la Mỹ và đều có ưu đãi hay thưởng lãi suất đối với mức tiền gửi cao.

Một chuyên gia ngân hàng cho rằng để giải quyết tình trạng này thì Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần sớm có quy định hạn chế cho vay ngoại tệ nhằm làm giảm nhu cầu vay đô la Mỹ, theo đó lãi suất huy động đô la có thể giảm theo để tránh một cuộc đua lãi suất sắp tới.

Được biết NHNN cũng đang trong quá trình xem xét để đưa ra quy định hạn chế việc cho vay ngoại tệ.

Ngân hàng nước ngoài lợi thế hơn

Trước tình hình này, các ngân hàng nước ngoài đang có lợi thế hơn hẳn các ngân hàng trong nước nhờ có nguồn đô la Mỹ dồi dào từ thị trường nước ngoài. Và như vậy sẽ tạo thêm điều kiện cho một dòng vốn ngoại tệ chảy vào Việt Nam thông qua các chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam.     

Ông Toại cho biết các ngân hàng nước ngoài hoàn toàn có lợi thế cạnh tranh hơn ngân hàng nội địa do họ có thể vay đô la Mỹ từ thị trường liên ngân hàng nước ngoài hoặc vốn bằng ngoại tệ cấp từ ngân hàng mẹ.

Các ngân hàng nội địa cũng có thể đi vay đô la Mỹ từ ngân hàng nước ngoài để về cho vay lại, tuy nhiên đây là điều không dễ dàng bởi vì các ngân hàng nước ngoài trước khi cho vay cũng sẽ đánh giá rủi ro của ngân hàng đi vay, rủi ro về hệ thống cũng như rủi ro quốc gia, cộng với hạn mức tín dụng cho các ngân hàng Việt Nam.

Thêm vào đó, Việt Nam đang trong tình trạng lạm phát cao cho nên hiếm ngân hàng nội địa nào, đặc biệt ngân hàng cổ phần, có hạn mức tín dụng từ các ngân hàng nước ngoài trong thời điểm này, ông Toại cho biết.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online