Tháng 11, vốn khởi nghiệp 1.000 tỉ sẽ đến tay doanh nghiệp
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

TPHCM đề ra mục tiêu đến năm 2020 sẽ hỗ trợ cho 2.000 dự án khởi nghiệp và tính đến nay đã có khoảng 200 dự án đầu tiên đăng ký được hỗ trợ. Theo đó, Thành phố sẽ tập trung hỗ trợ cho việc hoàn thiện các ý tưởng, mô hình kinh doanh, dịch vụ, sản xuất sản phẩm thử nghiệm …

Trên đây là những thông tin được đại diện Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM cho hay tại cuộc họp ngày 24/10 về hỗ trợ phát triển cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp tại TPHCM.

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND Thành phố cho rằng do thành phố có rất nhiều “vườn ươm” hệ sinh thái khởi nghiệp theo kiểu “trăm hoa đua nở” nên rất khó triển khai. Do vậy, sắp tới Thành phố sẽ hình thành một trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp làm đầu mối kết nối doanh nghiệp khởi nghiệp với các quỹ đầu tư, tham mưu cho UBND Thành phố ban hành các chính sách, khung pháp lý thúc đẩy khởi nghiệp.

Mới đây nhất vào ngày 11/10, UBND Thành phố đã ban hành quy chế hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Theo đó, kinh phí hỗ trợ tối đa cho 1 dự án khởi nghiệp là 2 tỉ đồng với điều kiện đó là những dự án thuộc 4 ngành công nghiệp trọng yếu (cơ khí, điện tử – công nghệ thông tin, hóa chất – nhựa – cao su, chế biến tinh lương thực thực phẩm), công nghiệp hỗ trợ và các nhóm ngành dịch vụ (tài chính – ngân hàng – bảo hiểm, thương mại, du lịch, vận tải, cảng và kho bãi, bưu chính – viễn thông – truyền thông, kinh doanh tài sản bất động sản, tư vấn, khoa học công nghệ, y tế – giáo dục – đào tạo).

Theo ông Lê Hải Trà, Phó Tổng giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM, khởi nghiệp sáng tạo (start-up) là tập hợp các nguồn lực để tìm kiếm mô hình kinh doanh độc đáo, sáng tạo, có khả năng mở rộng, đột phá về khách hàng để đạt mức tăng trưởng thần tốc. Tuy ý tưởng có nhiều tính đột phá nhưng cũng chứa đầy rủi ro. Thống kê cho thấy có đến 90% dự án start-up bị thất bại, trong đó nguyên nhân thất bại lớn nhất vẫn là do không tạo được sản phẩm thị trường cần.

Ông Trà đề xuất chính quyền Thành phố có cơ chế, chính sách liên quan đến hệ sinh thái khởi nghiệp, hướng tới thành lập một sản chứng khoán cho khởi nghiệp.

Chính quyền TPHCM đề ra mục tiêu đến năm 2020 sẽ đạt con số 500.000 doanh nghiệp hoạt động.

Còn trên phạm vi cả nước, vào tháng 5/2016 vừa qua Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, theo đó doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân, được xác định là động lực nâng cao sức cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế. Trong đó, Nghị quyết 35 xác định một số mục tiêu như đến năm 2020 có ít nhất một triệu doanh nghiệp hoạt động, khu vực tư nhân dự kiến đóng góp khoảng 48-49% GDP, góp khoảng 49% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Văn Nam
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn