Tháo gỡ điểm nghẽn 
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.
Quốc hội Khóa XIV đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, hành động vì lợi ích của Nhân dân, của đất nước, hoàn thành tốt nhiệm vụ đặt ra, quyết định nhiều cơ chế, chính sách mang tính đột phá, quyết liệt, kịp thời tháo gỡ những điểm nghẽn và tạo hành lang pháp lý để thúc đẩy sự phát triển. Khẳng định điều này, tại phiên họp sáng qua, 26.3, các đại biểu Quốc hội cũng đưa ra nhiều đề xuất cụ thể nhằm nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, nhất là trong lĩnh vực giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

ĐBQH Nguyễn Thị Lan (Hà Nội):
Tăng thời gian thảo luận các vấn đề hệ trọng, vĩ mô

Dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ Khóa XIV của Quốc hội đã khái quát được toàn diện các hoạt động của Quốc hội; đã làm nổi bật những thành tựu to lớn, vượt trội trong nhiệm kỳ vừa qua; đã củng cố và làm sinh động thêm niềm tin vững chắc và tình yêu sâu đậm của Nhân dân đối với Quốc hội. Nhân dân cả nước đã thực sự quan tâm đến các hoạt động và sự phát triển của Quốc hội. Các hoạt động năng động, sáng tạo, thực chất và trí tuệ của Quốc hội Khóa XIV đã khởi tạo thêm luồng sinh khí mới mẻ trong sinh hoạt chính trị nói riêng và trong đời sống xã hội nói chung. Dự thảo Báo cáo cũng phân tích khá đầy đủ, thẳng thắn những điểm mạnh, điểm còn tồn tại, nguyên nhân của những tồn tại đó và đưa ra các bài học kinh nghiệm khá sâu sắc.

Để góp phần làm cho hoạt động của Quốc hội thời gian tới tốt hơn, hiệu quả hơn, cụ thể là trong hoạt động giám sát của Quốc hội, tôi đề nghị Quốc hội quan tâm, nghiên cứu thêm về vấn đề “hậu giám sát” một cách thiết thực, cụ thể, với các tiêu chí định lượng rõ ràng, các chỉ số đo khả tín, tạo niềm tin vững chắc hơn cho cử tri với công tác giám sát của Quốc hội.

Về công tác tiếp công dân và xử lý đơn thư khiếu nại. Thực tế vừa qua, chính quyền các cấp đã rất tích cực xử lý vấn đề này nhưng vẫn còn những vụ việc kéo dài. Rất nhiều vụ việc đã có các văn bản ngừng tiếp nhận đơn thư của các cấp nhưng người dân vẫn tiếp tục gửi đơn, ý kiến và không muốn ra tòa. Tôi cho rằng, cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến và giám sát việc thực hiện pháp luật hơn nữa; cần nghiên cứu thêm các giải pháp hiệu quả hơn để không làm lãng phí thời gian của người dân, của đại biểu Quốc hội và các cơ quan có trách nhiệm giải quyết và cũng tạo thêm niềm tin của cử tri đối với Quốc hội.

Cùng với đó, Quốc hội nên định hướng tăng cường, phân bổ thêm thời gian để thảo luận trên nghị trường về các vấn đề quan trọng của đất nước, những vấn đề ở tầm vĩ mô như về: Mô hình tăng trưởng, các chính sách đối nội, đối ngoại của đất nước, các vấn đề cạnh tranh kinh tế, tài chính, địa chính trị; các vấn đề mang tính chiến lược, quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh…

ĐBQH Hoàng Quốc Thưởng (Hải Dương):
Dành thời gian thỏa đáng bàn quy hoạch tổng thể quốc gia

Nhiệm kỳ Khóa XIV, Quốc hội đã ban hành nhiều luật, bộ luật và nhiều nghị quyết có chất lượng và phù hợp với tình hình thực tiễn phát triển của đất nước, trong đó có những nghị quyết về cơ chế, chính sách mang tính đột phá, quyết liệt, kịp thời tháo gỡ những điểm nghẽn và tạo hành lang pháp lý thúc đẩy sự phát triển. Ví dụ, Nghị quyết về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Đây là một thành công Quốc hội đã làm được một việc tháo gỡ điểm nghẽn của nền kinh tế.

Quốc hội đã phê chuẩn nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tạo đà cho sự phát triển, sự hội nhập quốc tế của quốc gia. Hoạt động giám sát đã thực chất hơn, đúng và trúng vấn đề mà Nhân dân, cử tri quan tâm. Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại mỗi kỳ họp từng bước được đổi mới và rõ ràng hơn, thể hiện được trách nhiệm của đại biểu khi chất vấn, trách nhiệm của người trả lời chất vấn đã rõ ràng, thực chất hơn. Nhiệm kỳ Khóa XIV, Quốc hội và Chính phủ cũng phối hợp khăng khít, nhịp nhàng. Cùng với đó, hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội tại các địa phương đã được cử tri và Nhân dân đánh giá rất cao. Đây cũng là nhiệm kỳ được cử tri và Nhân dân đánh giá là “được mùa” về công tác đối ngoại. Việc tổng hợp ý kiến và trả lời các kiến nghị của cử tri cũng được giám sát rất chặt chẽ và được các cơ quan, nhất là Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành rất hiệu quả, có báo cáo rất đầy đủ và chính xác.

Tôi mong muốn rằng, trong nhiệm kỳ tới, Quốc hội sẽ dành thời gian thỏa đáng để bàn về quy hoạch tổng thể chiến lược phát triển quốc gia. Nếu không có quy hoạch này thì quy hoạch của mỗi địa phương, mỗi một vùng và quốc gia chúng ta không có một định hướng tổng thể. Cùng với đó là trao quyền nhiều hơn cho đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, gắn với đó là trách nhiệm của đại biểu chuyên trách ở Trung ương cũng như của mỗi địa phương. Quốc hội cần dành nhiều thời gian để thảo luận thật sâu, thật kỹ vào mỗi dự án luật, dành thời gian tham gia góp ý vào những điều khoản mà chúng ta thấy còn băn khoăn, thấy còn cần phải góp ý.

ĐBQH Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi):
Lượng hóa trách nhiệm thực hiện kết luận giám sát

Thời gian qua, giám sát chuyên đề của các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả giám sát. Tuy vậy, vẫn còn hạn chế, trong đó có việc theo dõi, đôn đốc, thực hiện kiến nghị giám sát cũng chưa thật sự quyết liệt, thường xuyên. Đây là hạn chế chủ quan và hoàn toàn có thể khắc phục được, vì việc xem xét kiến nghị giám sát đã được quy định rất chặt chẽ tại Điều 33 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND và được cụ thể hóa tại Điều 50 Nghị quyết số 334 Quốc hội Khóa XIV.

Tôi đề nghị, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội tiếp tục phát huy hiệu quả giám sát chuyên đề, chú trọng thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc giải quyết kiến nghị giám sát, báo cáo kết quả giám sát và giải quyết kiến nghị giám sát theo quy định. Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chỉ đạo công tác tổng hợp, theo dõi các báo cáo kết quả giám sát chuyên đề và kết quả giải quyết kiến nghị giám sát của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội. Tăng cường xem xét và ban hành nghị quyết giám sát chuyên đề, trong đó thể hiện các tiêu chí định lượng rõ ràng, mốc thời gian giải quyết, trách nhiệm thực hiện cụ thể của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Nghiên cứu quy định về việc định kỳ xem xét việc giải quyết kiến nghị giám sát tại các phiên họp của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội như xem xét, giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị cử tri định kỳ tại kỳ họp Quốc hội để tăng cường trách nhiệm xem xét, giải quyết của các cơ quan chức năng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong việc ban hành chính sách, tổ chức quản lý, điều hành các chuyên đề, lĩnh vực giám sát.

Tôi cũng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết quy định về một số vấn đề trong xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, nhất là các quyết sách kinh tế – xã hội để bảo đảm tính khoa học, khả thi cao, trong đó làm rõ một số nội dung:

Một là, xác định các vấn đề quan trọng về kinh tế – xã hội, công trình chương trình, dự án quy mô, mức độ, các quyết sách có tầm chiến lược vĩ mô. Cần xem xét quyết định theo quy trình, thủ tục nhất định, chặt chẽ. Hai là, xác định trình tự, thủ tục, đánh giá tác động, trách nhiệm, thuyết minh, cung cấp thông tin, giải trình và trách nhiệm pháp lý của cơ quan đối tượng trình. Ba là, quy định về trình tự thẩm định, xác định trách nhiệm của cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp của Quốc hội trong công tác thẩm tra. Bốn là, quy định chặt chẽ các tiêu chí, xác định các điều kiện bảo đảm về hồ sơ, thủ tục, quy trình tính khả thi. Quy định các trường hợp cụ thể và cơ chế sửa đổi, bổ sung điều chỉnh về quy mô về nguồn lực, thời gian, thời hạn các mục tiêu, chỉ tiêu để được xem xét trình Quốc hội cho ý kiến quyết định và ngược lại trong một số trường hợp cần thiết quy định về cách thức đặt vấn đề, phương thức thảo luận, tranh luận và biểu quyết nhằm tăng cường giải pháp mang tầm chiến lược để đưa ra những quyết sách bảo đảm sự phát triển. Năm là, quy định rõ trách nhiệm tổ chức thực hiện nghị quyết của Quốc hội.

Sáu là, đặc biệt quan tâm đến quy định về việc cung cấp thông tin, tài liệu về các chương trình, dự án, công trình, vấn đề quan trọng quốc gia khác để các đại biểu Quốc hội có thời gian lấy ý kiến, tham vấn chuyên gia, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, chính quyền địa phương, người dân thuộc đối tượng điều chỉnh để tiếp thu, mang tâm tư, nguyện vọng đề xuất từ cơ sở đến nghị trường nhằm tạo sự đồng thuận cao, góp phần nâng cao hiệu quả xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.