Thiếu thông tin về mở cửa ngành hàng
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Nhận diện rào cản

3.550 doanh nghiệp tại 63 tỉnh, thành tham gia cuộc điều tra “Cộng đồng doanh nghiệp về các vấn đề hội nhập” của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) sau hơn 4 năm gia nhập WTO. Trong đó, 75% số doanh nghiệp cho rằng, hội nhập tác động tích cực đến doanh nghiệp, hơn 21% doanh nghiệp vẫn chưa thấy hội nhập ảnh hưởng đến hoạt động của mình, chỉ hơn 1% doanh nghiệp cảm nhận những tác động xấu của hội nhập.

Đánh giá về lợi thế của doanh nghiệp trong hội nhập, 44% doanh nghiệp cho rằng, họ duy trì lợi thế trên thị trường nhờ yếu tố giá thành sản phẩm, 40% doanh nghiệp có lợi thế về tìm kiếm thị trường, và 1/3 số doanh nghiệp khảo sát có lợi thế về sản phẩm độc đáo, mới lạ. Bên cạnh những lợi thế, các doanh nghiệp cũng đưa ra rất nhiều khó khăn trong quá trình hội nhập.

Khó khăn lớn nhất được 26% doanh nghiệp đồng tình là sự thiếu thông tin về thị trường. Trở ngại lớn thứ hai là, khả năng tiếp cận với nguồn vốn và công nghệ với 25% số doanh nghiệp khảo sát gặp phải. Cũng có gần 25% doanh nghiệp cho biết, trở ngại mà họ gặp phải trong quá trình hội nhập là sự yếu kém trong ứng dụng thương mại điện tử và công nghệ thông tin.

Ngoài những khó khăn trên, có hơn 50% số doanh nghiệp cho rằng, rào cản lớn nhất cho hàng hóa trong nước khi bước ra thị trường thế giới là mức lạm phát trong nước quá cao, sự bất ổn định của giá cả các nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất kinh doanh.  Ngoài ra, áp lực cạnh tranh từ các đối thủ trên thị trường quốc tế cũng là một trở ngại. Trong khi đó, việc quảng bá thương hiệu, thiết kế mẫu mã còn non yếu và chỉ có 25% các doanh nghiệp gặp khó khăn do các rào cản phi thuế quan, tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa của nước nhập khẩu.

Sự không tương thích của các quy định kiểm toán, kế toán của Việt nam so với chuẩn mực quốc tế cũng là một khó khăn đối với quá trình hội nhập của doanh nghiệp. Ông Đàm Xuân Lâm, phụ trách khối doanh nghiệp bất động sản, sản xuất, ngân hàng của Công ty Kiểm toán KPMG Việt Nam cho rằng, gia nhập WTO được gần 5 năm, nhưng Bộ chuẩn Kiểm toán Việt Nam rất lạc hậu so với thế giới, vì vậy, doanh nghiệp khó có thể đưa ra những báo cáo phù hợp với tiêu chuẩn kiểm toán quốc tế.

Dưới góc nhìn của nhà đàm phán có công lớn đưa Việt Nam gia nhập WTO, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại cho biết, doanh nghiệp chưa tận dụng triệt để cơ hội và vẫn chịu sức ép rất lớn cũng như hiệu quả của chính sách vẫn chưa đồng bôä, chưa thực sự minh bạch và cơ sở hạ tầng yếu…

Ba kỳ vọng của doanh nghiệp

Có thể nói, kết quả cuộc điều tra của VCCI đã phản ánh “tiếng nói” của cộng đồng doanh nghiệp, là thông tin tham chiếu  cho các cơ quan, ban, ngành về thực trạng của cộng đồng doanh nghiệp sau khi hội nhập, là căn cứ cho các chương trình hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đúng mục tiêu, đúng đối tượng và đúng thời điểm. Trong đó, kỳ vọng lớn nhất của các doanh nghiệp là được hiểu rõ thông tin liên quan đến các hiệp định và cam kết cụ thể của Việt Nam về các lĩnh vực và ngành hàng. Sau nữa là, tiếp cận các tài liệu tham khảo về chính sách thương mại và hàng rào kỹ thuật của thị trường nước ngoài. Cuối cùng là nắm được các thông tin liên quan đến quy định về quyền lợi và nghĩa vụ của doanh nghiệp khi tham gia các tổ chức kinh tế quốc tế. Ba kỳ vọng này chỉ được thực thi có hiệu quả khi hình thức thông tin hai chiều giữa cơ quan hoạch định chính sách với doanh nghiệp được cởi mở.

Liên quan đến những vấn đề này, ông Phạm Quốc Mạnh, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Phú Thái cho biết: “Các doanh nghiệp trong lĩnh vực phân phối, bán lẻ nội địa đang phải “chiến đấu” với đội quân nhà nghề hơn, vì vậy, họ cần sự hỗ trợ từ phía Chính phủ. Sức cạnh tranh được thể hiện không chỉ giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp bạn, mà rất cần thêm sự hỗ trợ chính sách của Chính phủ các nước với nhau”. Vậy nên, theo ông Mạnh, Chính phủ cần cụ thể hóa những chính sách về mở cửa thị trường ở mức độ như thế nào và thực tế đang điều hành ra sao. Chẳng hạn, cuộc khủng hoảng vừa rồi, các chính phủ khác có thể đưa ra hàng rào phi kỹ thuật, hoặc những chính sách bảo hộ hàng hóa của họ. Chính phủ Việt Nam nên có những chính sách nào đó không vi phạm những điều khoản khi ra nhập WTO, mà vẫn  có thể bảo vệ được các doanh nghiệp sản xuất trong nước.

Không chỉ ngành phân phối, bán lẻ, các ngành sản xuất giấy, dệt may, chăn nuôi cũng liên quan đến những cam kết giảm thuế nhập khẩu sản phẩm theo lộ trình cụ thể để hàng hóa nước ngoài dễ tiếp cận thị trường Việt Nam. Mặc dù các biểu thuế cam kết được ban hành với lộ trình minh bạch, song để có thể đánh giá những cam kết đó nằm trong khuôn khổ như thế nào và những quy định riêng khác nhau tạo mức độ ảnh hưởng của các cam kết cụ thể ra sao, còn phụ thuộc vào quyết định thâm nhập vào thị trường nào của doanh nghiệp.

Nguồn: Báo Đầu tư điện tử