Thông tư 122 có kiểm soát được giá sữa?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

 

Theo quy định tại Thông tư 122/2010/TT-BTC của Bộ Tài chính, kể từ ngày 1.10 tới, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sữa pha chế theo công thức dạng bột dành cho trẻ dưới 6 tuổi phải thực hiện đăng ký giá. Mục đích là nhằm kiểm soát việc giá sữa tăng liên tục trong thời gian gần đây. Nhưng liệu mục đích này có đạt được? NCĐT đã trao đổi với ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Giá, Bộ Tài chính, về vấn đề này.

Ông đánh giá như thế nào về việc giá của nhiều loại sữa bột, trong đó có sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, đang tiếp tục gia tăng?

Một số doanh nghiệp cho rằng, việc Ngân hàng Nhà nước tăng tỉ giá VND/USD thêm 2,1% đã làm tăng chi phí nhập khẩu, nên họ phải đẩy cao giá sữa. Một số khác lại lấy lý do các hãng sữa nước ngoài tăng giá nên doanh nghiệp nhập khẩu phải tăng theo. Theo tôi, những lý do này không hợp lý.

Từ ngày 1.10, khi đăng ký giá sữa, nếu chi phí hợp lý thì sẽ được cơ quan quản lý ở địa phương chấp nhận căn cứ theo Quyết định số 06/2005/QĐ-BTC của Bộ Tài chính về việc ban hành Quy chế tính giá tài sản, hàng hóa, dịch vụ. Ngược lại, sẽ yêu cầu các doanh nghiệp điều chỉnh lại giá bán.

Ông có cho rằng một số hãng sữa lách luật, tăng giá sữa trước ngày 1.10.2010, để không bị kiểm soát bởi Thông tư 122?

Tôi cho rằng không đến mức độ này. Một số hãng đã cam kết không tăng giá đến hết năm 2010 như Mead Johnson (Mỹ). Cũng có doanh nghiệp lợi dụng chính sách mới để tăng giá. Ngoài việc dựa vào Thông tư 122 để kiểm soát giá sữa, chúng tôi cho rằng, người tiêu dùng cũng cần tẩy chay những sản phẩm sữa tăng giá bất hợp lý.

Tại sao chỉ áp dụng đối với sữa pha chế theo công thức dạng bột dành cho trẻ dưới 6 tuổi, trong khi từ đầu tháng 9, nhiều loại sữa dành cho phụ nữ có thai và người già cũng tăng giá?

Sữa nằm trong nhóm mặt hàng chịu sự bình ổn giá của Chính phủ. Trong rổ bình ổn đó, chúng ta chọn ra một nhóm trong các nhóm mặt hàng sữa để đăng ký giá, cụ thể là sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi, vì đây là mặt hàng có sự biến động lớn về giá trong thời gian qua. Nếu đưa hàng ngàn mặt hàng sữa vào diện đăng ký giá thì cơ quan quản lý sẽ quá tải.

Tuy nhiên, không phải chỉ mặt hàng có đăng ký cơ quan quản lý mới áp dụng biện pháp bình ổn giá. Khi thấy giá biến động bất thường, họ có thể yêu cầu các doanh nghiệp báo cáo cơ quan quản lý giá ở địa phương, từ đó ra quyết định bình ổn giá. Biện pháp mạnh là ngưng không cho bán theo giá của doanh nghiệp và thu lại phần chênh lệch doanh nghiệp đã bán so với mức cơ quan quản lý tính toán.

Chúng ta đã có nhiều văn bản về việc kiểm soát giá sữa, nhưng rốt cục vẫn không kiểm soát được. Có thể mong đợi gì từ Thông tư 122?

Thông tư 122 có 2 điểm sửa đổi căn bản so với Thông tư 104. Thứ nhất là bỏ quy định biên độ tăng giá 20% trong vòng 15 ngày thì mới áp dụng biện pháp bình ổn giá. Thay vào đó, nếu hãng sữa tăng giá bất hợp lý thì áp dụng biện pháp bình ổn ngay. Điểm sửa đổi thứ 2 là mọi đối tượng có sản xuất kinh doanh mặt hàng thuộc nhóm bình ổn giá của Chính phủ đều phải đăng ký giá theo quy định, không phân biệt loại hình doanh nghiệp. Theo quy định trước đây, các doanh nghiệp có tỉ lệ vốn nhà nước 51% mới phải đăng ký giá. Điều này đã tạo ra sự bất bình đẳng.

 

Thị trường trong nước có rất nhiều loại sữa bột thành phẩm nhập khẩu cho trẻ dưới 6 tuổi. Vậy quản lý như thế nào đối với loại sữa này, vì khó có thể kiểm soát giá thành của các sản phẩm được sản xuất ở nước ngoài?

Đây là vấn đề khó đối với cơ quan quản lý giá. Từ trước đến nay, chúng ta mới kiểm soát giá từ lúc hàng nhập khẩu vào trong nước. Theo tôi, cần có hải quan vào cuộc để tìm hiểu giá thành của sản phẩm ở nước ngoài, vừa kiểm soát việc giảm giá để trốn thuế, vừa ngăn chặn việc nâng giá lên để chuyển giá. Trước đây, chúng ta áp thuế cao vì lo trốn thuế, nhưng nay thuế nhập khẩu giảm dần thì các hãng sữa nước ngoài có xu hướng chuyển giá qua hải quan vào nước ta. Cụ thể là các hãng sữa lớn ở Việt Nam có thể khống chế giá bán theo cách thông báo giá ở nước ngoài tăng. Sau đó, qua hải quan, nhà nhập khẩu đẩy giá tăng theo.

Nghĩa là chưa có cách thức cụ thể kiểm soát sữa thành phẩm nhập khẩu?

Phía hải quan đang thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc xác định trị giá hải quan các mặt hàng nhập khẩu để tính thuế. Trị giá hải quan được xác định theo 6 phương pháp, trong đó phương pháp đầu tiên là theo trị giá giao dịch. Nếu doanh nghiệp khai báo giá giao dịch hợp lý thì được thông quan. Còn không, cơ quan hải quan có quyền bác bỏ trị giá giao dịch đó và tiến hành áp mức giá mới phù hợp hơn.

Trong giá sữa, có chi phí nghiên cứu công thức sản phẩm sữa. Không ít hãng sữa nước ngoài thông báo họ tốn hàng trăm triệu USD mới phát triển được công thức này. Nhưng thực tế chúng ta lại không kiểm soát được. Ông nghĩ gì về điều này?

Nếu họ chuyển từ nước ngoài về thông qua giá CIF (giá mua hàng bao gồm cả phí vận chuyển và bảo hiểm về đến cảng người mua) mà không bóc tách được từng loại chi phí hình thành giá thì cần cơ quan hải quan nỗ lực hơn nữa trong việc xác định trị giá hải quan. Cơ quan hải quan có 6 phương pháp xác định và có quyền chấp nhận hay không chấp nhận giá khai báo của nhà nhập khẩu. Nhưng vấn đề là cơ quan hải quan phải xây dựng được một mức giá mới và áp đặt giá giống hệt nhập khẩu vào một nước khác, hoặc giá tương tự cho phù hợp hơn.

Vì vậy, cơ quan quản lý giá phải nhờ vào hải quan. Hải quan các nước đều có hiệp định hợp tác, cung cấp thông tin cho nhau. Do đó, hải quan Việt Nam cần vào cuộc để cùng cơ quan quản lý giá trong nước xác định giá thực khi qua biên giới. Tôi cho rằng cơ quan nước sở tại sẽ hợp tác để cung cấp thông tin, hoặc phải sang tận nước sản xuất để phối hợp với hải quan bên đó tìm hiểu thông tin. Trước đây, giá càng cao, hải quan thu thuế càng nhiều, nhưng thực tế lại đang diễn ra tình trạng chuyển giá. Vì thế, cần phải kiểm soát.

Nguồn: Tạp chí Nhịp cầu đầu tư