Thành công toàn diện, vượt mong đợi 
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.
Trưa nay, 12.9, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội nước ta đã về tới Hà Nội, kết thúc rất tốt đẹp chuyến tham dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới, thăm làm việc với Nghị viện châu Âu, Vương quốc Bỉ và thăm chính thức Cộng hòa Phần Lan. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại VŨ HẢI HÀ đánh giá, chuyến thăm đã thành công vượt mong đợi, đạt kết quả toàn diện cả về chính trị đối ngoại, ngoại giao phục vụ kinh tế, ngoại giao vaccine và công tác người Việt Nam ở nước ngoài. Ngay sau chuyến thăm, chúng ta sẽ triển khai thực hiện, phát huy cao nhất kết quả hoạt động đối ngoại để đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

Bước rất quan trọng thúc đẩy việc phê chuẩn EVIPA

– Xin Chủ nhiệm cho biết những kết quả nổi bật trong chuyến tham dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5, thăm làm việc với Nghị viện châu Âu và Vương quốc Bỉ, thăm chính thức Cộng hòa Phần Lan của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội nước ta?

– Với hơn 70 hoạt động liên tục, trong đó có nhiều cuộc cấp cao và chương trình nghị sự phong phú, chuyến thăm đã khẳng định chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, thể hiện sự chủ động, tích cực và trách nhiệm của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế, nâng cao vị thế của Việt Nam.

Về kết quả nổi bật của chuyến thăm, trước hết, tại Cộng hòa Áo, Chủ tịch Quốc hội đã tham dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 – hội nghị nghị viện đa phương cấp cao nhất được tổ chức theo hình thức trực tiếp kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát đến nay. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và hơn 110 Chủ tịch Quốc hội, 40 Phó Chủ tịch Quốc hội các nước đã khẳng định cam kết ủng hộ chủ nghĩa đa phương, đặc biệt là chủ nghĩa liên nghị viện đa phương để cùng bàn bạc, trao đổi giải quyết các vấn đề mang tính chất toàn cầu, trong đó có đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu và phục hồi kinh tế sau đại dịch, bình đẳng giới và luật pháp quốc tế…

Đặc biệt, trong thời gian chủ trì hội nghị, dù rất bận rộn nhưng Chủ tịch Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) Duarte Pacheco và Tổng Thư ký IPU Martin Chungong đều dành thời gian tiếp Chủ tịch Quốc hội nước ta và đánh giá rất cao những đóng góp hiệu quả của Việt Nam đối với IPU; cảm ơn và hoàn toàn nhất trí với 3 đề xuất của Chủ tịch Quốc hội nước ta về thúc đẩy các sáng kiến nhằm đổi mới hoạt động, nâng cao vai trò của IPU trong các vấn đề quốc tế hiện nay, phát triển hơn nữa quan hệ đối tác giữa IPU và Liên Hợp Quốc (LHQ), bảo đảm lợi ích chung của các Nghị viện thành viên, củng cố hợp tác đa phương, thúc đẩy hợp tác 3 bên nghị viện thành viên – IPU – LHQ…; cảm ơn Việt Nam sẵn sàng đăng cai tổ chức các hội nghị chuyên đề theo đề nghị của IPU cho thấy Việt Nam luôn là thành viên tích cực, trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Nhân dịp tham dự hội nghị, Chủ tịch Quốc hội đã tiếp xúc song phương với 10 đối tác quan trọng của nước ta ở khắp các châu lục, từ các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và đối tác truyền thống để trao đổi cụ thể về hợp tác song phương, các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, thống nhất tăng cường hợp tác đi vào thực chất, hiệu quả, đặc biệt là hợp tác sau đại dịch để cùng phục hồi nhanh chóng nhất.

Tại Cộng hòa Áo, Chủ tịch Quốc hội cũng gặp lãnh đạo các cơ quan, tổ chức của LHQ có trụ sở tại Thủ đô Vienna, đặc biệt là với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế, Trưởng Văn phòng đại diện LHQ tại Vienna đồng thời là Giám đốc Cơ quan Phòng, chống ma túy của LHQ. Lãnh đạo các cơ quan LHQ đều khẳng định Nghị viện đóng vai trò rất lớn trong quá trình triển khai và giải quyết các thách thức mang tính chất toàn cầu; đặc biệt cho rằng, trước đây chủ yếu là kênh hợp tác với các Chính phủ thì nay đã nhận thức và thúc đẩy chiến lược quan hệ hợp tác nghị viện. Đây là một bước chuyển về tư duy rất lớn trong các cơ quan của LHQ để cùng với các nước triển khai chương trình hợp tác giải quyết các vấn đề mang tính chất toàn cầu.

Đối với Liên minh châu Âu (EU), Bỉ, Phần Lan, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC), Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP), các nhà lãnh đạo của Bỉ, Phần Lan đều đánh giá rất cao việc Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chọn châu Âu là chuyến thăm đầu tiên trên cương vị Chủ tịch Quốc hội Việt Nam. Các nhà lãnh đạo châu Âu đã dành cho Chủ tịch Quốc hội Việt Nam sự đón tiếp trân trọng nhất, các nghi thức lễ tân cao nhất. Đơn cử như tại Bỉ, Phó Chủ tịch thứ nhất Thượng viện Bỉ đã ra tận chân cầu thang máy bay, trải thảm đỏ đón Chủ tịch Quốc hội ta. Tại trụ sở EC, bạn trải thảm đỏ đón Chủ tịch Quốc hội ta. Tại trụ sở EP, bạn trải thảm xanh đón Chủ tịch Quốc hội ta. Chủ tịch EC, Chủ tịch EP ra tận cửa xe ô tô đón Chủ tịch Quốc hội ta và cùng đến phòng hội đàm. Đây là nghi lễ mà bạn dành cho nguyên thủ quốc gia.

Chủ tịch EC, Chủ tịch EP đánh giá Việt Nam là đối tác tin cậy và quan trọng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương và EU mong muốn được tham gia vào các cơ chế quốc phòng và an ninh của khu vực nhằm bảo đảm hòa bình, ổn định tự do, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không, đóng góp cho sự phát triển chung của khu vực và thế giới.

Đặc biệt, trong chuyến thăm lần này, Chủ tịch Quốc hội đã dự 3 tọa đàm doanh nghiệp tại Áo, Bỉ, Phần Lan với sự tham dự của hàng trăm doanh nghiệp hàng đầu các nước này. Chủ tịch Quốc hội cũng đã tiếp nhiều doanh nghiệp lớn của châu Âu. Có những doanh nghiệp từ Pháp, Đức đã sang Bỉ, Phần Lan để được gặp Chủ tịch Quốc hội và Đoàn. Qua các tọa đàm và các cuộc tiếp, các doanh nghiệp đều mong muốn đầu tư ở Việt Nam, xem Việt Nam là đối tác tin cậy tại Đông Nam Á và châu Á – Thái Bình Dương. Trong khuôn khổ chuyến thăm, nhiều hợp đồng, biên bản ghi nhớ hợp tác giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp châu Âu cũng đã được ký kết.

– Qua các cuộc hội kiến, hội đàm cấp cao của Chủ tịch Quốc hội với các nhà lãnh đạo EU, EP, Bỉ, Phần Lan cho thấy các nhà lãnh đạo EU và Bỉ đều khẳng định cam kết mạnh mẽ trong việc thúc đẩy hợp tác với Việt Nam, đặc biệt là hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư, thưa Chủ nhiệm?

– Đúng vậy. Chủ tịch Quốc hội đã có các cuộc hội kiến với Chủ tịch EC và hội đàm với Chủ tịch EP, làm việc với một số cơ quan của EP để thảo luận, thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam và EU – đối tác quan trọng hàng đầu Việt Nam. Các nội dung trao đổi rất sâu sắc và toàn diện, từ việc thực hiện cam kết của hai bên trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA)…

Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam tham gia rất nhiều hiệp định thương mại tự do với nhiều đối tác lớn trên thế giới, trong đó có những hiệp định thế hệ mới có quy mô rất lớn như CPTPP, RCEP thì việc sớm phê chuẩn EVIPA sẽ là cơ hội cho các nhà đầu tư của EU tham gia vào thị trường Việt Nam, nhất là cơ hội đầu tư sau đại dịch. Nếu EVIPA được phê chuẩn sẽ là bước tiến của cả hai bên, như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ví EVFTA và EVIPA như “hai cánh của một con chim”, nếu Hiệp định chưa được phê chuẩn thì không thể bay cao, bay xa được. Đây là bước rất quan trọng để Việt Nam cùng với các nước châu Âu thúc đẩy việc phê chuẩn EVIPA. Chủ tịch EC và Chủ tịch EP rất ủng hộ quan điểm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và khẳng định sẽ góp sức cùng với Việt Nam để thúc đẩy các nước thành viên EU cùng phê chuẩn.

<img alt="" src="” width=”850px” />
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hội kiến Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel vào ngày 8.9 trong chuyến thăm, làm việc với Nghị viện châu Âu và Vương quốc Bỉ

Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Về vấn đề thẻ vàng IUU, Chủ tịch EC, Chủ tịch EP đều cho rằng, các quy định pháp luật của chúng ta là tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, ở đây các bạn vẫn có lo ngại về việc thực thi ở các địa phương của Việt Nam chưa được tốt. Bạn mong muốn ta làm tốt điều này. Chủ tịch EC và Chủ tịch EP đều cam kết sẽ trao đổi, đưa vấn đề này ra Ủy ban châu Âu sớm nhất có thể để gỡ thẻ vàng cho chúng ta bởi việc này không chỉ có lợi cho phía Việt Nam mà đồng thời có lợi cho cả phía châu Âu.

Đối với Bỉ, đây là đối tác rất quan trọng của Việt Nam trong EU. Hai nước đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược trong lĩnh vực nông nghiệp và có tiềm năng để tăng cường hợp tác trong rất nhiều lĩnh vực khác, nhất là giáo dục, logistics, cảng biển… Các nhà lãnh đạo Bỉ đánh giá cao trách nhiệm và công tác triển khai thực thi các cam kết trong hiệp định song phương, đặc biệt là EVFTA của Việt Nam; khẳng định, Bỉ đang xem xét để phê chuẩn EVIPA trong thời gian sớm nhất, vì cơ chế đặc thù ở Bỉ phải qua các nghị viện vùng, sau đó mới lên Nghị viện Liên bang.

Với Phần Lan, đây là quốc gia Bắc Âu đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với nước ta từ khi chiến tranh còn chưa kết thúc và từ đó đến nay, quan hệ hai nước phát triển rất tốt đẹp. Tổng thống, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội Phần Lan đều đánh giá rất cao nỗ lực của Việt Nam trong phát triển kinh tế – xã hội vừa qua, đặc biệt, từ một đối tác nhận viện trợ phát triển trước đây, nay Việt Nam đã trở thành đối tác bình đẳng của Phần Lan trong thương mại, đầu tư và nhiều lĩnh vực khác. Các nhà lãnh đạo Phần Lan mong muốn được hợp tác với chúng ta trong những lĩnh vực thế mạnh của bạn như chuyển đổi số, giáo dục, y tế, công nghệ thông tin… Đây cũng là những lĩnh vực mà Việt Nam đang ưu tiên thu hút đầu tư. Việc tăng cường hợp tác song phương trong các lĩnh vực này sẽ đóng góp rất lớn vào quá trình phục hồi kinh tế cũng như thiết lập quan hệ lâu dài của hai nước.

Dấu ấn đậm nét về ngoại giao vaccine

– Chủ nhiệm đánh giá như thế nào về quan hệ nghị viện giữa Việt Nam và EP, Bỉ, Phần Lan trong thời gian tới?

– Trong các cuộc tiếp xúc với Nghị viện các nước, bạn đều đánh giá rất cao việc Quốc hội Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ quan hệ nghị viện với các nước, và cho rằng quan hệ nghị viện là kênh rất quan trọng, đặc biệt là ngoại giao nghị viện trong giai đoạn hiện nay đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân, vừa thúc đẩy hợp tác giữa Chính phủ đồng thời là sự kết nối giữa Nhân dân các nước, từ đó, chúng ta xây dựng được mối quan hệ bền chặt với các nước.

Đặc biệt với EP, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ luôn nhấn mạnh trong các cuộc làm việc với các nhà lãnh đạo EC, EP rằng Việt Nam và EU là quan hệ đối tác toàn diện mang tính chiến lược. Do đó, nghị viện hai bên cần đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai bên. Chủ tịch EP cho biết sẵn sàng hưởng ứng đề nghị của Chủ tịch Quốc hội ta về việc thiết lập một cơ chế để EP và Quốc hội Việt Nam tăng cường quan hệ, đóng góp vào sự phát triển quan hệ Việt Nam – EU. Chủ tịch Ủy ban Thương mại châu Âu rất mong muốn tiếp tục thúc đẩy cơ chế hợp tác giữa Ủy ban Thương mại Quốc tế EU với Ủy ban Đối ngoại của chúng ta để thúc đẩy việc thực hiện EVFTA và sau này là EVIPA cũng như nhiều vấn đề khác trong quan hệ hai nước để hỗ trợ tốt nhất cho sự phát triển giữa 2 bên. Lãnh đạo Nghị viện Bỉ, Phần Lan cũng khẳng định cam kết tăng cường mạnh mẽ hơn nữa các hoạt động hợp tác với Quốc hội nước ta để cùng thúc đẩy hợp tác song phương trên các lĩnh vực.

Lợi thế của ngoại giao nghị viện trực tiếp là chúng ta có điều kiện tiếp xúc, trao đổi cởi mở, thẳng thắn với lãnh đạo nghị viện các nước về các vấn đề hai bên cùng quan tâm, trong đó có cả những vấn đề mà kênh trực tuyến khó có thể thay thế được. Qua chuyến thăm, có thể nói rằng, chúng ta đã phát huy rất tốt lợi thế này. Ngoài việc tham dự các hoạt động đa phương, các phát biểu của Chủ tịch Quốc hội tại các phiên toàn thể, Chủ tịch Quốc hội đã có cuộc tiếp xúc song phương với những đối tác rất quan trọng, như Nga, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Mozambique, Chile, Anh, Italy… Điều này sẽ góp phần tích cực đối với hợp tác song phương, nhất là trong bối cảnh phục hồi sau đại dịch.

– Ngoại giao “vaccine” là một trong những ưu tiên trong chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội lần này và đã thu được nhiều kết quả tích cực, thưa Chủ nhiệm?  

– Về ngoại giao vaccine, Chủ tịch EC và Chủ tịch EP đều rất ủng hộ việc tăng cường nguồn cung vaccine cho các nước ASEAN và Việt Nam. Chủ tịch EC cho biết sẽ tăng khoảng 500 triệu liều vaccine cho các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam. Các nhà lãnh đạo EU cũng cam kết sẽ xem xét nhượng lại hoặc cho vay lượng vaccine dôi dư chưa dùng đến để chúng ta sử dụng trước. Đây là cam kết rất mạnh mẽ.

Nhân chuyến thăm của Chủ tịch Vương Đình Huệ, Chính phủ Bỉ, Chính phủ Slovakia đã quyết định tặng Việt Nam 100.000 liều vaccine và số vaccine này đã vận chuyển ngay về cùng Đoàn để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Hai nước cũng cam kết hỗ trợ, nhượng lại nhiều triệu liều vaccine để hỗ trợ Việt Nam. Nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đã hỗ trợ các trang thiết bị và vật tư y tế, nhất là các bộ kit xét nghiệm Covid-19, tổng trị giá đạt trên 1.028 tỷ đồng (chưa bao gồm 200.000 liều vaccine do Bỉ và Slovakia tài trợ và một số vật tư y tế khác).

Ngoài ra, trong khuôn khổ chuyến thăm, một số hợp đồng liên quan đến sản xuất kit xét nghiệm, nghiên cứu và sản xuất vaccine đã được ký kết. Đây là dấu ấn rất đậm nét trong chuyến công tác lần này của Chủ tịch Quốc hội, không chỉ đóng góp nguồn lực để hỗ trợ ngay cho công tác phòng, chống dịch trong nước mà còn tạo cơ sở để tới đây chúng ta có thể chủ động hơn trong việc sản xuất, cung ứng vaccine, trang thiết bị y tế phòng dịch ngay trong nước.

– Tại các nước đến thăm, Chủ tịch Quốc hội và Đoàn đều dành thời gian gặp gỡ, động viên kiều bào ta ở nước ngoài. Theo Chủ nhiệm, điều này có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh Bộ Chính trị vừa ban hành Kết luận số 12 về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới?

– Chủ tịch Quốc hội và Đoàn đã có cuộc “tiếp xúc cử tri” đặc biệt với cộng đồng người Việt tại Áo, Bỉ, Phần Lan và nhiều nước trong khu vực châu Âu. Khi biết tin Chủ tịch Quốc hội sang thăm châu Âu, kiều bào ta ở các nước lân cận với Áo, Bỉ đã về dự cuộc gặp cho thấy tình cảm, trái tim luôn hướng về quê hương, Tổ quốc của kiều bào. Chuyến công tác diễn ra ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Kết luận 12 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 36 và Chỉ thị số 45 về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới. Do đó, đây cũng là dịp rất tốt để trao đổi với kiều bào về chính sách người Việt Nam ở nước ngoài của Đảng và Nhà nước ta; khẳng định đây là bộ phận không tách rời của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và chúng ta mong muốn bà con tiếp tục đoàn kết, xây dựng cộng đồng dù ở xa Tổ quốc. Nhà nước có trách nhiệm và sẵn sàng hỗ trợ để đồng bào có cuộc sống ổn định, làm ăn lâu dài tại nước sở tại, đồng thời, phát huy được vai trò, đóng góp tích cực cho quan hệ của hai bên. Nhà nước cũng sẽ nghiên cứu đáp ứng nhu cầu chính đáng của kiều bào về giáo dục văn hóa, dạy tiếng Việt cho cộng đồng…

– Xin cảm ơn ông!