Thêm giải pháp chống suy giảm- thúc đẩy kinh tế
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Về nhiệm vụ, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện tốt 5 nhóm giải pháp trọng tâm đã đề ra, đồng thời triển khai thực hiện một số biện pháp bổ sung dưới đây:

– Đối với nhóm giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, xuất khẩu: Hiện nay, tình hình sản xuất nông nghiệp đang phát triển thuận lợi, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung chỉ đạo quyết liệt các giải pháp để đẩy mạnh sản xuất; không để xảy ra dịch bệnh tràn lan; đặc biệt chú ý giải quyết tốt khâu tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, không để diễn ra tình trạng được mùa lại mất giá. Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ trong cuối tháng 4 năm 2009 chính sách, cơ chế thu mua đối với các sản phẩm: lúa gạo, cà phê, chè, cao su, điều hạt, cá nuôi, tôm nuôi, bảo đảm tiêu thụ hết sản phẩm hàng hoá, người sản xuất có lãi hợp lý; xây dựng chính sách, cơ chế hỗ trợ cho nông dân mua máy móc, thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp và tiêu dùng.

– Đối với nhóm giải pháp kích cầu đầu tư và tiêu dùng: Tiếp tục rà soát tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục hành chính, nhất là thủ tục đấu thầu, thuế, giải phóng mặt bằng…để thúc đẩy đầu tư, đẩy nhanh phát triển sản xuất công nghiệp, xây dựng. Tập trung giải ngân nhanh các công trình, dự án đầu tư từ các nguồn vốn ngân sách Nhà nước, nguồn vốn ODA, FDI và các nguồn vốn dân doanh, đặc biệt chú trọng giải ngân đối với các công trình, dự án đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước.

Trên cơ sở tổng mức đầu tư được giao hàng năm, cho phép Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động bố trí, điều chuyển vốn trái phiếu Chính phủ giữa các dự án thuộc các lĩnh vực có trong danh mục đầu tư bằng vốn trái phiếu Chính phủ; giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xem xét điều chuyển vốn trái phiếu Chính phủ giữa các dự án có trong danh mục thuộc các lĩnh vực của các bộ và địa phương (giữa bộ với bộ, giữa bộ với địa phương và giữa các địa phương) để thực hiện mục tiêu sớm hoàn thành dứt điểm dự án, công trình, đưa vào hoạt động và phát huy hiệu quả ngay trong năm 2009 và 2010; rà soát, thực hiện đơn giản hoá các thủ tục; Bộ Công Thương xử lý phù hợp vấn đề giá điện giờ cao điểm, chỉ đạo quyết liệt chống tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại để bảo vệ hàng hóa sản xuất trong nước.

Các bộ, ngành, địa phương cần tổ chức tốt việc xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, đặc biệt chú trọng thị trường trong nước với khu vực nông nghiệp, nông thôn. Giao Bộ Tài chính chủ trì rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 4/2009 phương án điều chỉnh chính sách thuế để kích cầu tiêu dùng trong nước.

– Đối với nhóm giải pháp chính sách tài chính, tiền tệ: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình trong nước và thế giới để kịp thời điều chỉnh linh hoạt các loại lãi suất và tỷ giá phù hợp tín hiệu thị trường; thực hiện khẩn trương, có hiệu quả việc mở rộng diện được hỗ trợ lãi suất 4% đối với các khoản vay vốn trung, dài hạn để thực hiện đầu tư mới phát triển sản xuất kinh doanh với thời hạn là 2 năm; đối tượng vay tín dụng ưu đãi theo Nghị định số 151/2006/NĐ-CP được hưởng bù lãi suất theo Quyết định số 131/QĐ-TTg ngày 23/01/2009 của Thủ tướng Chính phủ. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan liên quan điều chỉnh chính sách về bảo lãnh vay nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất tiên tiến để đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm; trình phương án giảm lãi suất tín dụng ưu đãi đối với các khoản vay vốn trung và dài hạn để thực hiện dự án đầu tư phát triển; thực hiện tạm ứng vốn cho các địa phương đối với số vốn Ngân sách Nhà nước hỗ trợ địa phương xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp.

Chính phủ thống nhất trình Quốc hội xem xét cho phát hành bổ sung 20.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ trong năm 2009 để tập trung đầu tư cho các công trình giao thông, thuỷ lợi, y tế, giáo dục, nhà ở cho sinh viên. Giao Bộ Tài chính vay 20.000 tỷ đồng từ nguồn vốn nhàn rỗi của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để tạo nguồn tạm ứng vốn kế hoạch năm 2010 cho các dự án quan trọng, cấp bách; các công trình cần đầu tư, đang làm dở dang thiếu vốn; bảo đảm vốn đối ứng cho các dự án ODA; khai thông các công trình đầu tư FDI; các công trình quan trọng phục vụ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội…

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 4 năm 2009 phương án điều chỉnh giảm lãi suất cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

– Đối với các lĩnh vực bảo đảm an sinh xã hội: Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế tăng cường kiểm tra, kiểm soát không để bùng phát dịch bệnh; tăng cường chất lượng khám chữa bệnh, bảo hiểm y tế cho người nghèo; đẩy nhanh chương trình xây dựng, nâng cấp các bệnh viện. Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục thực hiện tốt chương trình kiên cố hóa trường, lớp học, nhà công vụ cho giáo viên bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ; đảm bảo vốn chương trình cho sinh viên nghèo vay đi học. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tiếp tục triển khai chương trình cho vay giải quyết việc làm, tăng cường đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo. Chính phủ thống nhất thực hiện điều chỉnh mức lương tối thiểu chung, điều chỉnh lương hưu và trợ cấp xã hội để thực hiện từ ngày 01 tháng 5 năm 2009.

– Về công tác chỉ đạo điều hành: Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung quyết liệt, khẩn trương triển khai các nhiệm vụ đã được giao. Những văn bản thuộc thẩm quyền Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phải được ban hành trước ngày 10 tháng 4 năm 2009 để sớm tổ chức, triển khai thực hiện. Chính phủ thành lập các đoàn kiểm tra do các thành viên Chính phủ trực tiếp dẫn đầu để đôn đốc, kiểm tra, tháo gỡ các khó khăn trong việc thực hiện các giải pháp kích cầu, chống suy giảm kinh tế.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Viện Khoa học xã hội Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan chủ động phân tích, dự báo tình hình kinh tế thế giới, kinh tế trong nước và các giải pháp cần đề ra sau khủng hoảng để phát triển kinh tế bền vững cho cả thời gian tới, sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

– Về công tác thông tin, tuyên truyền: Các bộ, ngành, địa phương cần tích cực, chủ động, kịp thời cung cấp thông tin về chủ trương, chính sách, các giải pháp, cơ chế cho báo chí để tuyên truyền, tạo sự đồng thuận toàn xã hội trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Theo Chinhphu.vn