Thờ ơ với bảo hiểm tín dụng xuất khẩu
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

 

Thấy lợi ích… vẫn e dè

Theo bà Phạm Thu Hằng, Phó Tổng Thư ký VCCI, hoạt động xuất khẩu thời gian gần đây đạt mức tăng trưởng khá từ 18-20%, góp phần đáng kể trong việc tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy phát triển xã hội. Riêng năm 2011, kim ngạch xuất khẩu của VN tăng hơn 33% so với năm trước và đạt hơn 96,3 tỉ USD. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất càng gia tăng thì rủi ro về xuất khẩu càng lớn và khó lường. Vì vậy, công cụ quản lý rủi ro bảo hiểm sẽ giúp DNVN xuất khẩu an toàn và hiệu quả hơn…

Nhận định về tính hiệu quả của việc tham gia bảo hiểm cho hàng hóa xuất khẩu, ông Phùng Khắc Lộc- Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm VN cho biết: Hàng hóa xuất khẩu của VN luôn đối mặt với nhiều rủi ro mà không lường hết được trong chu trình nguy hiểm từ kho người bán đến kho người mua. Để khắc phục những rủi ro có thể xảy ra, DN phải nhận thức được trách nhiệm pháp lý, rào cản kỹ thuật, mức độ rủi ro, thiệt hại. Quản lý rủi ro bằng bảo hiểm sẽ giúp DN xuất khẩu giảm thiệt hại và cũng là cơ hội để DN mạnh dạn trong phát triển thị trường mới, tăng khả năng khai thác thị trường cũ nhiều tiềm năng.

Trong năm 2011, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của VN là trên 200 tỷ USD (xuất khẩu 96 tỷ USD, nhập khẩu trên 110 tỷ USD). Nhưng, phí bảo hiểm hàng hóa thu được chỉ đạt 1.100 tỷ đồng, tương đương với 50 triệu USD. “Số phí thu được quá khiêm tốn so với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, chỉ chiếm 0,02%. Đây là sự thiệt thòi của nền kinh tế VN”, ông Lộc nói.

Tại sao nhận thức rõ được lợi ích của việc tham gia BHTDXK nhưng nhiều DN vẫn tỏ ra e dè? Nhiều ý kiến cho rằng, mục tiêu của Quyết định 2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đạt tối đa 3% kim ngạch xuất khẩu được BHTDXK vào năm 2013 là quá cao và khó thực hiện. Nhất là trong thời điểm kinh tế khó khăn, muốn tham gia chương trình gì DN đều cân nhắc kỹ lưỡng. Tổng Giám đốc một Công ty CP bảo hiểm chia sẻ: Thế giới đã triển khai BHTDXK từ rất lâu nhưng không phải nước nào cũng làm được mà chỉ gói gọn ở một số nước ở châu Âu, châu Mỹ và một số ít nước Châu Á. Ở VN, khách hàng quan tâm đến BHTDXK chủ yếu là các DN nước ngoài còn các DNVN khá thờ ơ và cũng chưa hiểu cặn kẽ về BHTDXK.

Chuộng bảo hiểm ngoại

Trong hoạt động ngoại thương, lựa chọn của các DNVN là mua bảo hiểm và thuê tàu ở nước ngoài.

Điều này được thể hiện rõ qua việc các thương nhân VN thường đàm phán nhập khẩu hàng hóa theo giá CIF. Ngược lại, DNVN xuất khẩu theo giá FOB, tức nhà nhập khẩu nước ngoài chịu trách nhiệm thuê và trả phí phương tiện vận tải. Thống kê của Công ty TNHH Bảo hiểm Chartis VN cho thấy chưa đến 30% số DNVN thực hiện xuất khẩu thực hiện theo giá CIF.

Chỉ có một số mặt hàng mà thế giới không bán bảo hiểm do rủi ro cao như phân bón, thức ăn gia súc… thì DNVN mới mua bảo hiểm trong nước. “Đây chính là lý do khiến cho phí bảo hiểm và phí vận tải trong nước thất thu. Vì vậy, DN trong nước cần thay đổi lại tư duy và nhận thức”, ông Lộc phân tích.

Nhiều chuyên gia nhận định, việc DN mua bảo hiểm nước ngoài sẽ dễ gặp rủi ro và khó đòi bồi thường vì phần lớn các DNBHNN đều đòi hỏi giấy tờ, thủ tục với yêu cầu cao, khắt khe. Nhưng nếu DN chọn mua bảo hiểm cho hàng hóa xuất nhập khẩu của đơn vị cung cấp bảo hiểm trong nước, dưới sự can thiệp của Luật Kinh doanh bảo hiểm, nếu giấy tờ sai sẽ được sửa lại cho đúng dưới sự tư vấn của DNBH. Rõ ràng, mua bảo hiểm của các đơn vị kinh doanh bảo hiểm trong nước sẽ an toàn hơn.

Giang Ly
Nguồn: Báo điện tử Thế giới & Việt Nam