Thời báo Kinh tế Sài Gòn: 10 Sự kiện Kinh tế Việt Nam năm 2007
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Lạm phát hai chữ số

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2007 đã ở mức hai chữ số, 12,6% và là mức cao nhất trong 11 năm qua. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, nguyên nhân chính khiến lạm phát tăng mạnh là do việc điều hành chính sách tiền tệ không theo kịp diễn biến kinh tế trong nước.

Dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam tăng cao

Những con số kỷ lục mới được thiết lập trong năm 2007: thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 20,3 tỉ đô la Mỹ (năm ngoái là 12 tỉ đô la), vốn đầu tư gián tiếp khoảng 5,3 tỉ đô la, vốn ODA cam kết tài trợ 5,4 tỉ đô la Mỹ, và kiều hối cũng xấp xỉ 8 tỉ đô la.

Vốn vào nhiều cho thấy Việt Nam là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư, nhưng cũng nổi lên mối lo ngại về khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.

Sốt giá nhà, đất, vàng

Sự việc người dân chen lấn nhau để đăng ký mua căn hộ của các dự án The Vista, Sky Garden 3, Blue Diamond ở TPHCM có phần xuất phát từ việc giá nhà đất trong năm 2007 bị “sốt” cục bộ. Giá nhiều căn hộ cao cấp tăng gấp ba lần chỉ trong vòng một năm. Các nhà môi giới bất động sản lý giải nguyên nhân là do cầu tăng đột biến song nguồn cung lại nhỏ giọt, chủ yếu do quy định pháp luật quá nhiêu khê. Nhiều dự báo cho thấy năm 2008 thị trường bất động sản sẽ tiếp tục nóng khi mà người nước ngoài được phép mua nhà tại Việt Nam, và kiều hối đổ về ngày càng nhiều.

Trong khi đó, vàng cũng ghi dấu ấn kỷ lục trong vòng 28 năm qua, khi lên tới mức giá hơn 16 triệu đồng/lượng vào tuần đầu tháng 11-2007.

Nhập siêu kỷ lục

Mức nhập siêu trong năm 2007 được ước tính lên tới hơn 12 tỉ đô la Mỹ. Dù còn nhiều ý kiến nhận định trái ngược nhau về tình hình nhập siêu của năm nay, nhưng có một điểm chung trong các nhận định là nó phản ánh sự yếu kém căn bản của nền kinh tế với khu vực công nghiệp chủ yếu dựa vào lắp ráp, gia công là chính.

Tình trạng vệ sinh an toàn thực phẩm kém và dịch bệnh hoành hành

Sự kiện ém nhẹm thông tin nước tương có chứa chất 3-MCPD (có nguy cơ gây bệnh ung thư) vượt mức cho phép, nhiều vụ ngộ độc thực phẩm liên tiếp xảy ra và bệnh dịch tả bùng phát ở nhiều tỉnh, thành trong năm qua cho thấy sự yếu kém của hệ thống quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, y tế cộng đồng và vệ sinh phòng dịch. Cũng chính sự yếu kém này dẫn đến thiệt hại cho không ít doanh nghiệp sản xuất nước tương, mắm tôm trong nước khi việc công bố thông tin không rõ ràng và thiếu căn cứ khoa học.

Hạ tầng yếu kém cản trở tiến trình phát triển

Đường sá xuống cấp trầm trọng khiến cho tình trạng ách tắc giao thông tại các đô thị lớn trở thành vấn nạn đối với người dân và doanh nghiệp. Việc cắt điện luân phiên khi mới bước vào mùa khô cũng ảnh hưởng nặng nề đến phát triển kinh tế và đời sống. Hạ tầng yếu kém chính là một trong những nút thắt cổ chai của nền kinh tế trong năm qua, làm chậm tiến trình phát triển.

Đề án 112 phá sản

Đề án “Tin học hóa quản lý hành chính Nhà nước giai đoạn 2001-2005” được Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quyết định 112 ngày 25-7-2001, gọi tắt là Đề án 112, với tổng mức đầu tư được duyệt là 3.836,85 tỉ đồng, đã bị ngưng theo một quyết định của Thủ tướng vào tháng 4 năm nay do lãng phí, không hiệu quả. Trong tổng kinh phí đã cấp là 1.534,32 tỉ đồng, chỉ riêng số tiền sử dụng sai mục đích đã hơn 200 tỉ đồng. Cơ quan điều tra đã khởi tố bị can đối với 17 đối tượng, trong đó có ông Vũ Đình Thuần, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP), Trưởng ban Điều hành Đề án 112; hai cán bộ VPCP và 14 đối tượng là tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, giám đốc các nhà xuất bản và doanh nghiệp. Sự thất bại của Đề án 112 là một bài học lớn cho Chính phủ về đầu tư công.

Các cam kết WTO có hiệu lực

Ngày Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) là ngày 11-1-2007. Đây cũng là cột mốc về thời gian để Việt Nam thực hiện các cam kết WTO của mình. Chính các cam kết này đã trực tiếp hay gián tiếp tạo nên sự sôi động mọi mặt của nền kinh tế Việt Nam trong năm qua.

Thị trường chứng khoán nhiều biến động

Mặc dù được xem là năm thành công, chỉ số VN-Index tăng từ 741 điểm vào ngày 2-1-2007 lên 918,43 điểm vào ngày 25-12, tức tăng gần 25%, tổng lượng vốn huy động qua thị trường chứng khoán trong năm 2007 đạt 90.000 tỉ đồng, tăng gấp ba lần so với năm 2006, nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn phát triển trong trạng thái phập phù, thiếu vững chắc. Sau đợt tăng mạnh vào những tháng đầu năm, thị trường rơi vào tình trạng ảm đạm kéo dài xen lẫn những đợt bùng phát trở lại nhưng rất ngắn. Tổng giá trị vốn hóa thị trường tính đến cuối năm 2007 đã hơn 40% GDP.

Hai vụ tai nạn xây dựng gây bàng hoàng cho người dân cả nước

Sự cố sập nhịp dẫn công trình cầu Cần Thơ ngày 26-9 làm 50 người chết và hơn 80 người bị thương và mới đây vụ sạt lở núi tại công trình thủy điện Bản Vẽ ở tỉnh Nghệ An vào ngày 15-12 khiến 18 người bị thiệt mạng cùng nhiều người khác bị thương là hai thảm họa lớn nhất của ngành xây dựng trong năm qua. Nguyên nhân của hai vụ việc đang được điều tra, chưa có kết luận chính thức từ cơ quan chức năng. Hai sự cố này đặt ra nhiều vấn đề về bảo đảm an toàn thi công, việc quản lý chất lượng công trình, năng lực, trách nhiệm của chủ đầu tư đến việc tổ chức cứu hộ, cứu nạn khi có sự cố xảy ra.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài gòn